Thứ 7, 20/04/2024 04:29:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:56, 05/06/2018 GMT+7

Xét nghiệm HIV sớm - hướng tới loại trừ lây truyền từ mẹ sang con

Thứ 3, 05/06/2018 | 08:56:00 221 lượt xem
BP - “Xét nghiệm HIV cho mẹ, sức khỏe cho con!”, “Điều trị ARV sớm giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV cho người khác”... đó là những khẩu hiệu tuyên truyền trong Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2018 (từ ngày 1-6 đến 30-6). Tháng cao điểm có nhiều hoạt động thiết thực, với chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm - hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2020”.

Giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ

Theo đó, Kế hoạch số 1034/KH-SYT ngày 28-5-2018 của Sở Y tế đưa ra các hoạt động chủ yếu trong tháng cao điểm này. Cụ thể, các huyện, thị, đơn vị tùy điều kiện thực tế để tổ chức hội nghị, hội thảo về các chủ đề: Xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại cộng đồng; trả kết quả khẳng định nhiễm HIV sớm cho phụ nữ mang thai có test nhanh dương tính; điều trị bằng ARV sớm cho trẻ khi khẳng định nhiễm HIV; huy động và đảm bảo tài chính cho công tác dự phòng, đặc biệt là test nhanh phát hiện HIV đối với phụ nữ mang thai; phổ biến, cập nhật kiến thức mới về dự phòng; chống kỳ thị phân biệt đối xử... Bên cạnh đó, tổ chức gặp mặt, sinh hoạt với những người nhiễm HIV; truyền thông lợi ích của tư vấn xét nghiệm HIV sớm cho phụ nữ mang thai, lợi ích điều trị dự phòng sớm; lợi ích bảo hiểm y tế với phụ nữ nhiễm HIV. Tổ chức hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hiệu quả dự phòng.

Ngoài ra, chú trọng tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động trong tháng cao điểm. Cụ thể, các đơn vị y tế của tỉnh và các trung tâm y tế huyện/thị xã tổ chức lễ phát động, mít tinh và diễu hành, truyền thông lưu động hoặc các sự kiện gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, có thể triển khai thực hiện các hoạt động khác về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, như: Giới thiệu, quảng bá về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV; dự phòng, chăm sóc, điều trị dự phòng và giới thiệu các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng sẵn có tại địa bàn, đơn vị, gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ để họ dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Tổ chức mở rộng việc cung cấp các dịch vụ dự phòng như tư vấn xét nghiệm HIV lưu động; xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng. Vận động tổ chức, cá nhân và gia đình tích cực tham gia hoạt động dự phòng trong nhóm phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Rà soát, chấn chỉnh, giám sát hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ, đảm bảo tính sẵn có, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng. Vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động dự phòng trong đồng bào vùng dân tộc và vùng giáp biên...

Làm tốt công tác dự phòng

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đầu mối chỉ đạo triển khai thực hiện Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bố trí nhân lực thực hiện tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV cho phụ nữ mang thai và các biện pháp can thiệp đang triển khai. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc thực hiện kế hoạch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con...; làm đầu mối cung cấp sinh phẩm, thuốc ARV... và chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn kỹ thuật.

Mục đích của tháng cao điểm nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện mục tiêu “Giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020” đề ra trong chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng. Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc kháng vi rút (ARV) cho phụ nữ nhiễm HIV, đẩy mạnh các can thiệp và chất lượng dịch vụ dự phòng.

Đối với Bệnh viện đa khoa tỉnh: Bố trí nhân lực thực hiện các công việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong việc cung cấp dịch vụ. Chịu trách nhiệm cung cấp các dịch vụ dự phòng gồm: Tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai đến khám thai và sinh con, cấp thuốc ARV, tư vấn cách nuôi dưỡng trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Thực hiện tốt chuyển tuyến, chuyển tiếp đối với bệnh nhân HIV/AIDS và trẻ phơi nhiễm HIV theo quy định. Chịu trách nhiệm điều trị dự phòng, chăm sóc sức khỏe và theo dõi tình trạng nhiễm HIV của trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.

Bên cạnh đó, trung tâm y tế các huyện, thị bố trí nhân lực thực hiện công việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, gồm: Tăng cường tư vấn phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV tự nguyện, tuyên truyền về lợi ích của dịch vụ dự phòng, tư vấn nuôi dưỡng trẻ, chăm sóc cũng như điều trị cho trẻ bị phơi nhiễm HIV, thực hiện tốt chuyển tuyến và chuyển tiếp. Điều trị các trường hợp mẹ mang thai HIV dương tính, trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV theo quy định của chương trình. Tuyên truyền sâu rộng và quảng bá lợi ích của dự phòng. Có các hoạt động cụ thể trong tháng: Tổ chức tọa đàm, nói chuyện, tư vấn, thăm gia đình, thảo luận nhóm, các đợt truyền thông, tư vấn tại xã, phường, thôn bản...

Cơ sở y tế tuyến xã, phường, thị trấn thực hiện phổ biến rộng rãi các khẩu hiệu, áp phích, tờ rơi, có nội dung tuyên truyền dự phòng. Quảng bá, giới thiệu địa chỉ các cơ sở cung cấp dịch vụ can thiệp dự phòng. Kết hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền rộng rãi cho các đối tượng tập trung chủ yếu là phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai hiểu rõ về dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để họ tham gia xét nghiệm tự nguyện. Thực hiện giới thiệu chuyển lên tuyến trên để điều trị ARV cho các trường hợp bà mẹ mang thai có HIV dương tính và trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV được tiếp tục theo dõi điều trị.

Thúy Ngọc

  • Từ khóa
60664

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu