Thứ 6, 29/03/2024 16:52:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:25, 12/07/2016 GMT+7

Xin đừng “bức tử” sông Sài Gòn!

Thứ 3, 12/07/2016 | 08:25:00 209 lượt xem

>> Cá chết nổi trắng sông Sài Gòn
>> Cá chết trắng sông Sài Gòn: Nguyên nhân do đâu?
 

BP - Mấy ngày qua, không chỉ hàng trăm hộ dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên sông Sài Gòn, đoạn chảy qua tỉnh Bình Phước phải than trời vì cá chết hàng loạt nổi trắng mặt sông mà hàng chục ngàn hộ dân đang sử dụng nguồn nước sông Sài Gòn cũng vô cùng lo lắng. Nguyên nhân của tình trạng cá chết hàng loạt dù chưa được cơ quan chức năng tìm ra nhưng hầu hết các ý kiến đều nghiêng về giả thiết dòng sông bị xả thải, dẫn đến ô nhiễm nặng nề.

Sông Sài Gòn bắt đầu từ biên giới Lộc Ninh chảy qua thị xã Bình Long, huyện Hớn Quản rồi xuôi xuống các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh. Đoạn sông này nằm trên địa bàn tỉnh Bình Phước dài trên dưới 60 cây số. Với lưu lượng trung bình khoảng 54m3/s, sông Sài Gòn cung cấp một lượng nước lớn cho các tỉnh hạ du. Nguồn lợi thủy sản vô cùng phong phú của dòng sông đã thu hút ngư dân từ các tỉnh miền Tây, Campuchia về đây mưu sinh.

Được biết huyện Hớn Quản hiện có khoảng 100 hộ sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên địa bàn các xã Minh Tâm, Minh Đức, Tân Hiệp. Mùa nước cạn, họ mưu sinh bằng nghề giã cào đánh bắt hến. Thế nhưng gần đây, tình trạng hến chết rất nhiều. Những người sống bằng nghề cào hến mùa nước cạn cho biết trước đây tỷ lệ hến chết chỉ khoảng 10% nhưng mùa khô năm 2016, tỷ lệ hến chết lên tới 50%. Dù chưa có cơ quan nào đứng ra tìm hiểu nguyên nhân hến chết nhưng những người dân sống ven sông một mực khẳng định là do xả thải của các hộ chăn nuôi heo, mà gây ô nhiễm nặng nề nhất là do trang trại nuôi heo của Công ty TNHH nông sản Việt Phước gây ra. Công ty Việt Phước quy mô lớn, có lúc nuôi tới 27 ngàn con heo nằm trên địa bàn ấp 2, xã Minh Tâm. Những hộ dân sống gần Công ty Việt Phước cho biết, công ty có lò đốt để xử lý heo bệnh, heo chết nhưng thực tế thiêu chỉ một phần nhỏ, vứt xuống sông thì nhiều. Vào những ngày nước sông dâng cao, xác heo nhanh chóng bị cuốn đi nhưng gặp ngày nước cạn xác ứ lại bốc mùi hôi thối.

Mùa nước cạn, thỉnh thoảng nước chuyển màu đen hoặc nổi váng xanh lè, mùi rất khó chịu. Thời điểm cuối tháng 12-2015, mặt sông Sài Gòn ở khu vực thượng nguồn, đoạn từ chân cầu Sài Gòn thuộc xã Minh Tâm lên đến bến đò Cây Khế của huyện Tân Châu (Tây Ninh) ngập váng xanh như bị đổ phẩm màu khiến ai đi qua cũng có cảm giác ngộp thở. Người dân cho rằng, đó là nước thải của các trại nuôi heo ở khu vực thượng nguồn và là nguyên nhân dẫn đến cá, tôm ngày một khan hiếm và hến chết nhiều. Chất thải chăn nuôi, chất thải công nghiệp, xác động vật ngập mặt sông... rõ ràng có mối liên hệ trực tiếp đến tình trạng hến chết, cá chết, ai cũng nhìn thấy. Người dân đã kiến nghị với chính quyền nhiều lần nhưng chưa có cơ quan nào đứng ra tìm hiểu.

Thượng nguồn sông Sài Gòn đổ vào lòng hồ Dầu Tiếng. Công trình thủy lợi nhân tạo lớn vào bậc nhất Đông Nam Á này không chỉ phục vụ tưới tiêu cho hàng chục ngàn hécta đất nông nghiệp của Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh mà còn cung cấp nước cho các nhà máy lọc nước ở Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh, cung cấp nguồn thủy sản nuôi sống hàng ngàn ngư dân Bình Phước và các tỉnh khác. Vì vậy, khu vực thượng nguồn bị ô nhiễm nghiêm trọng đồng nghĩa liên quan tới vấn đề an sinh của người dân trong tỉnh và nguy cơ hủy hoại môi trường nước tự nhiên của toàn khu vực, nếu cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý triệt để.

 Thảo Nguyên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu