Thứ 7, 20/04/2024 06:21:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:52, 30/11/2016 GMT+7

Xóa bỏ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm

Thứ 4, 30/11/2016 | 08:52:00 131 lượt xem
BP - Phát biểu kết luận hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 6 khóa X (mở rộng) diễn ra ngày 25-11, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã chỉ đạo các cấp ủy đảng trong tỉnh kiên quyết “phải xóa bỏ tình trạng lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, “sân sau”, cơ chế “xin - cho”.

>> Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (mở rộng) lần thứ 6, khóa X
 

Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 6-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Với tinh thần tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, phải kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách...”. Tháng 8-2016, tại hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo “bộ máy hành chính nhà nước phải luôn toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp chung của đất nước, phục vụ nhân dân; kiên quyết không để lợi ích nhóm chi phối...”. Ngày 1-11, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, thảo luận về tình hình đầu tư công, nợ công và ngân sách nhà nước, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đã đề nghị Quốc hội “Triệt để chống tham nhũng, cương quyết nói không với các dự án có mùi “lợi ích nhóm””...

Thực tế cho thấy, tình trạng lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, “sân sau” không phải bây giờ mới xuất hiện. Nó ra đời từ khi loài người có giai cấp, có nhà nước và không chỉ có ở Việt Nam. Chỉ có điều ở mỗi thời kỳ, mỗi quốc gia, biểu hiện và mức độ của nó một khác.

Khi kinh tế thị trường ngày càng phát triển ở nước ta, tình trạng lợi ích nhóm, “sân sau” càng biểu hiện rõ nét. Đó là việc câu kết giữa lãnh đạo có chức, có quyền với doanh nghiệp. Đơn giản như bán thông tin quy hoạch đất đai, quy hoạch giao thông, các dự án xây dựng những công trình lớn có kinh phí đền bù cao... Nghiêm trọng hơn là tình trạng tiếp tay, móc ngoặc với doanh nghiệp được giao đất, thậm chí được giao những khu đất vàng, giao dự án cho doanh nghiệp “ruột”, doanh nghiệp “sân sau”, doanh nghiệp cùng quê... Có thể nói, sự câu kết giữa cán bộ có chức, có quyền với doanh nghiệp rất đa dạng, phức tạp, như “mê hồn trận”, mỗi cấp độ, mỗi lĩnh vực một khác, nhưng đều có một điểm chung là mưu cầu lợi ích cho bản thân.

>> Năm 2017, Bình Phước phấn đấu thu ngân sách đạt 4.566 tỷ đồng

Từ thực tế trên cho thấy, để ngăn chặn lợi ích nhóm, “sân sau”, trước mắt cần đẩy mạnh công khai hóa, minh bạch hóa các hoạt động của các bộ máy công quyền. Bởi lẽ, nếu trong hoạt động của bộ máy công quyền còn nhiều điểm tối, không rõ ràng, thì lợi ích nhóm, “sân sau” còn có cơ hội hình thành. Bên cạnh đó là kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là phải tăng cường kiểm tra chéo các hoạt động công vụ nhằm ngăn chặn và phát huy vai trò giám sát của cộng đồng và xã hội, phát hiện những dấu hiệu bất thường nhằm ngăn chặn sự hình thành lợi ích nhóm...

Tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, “sân sau” thời gian qua không những chưa được đẩy lùi, mà còn có biểu hiện ngày một nghiêm trọng hơn. Đây chính là lý do những người đứng đầu từ cấp trung ương đến địa phương, bộ, ngành phải lên tiếng chỉ đạo mạnh mẽ. Hy vọng trước mắt quyết tâm ấy sẽ làm “chùn tay” những ai có ý đồ trục lợi. Còn về lâu dài, để giải quyết được vấn đề này không chỉ cần sự quyết tâm của người lãnh đạo, mà chắc chắn phải có một chiến lược với những bước đi bài bản.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu