Thứ 5, 28/03/2024 22:16:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:17, 12/10/2017 GMT+7

Xin ở tù thay cha

Thứ 5, 12/10/2017 | 14:17:00 199 lượt xem

BP - Theo sách “đại Nam chính biên liệt truyện”, Phan Thanh Giản sinh năm 1796 và mất năm 1867. Ông có tên chữ là Tĩnh Bá, Đạm Như, hiệu Ước Phu, Lương Khê. Ông là một danh sĩ, đại thần của triều nhà Nguyễn. Phan Thanh Giản xuất thân trong một gia đình nghèo khổ. Tương truyền, tổ phụ của Phan Thanh Giản là Phan Thanh Tập, hiệu Ngẫu Cừ, sống dưới thời nhà Minh (Trung Quốc). Sau khi nhà Minh bị nhà Mãn Thanh tiêu diệt, Phan Thanh Tập di cư sang phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (Việt Nam). Đến vùng đất mới, ông Tập cưới vợ là Huỳnh Thị Học và sinh được 1 người con trai tên 1 Phan Thanh Ngạn, tục gọi là Xán.

Minh họa: S.H

Năm 1771, gia đình ông Ngạn di cư vào Nam và tạm cư ở vùng Thang Trông thuộc tỉnh Định Tường; sau đó dời về vùng đất Mân Thít, trấn Vĩnh Thanh (Vĩnh Long ngày nay), rồi lại dời về huyện Bảo An, phủ Hoằng Trị, cũng thuộc tỉnh Vĩnh Long ngày nay. Cuối cùng, ông Ngạn đến lập nghiệp tại thôn An Hòa, làng Tân Thạnh, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thạnh (xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre).

Ở đây, ông Ngạn cưới vợ là Lâm Thị Bút. Ngày 11-11-1796, bà hạ sinh được 1 người con và đặt tên là Phan Thanh Giản. Năm Phan Thanh Giản lên 7 thì mẹ qua đời, cha cưới thêm vợ nữa tên Trần Thị Dưỡng để có người chăm sóc con. Bà mẹ kế này rất thương yêu con chồng. Đến tuổi đi học, ông theo học nhà sư Nguyễn Văn Noa ở chùa làng Phú Ngãi. Năm 1815, vì sự cáo gian của kẻ có thù riêng với gia đình, cha Phan Thanh Giản lúc ấy đang làm Thủ hạp trong vùng, phải ngồi tù.

Nóng lòng vì cha bị hàm oan, ông đệ đơn lên Hiệp trấn Lương ở Vĩnh Long xin được thay cha vào tù. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo, viên quan này đã cho ông ở gần nơi cha bị giam cầm để vừa trau dồi kinh sử, vừa có cơ hội thăm cha mỗi ngày. Sau khi cha được mãn tù, nghe lời Hiệp trấn Lương, Phan Thanh Giản ở lại Vĩnh Long để tiếp tục học và chờ đợi khoa thi. Tại đây, ông gặp người đàn bà nhân hậu tên Ân. Bà này đã giúp ông tiền và cơm, áo... để tiếp tục theo đuổi việc đèn sách.

Năm 1825, ông đậu cử nhân khoa Ất Dậu. Sau đó 1 năm, ông thi đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Bính Tuất. Và ông là người đậu tiến sĩ khai khoa ở Nam bộ. Từ đấy, ông làm quan trải ba triều là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Dưới triều Minh Mạng, ông lần lượt giữ các chức vụ: Hàn lâm Viện biên tu, Lang trung bộ Hình, Tham hiệp tỉnh Quảng Bình, Hiệp trấn tỉnh Quảng Nam, Quyền nhiếp Tham hiệp tỉnh Nghệ An, Lễ bộ tả thị lang và tham gia Nội các, Hàn lâm viện kiểm thảo sung Nội các hành tẩu và Hộ bộ viên ngoại lang, Đại lý tự khanh sung Cơ mật viện đại thần, Kinh lược trấn Tây, Tuần phủ Quảng Nam, Thống chánh sứ và Phó sứ rồi Hộ bộ thị lang. Dưới triều Minh Mạng, ông đã 3 lần bị giáng chức, trong đó có lần ông phải làm “Lục phẩm thuộc viên”, (tức giữ việc quét dọn, sắp đặt bàn ghế ở chốn công đường).

Dưới triều Thiệu Trị, ông làm Phó chủ khảo trường thi Thừa Thiên, Phó đô ngự sử Đô sát viện. Dưới triều vua Tự Đức, ông phụ trách giảng dạy và điều khiển trường Kinh Diên, Thượng thư bộ Lại, sung Cơ mật viện đại thần. Năm 1850, ông được cử vào trấn nhậm miền Tây Nam kỳ cùng với tướng Nguyễn Tri Phương. Sau đó, được phong làm Kinh lược sứ Nam kỳ. Ông còn được vua Tự Đức giao làm Tổng tài Quốc sử quán trông coi việc biên soạn bộ sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”. Sách soạn trong 3 năm thì xong và dâng lên vua Tự Đức coi lại các lần vào năm 1871, 1872, 1876, 1878 và có lời phê bên trên.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại đã nêu, Phan Thanh Giản xuất thân trong một gia đình nghèo khổ lại có lòng hiếu thảo khó ai bì. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng ông đã quyết minh oan cho cha bằng cách đệ đơn vào tù thay cha. Và không chỉ hiếu kính với cha mẹ, ông còn hiếu học và từ một cậu bé lam lũ ông đã trở thành quan đại thần của triều Nguyễn với học vị Tam giáp đồng tiến sĩ. Đương thời, Phan Thanh Giản được nhiều người kính trọng không phải vì ông là một vị quan to, mà vì ông là một nho sĩ mẫu mực về tính cương trực, khẳng khái, hiếu nghĩa và thanh liêm.

Có thể khẳng định rằng, Phan Thanh Giản là một con người hiếm có trong thời kỳ phong kiến suy tàn ở Việt Nam. Và có lẽ bởi sinh ra không gặp thời nên cho đến ngày nay tuy là người nổi tiếng về đạo đức, có nhiều đóng góp trong lịch sử dân tộc nhưng khi đánh giá về ông, hậu thế vẫn còn không ít ý kiến trái chiều. Vẫn biết rằng, việc ký hòa ước về 3 tỉnh miền Đông cũng như để thất thủ 3 tỉnh miền Tây là sai lầm, nhưng hậu thế cũng cần phải thấy rõ trách nhiệm chính về sai lầm đó là thuộc triều đình nhà Nguyễn và người đứng đầu là vua Tự Đức, còn Phan Thanh Giản chỉ là người thừa hành và liên đới chịu trách nhiệm. Song, sự quyên sinh của ông trong điều kiện và hoàn cảnh đó là đáng ca ngợi, bởi nó biểu lộ rõ phẩm chất của một người suốt đời tận tụy với dân với nước, nhận trách nhiệm trước sai lầm của mình, không tham danh hám lợi, không tham sống sợ chết. Chỉ riêng điều này, vào thời ấy có ai dám làm và làm được như Phan Thanh Giản?

N.D

  • Từ khóa
109970

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu