Thứ 6, 29/03/2024 21:30:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:19, 30/11/2018 GMT+7

Xin đừng hô khẩu hiệu!

Thứ 6, 30/11/2018 | 10:19:00 177 lượt xem

BP - “Cứ nghe đến câu khẩu hiệu: “Nói không với bệnh thành tích” của ngành mà nổi da gà”... - một cô giáo đã tâm sự với tôi như thế. Bởi khẩu hiệu một đằng mà chỉ tiêu thì cứ hằng ngày giáng xuống gây áp lực cho thầy cô. Đã nói không với bệnh thành tích mà khống chế chỉ tiêu khá, giỏi, yếu, kém; số học sinh được lên lớp thẳng, phải ôn hè... Năm học trước, ở một trường tiểu học trên địa bàn thị xã Đồng Xoài, trong một lớp chỉ có 1 học sinh không có giấy khen (!?). Điều đó cũng cho thấy giữa “nói” và “làm” đang rất vênh nhau.

Căn bệnh thành tích biểu hiện rõ nhất từ khi có Thông tư số 36/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT. Theo đó, để đạt mức độ 1 và 2, trẻ em phải hoàn thành chương trình tiểu học ở độ tuổi 11. Như vậy, đương nhiên học sinh chỉ được phép lưu ban 1 lần trong cả quá trình học bậc tiểu học. Đây trở thành “quyền” đối với các em học lực yếu, kém. Sau đó, dù tiếp tục học yếu, học sinh này cũng không còn cơ hội ở lại lớp. Trước sức ép của nhà trường vì sợ mất chuẩn, giáo viên cứ phải đẩy trò lên mỗi năm một lớp để khi lên lớp 5 là vừa đủ tối đa 11 tuổi như quy định. Nhiều giáo viên đã bức xúc trình bày với ban giám hiệu: “Có kỷ luật thì tôi chịu, còn em này học quá yếu không thể lên lớp được”. Thậm chí, có trường đã phải biến học sinh bình thường thành học sinh khuyết tật để... được lưu ban. Năm nào ban giám hiệu cũng phải “đau đầu” tính toán xem trường mình được phép lưu ban bao nhiêu học sinh... mà không cần biết em nào phải học lại vì quá yếu.

Thông tư số 36 không chỉ quy định chỉ tiêu cho từng lớp, từng trường mà ở cả từng cấp xã, huyện, tỉnh với việc chịu trách nhiệm lẫn nhau. Vì thế, nhiều hiệu trưởng nói thẳng: “Chỉ trường mình chịu trách nhiệm hoặc không xét thi đua còn được, nay vì mình mà xã, huyện, tỉnh bị vạ lây thì không ai dám”. Và việc làm dối, tạo nên những con số đẹp nhằm hợp thức hóa các chỉ tiêu đang là nguyên nhân chính khiến học sinh ngồi nhầm lớp. Vì thành tích chung, giáo viên không dám đánh giá thật năng lực học sinh, trường không dám để các em lưu ban...

Thông tư số 36 ra đời quy định bỏ chấm điểm thay vào đó là nhận xét, đánh giá học sinh tiểu học tiếp tục đưa căn bệnh thành tích lên tầm cao mới. Học sinh tiểu học “ồ ạt” hoàn thành chương trình, “bội thực” hoàn thành tốt và xuất sắc, trong đó có cả những em đọc chưa thông - viết chưa thạo. Những bản báo cáo thành tích tiếp tục “lung linh” với những con số chất lượng cao về học lực, hạnh kiểm, trong khi thực tế còn nhiều học sinh “thiếu hụt” văn hóa. “Tiên học lễ, hậu học văn” dường như đã không còn được đặt ở vị trí xứng đáng vốn có.

Hành động của cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2, Trường THCS Duy Ninh ở tỉnh Quảng Bình dùng hình phạt cho học sinh và bản thân cô tát vào mặt 1 học sinh 231 cái đã gây bức xúc, sự căm phẫn trong xã hội. Sự việc cho thấy, đây là hệ quả tồi tệ của bệnh thành tích theo cách cực đoan. Chính cô Thủy đã nói với báo chí: “Tôi biết việc làm của mình là sai, cũng do tôi nóng giận và một phần vì áp lực thi đua”...

Quả thật, với giáo viên, áp lực thi đua ở từng lớp, từng trường bây giờ thật nặng nề và kinh khủng! Nhưng mong rằng, từ sự việc nêu trên là bài học kinh nghiệm để thầy cô đừng bị cuốn vào vòng xoáy thi đua để rồi phải ân hận, xót xa trong những năm tháng về sau.

An Nhiên

  • Từ khóa
109003

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu