Thứ 5, 25/04/2024 20:18:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:32, 20/03/2018 GMT+7

Xóa bỏ tư duy sản xuất theo phong trào

Thứ 3, 20/03/2018 | 08:32:00 1,625 lượt xem
BP - “Nhiệm vụ tập trung năm 2018 là chúng tôi rà soát toàn bộ cán bộ trên địa bàn huyện, từ văn bằng đến năng lực, sở trường công tác để chuẩn bị nguồn cho giai đoạn tiếp theo. Luân chuyển cán bộ từ khối nhà nước sang khối đảng và ngược lại, luân chuyển từ huyện về xã hoặc từ xã về huyện để hạn chế chủ nghĩa duy ý chí, không thực tài. Trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi chỉ đạo xóa bỏ tư duy sản xuất theo phong trào để giúp người dân tránh được khó khăn khi cây trồng mất giá” - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù Đốp Hà Anh Dũng cho biết.

P.V: Đồng chí có thể cho biết những điều tâm đắc nhất Bù Đốp đạt được trong năm 2017?

Bí thư Huyện ủy Hà Anh Dũng: Cái được của Bù Đốp trong năm qua đầu tiên phải nhắc đến là công tác xây dựng đảng. Đảng bộ huyện được công nhận trong sạch vững mạnh, 47% cơ sở đảng duy trì trong sạch vững mạnh. Chúng tôi thực hiện phong trào “Tiết kiệm bản thân, dành phần người khó”, quyên góp được 250 triệu đồng trao tặng 5 hộ đảng viên nghèo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Phong trào này sẽ được duy trì thường xuyên, liên tục. Mục đích của phong trào không chỉ dừng lại ở việc huy động kinh phí, mà là giúp từng đảng viên trong toàn Đảng bộ hiểu được vai trò, ý nghĩa của việc tiết kiệm theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm và Bí thư Huyện ủy Bù Đốp Hà Anh Dũng trao biểu trưng hỗ trợ đảng viên nghèo trên địa bàn từ phong trào “Tiết kiệm bản thân, dành phần người khó” của huyện

Cái được thứ hai là hệ thống dân vận hướng về cơ sở. Để thực hiện được việc này, Thường trực, Thường vụ Huyện ủy phân công từng đồng chí huyện ủy viên gắn với từng chi bộ thôn, ấp. Mỗi huyện ủy viên trực tiếp tham gia từng cuộc họp ở chi bộ thôn, ấp để nắm bắt thông tin và hỗ trợ chi bộ khi gặp khó khăn, những trường hợp vượt quá khả năng thì báo về Ban Thường vụ để kịp thời cho ý kiến chỉ đạo. Đối với ủy viên thường vụ, chúng tôi tổ chức cho từng đồng chí thực hiện việc nêu gương trước nhân dân. Mỗi đồng chí cam kết thực hiện phần việc nêu gương của mình. Chương trình nêu gương của mỗi đồng chí được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân trực tiếp tham gia giám sát. Công tác kiểm tra, xây dựng đảng được tổ chức độc lập với hội nghị ban chấp hành để phát huy tối đa vai trò của công tác kiểm tra đảng. Nhờ vậy, công tác xây dựng đảng đã có nhiều chuyển biến rõ nét, thể hiện qua sự trưởng thành của từng chi bộ thôn, ấp...

Trên lĩnh vực kinh tế, Bù Đốp là huyện nông nghiệp ở biên giới, còn nhiều khó khăn nhưng thu ngân sách trên địa bàn năm 2017 được 184,172 tỷ đồng, đạt 342% so với dự toán tỉnh giao. Đây cũng là kết quả khả quan nhất sau 14 năm từ ngày huyện tái lập năm 2003. Công trình thủy lợi sau Cần Đơn kéo dài 10 năm, chợ Thiện Hưng kéo dài 6 năm tưởng chừng không thực hiện được, nhưng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2017. Đặc biệt, trung tâm thương mại Bù Đốp đã được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh thương mại...

P.V: Những trăn trở của Bù Đốp hiện nay là gì, thưa đồng chí?

Bí thư Huyện ủy Hà Anh Dũng: Mặc dù năm 2017 gặt hái được nhiều thành quả trên các lĩnh vực, nhưng Bù Đốp vẫn còn nhiều nỗi lo. Nỗi lo đầu tiên là đội ngũ cán bộ còn một số trường hợp chưa năng động, chưa mạnh dạn thay đổi tư duy để theo kịp xu thế của thời đại. Tiếp theo là công trình Dự án thủy lợi sau Cần Đơn được đầu tư với kinh phí khá lớn, nhưng làm thế nào để phát huy hết công năng là nỗi lo thường trực của chúng tôi. Hiện tại hệ thống kênh mương nội đồng của thị trấn Thanh Bình và một phần của xã Thanh Hòa chưa có, chưa kết nối với công trình nên rất khó tăng vụ trên diện tích đồng ruộng.

Việc gặp mặt, đối thoại với già làng, người có uy tín và chức sắc, chức việc giúp hệ thống dân vận của huyện Bù Đốp hoạt động ngày càng hiệu quả hơn

Tỷ lệ học sinh, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số bỏ học còn cao. Năm 2017, chúng tôi đã tập trung chỉ đạo xây dựng cơ sở hạ tầng trường lớp khá lớn, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Trường dân tộc nội trú chưa có, một bộ phận phụ huynh là đồng bào dân tộc thiểu số chưa quan tâm đến việc học của con em mình. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân vẫn quen với tư duy sản xuất theo phong trào nên dẫn đến tình trạng cây trồng, vật nuôi nào có giá là đua nhau trồng, nuôi. Đến khi mất giá hay thời tiết bất lợi rất dễ rơi vào khó khăn. Năng lực, trình độ đội ngũ y, bác sĩ trên địa bàn huyện còn nhiều hạn chế nên việc chăm lo sức khỏe cho người dân vẫn còn nhiều khó khăn.

P.V: Huyện đã có giải pháp như thế nào cho những vấn đề này trong năm 2018, thưa đồng chí?

Bí thư Huyện ủy Hà Anh Dũng: Nhiệm vụ đầu tiên trong năm 2018 là chúng tôi tập trung thực hiện đề án tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tuy nhiên, việc tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc lãnh đạo phải được thực hiện thận trọng, có lộ trình để đảm bảo khách quan, tuyển chọn đúng người tài, đức để làm việc, phụng sự nhân dân và xây dựng Tổ quốc.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, rút kinh nghiệm những năm trước đây, khi hồ tiêu hay cao su có giá là người dân đổ xô trồng. Đến khi cao su hoặc hồ tiêu mất giá thì người dân rơi vào khó khăn. Thực trạng giá hồ tiêu và cao su hiện nay là một bài học đắt giá trong lĩnh vực nông nghiệp của chúng ta. Bù Đốp là huyện nông nghiệp, có lợi thế về đất đai, nguồn nước, người dân cần cù, chịu khó nên chúng tôi sẽ tập trung quy hoạch, chuyển đổi diện tích trồng lúa hoặc hồ tiêu sang những cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, bền vững hơn.

Đặc biệt, chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp để sản xuất theo hướng hữu cơ, đa dạng về cây trồng nhằm giúp nông dân có cuộc sống ổn định và nền nông nghiệp phát triển bền vững. Trong lĩnh vực y tế, chúng tôi đã kết nối với Bệnh viện Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương để hỗ trợ nâng cao tay nghề từ 5 đến 6 bác sĩ, ưu tiên bác sĩ khoa nội, khoa cấp cứu liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người.

Trong lĩnh vực giáo dục, chúng tôi đang gấp rút giải phóng mặt bằng và kiến nghị tỉnh bố trí vốn để sớm xây dựng trường dân tộc nội trú trên địa bàn huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường. Đây cũng là giải pháp khắc phục tình trạng con em đồng bào dân tộc thiểu số bỏ trường, bỏ lớp vì đường xa.

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Đông Kiểm (thực hiện)

  • Từ khóa
20203

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu