Thứ 6, 19/04/2024 08:03:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:14, 10/02/2016 GMT+7

Sân bay Téc-Ních và trận “chiến lệ”

Thứ 4, 10/02/2016 | 07:14:00 9,084 lượt xem

BP - Sinh ra và ln lên ti huyn Bình Long cũ (nay là th xã Bình Long và huyn Hn Qun), tui thơ tôi đã nghe nhc và tng đặt chân đến sân bay Téc-ních. Sân bay khi tôi thy so vi li k ch còn sót li mt đường băng thng tp, xung quanh là rng rm. Nhng người sinh sng nhiu năm Bình Long ai cũng biết có sân bay tên gi Téc-ních nhưng rt hiếm người biết t m v di tích này. S tò mò v mt di tích mà ch trong mt trn đánh có rt nhiu chiến sĩ được phong Dũng sĩ dit M đã thôi thúc tôi tìm hiu rõ hơn v quá kh hào hùng ca quê hương Bình Long. Tôi đã may mn gp được các bác: Trương Văn Th, Điu Him, Vũ Văn Su, Đặng Th Quế, Đào Văn Chính... là nhng người sinh ra và ln lên ti xã Qun Li (có sân bay Téc-ních), có người làm công tra, có người trc tiếp chiến đấu ti sân bay này, để nghe h k v mt thi đánh M.

TỪ SÂN BAY DÂN SỰ ĐẾN QUÂN SỰ

Địa danh Hớn Quản xuất hiện khoảng nửa cuối thế kỷ XIX. Từ năm 1808, triều Nguyễn bắt đầu cho thiết lập cơ cấu hành chính và hệ thống đồn ải để quản lý, kiểm soát cư dân và lãnh thổ vùng đất đỏ miền Đông. Lúc bấy giờ, vùng đất Hớn Quản thuộc huyện Phước Long, trấn Biên Hòa (sau đổi thành tỉnh Biên Hòa). Tháng 12-1861, sau khi đánh chiếm tỉnh Biên Hòa, Pháp tiếp tục đưa quân mở rộng vùng chiếm đóng. Đến năm 1868, thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị trên toàn Nam kỳ.

Ông Trương Văn Thọ và ông Điểu HimÔng Trương Văn Thọ và ông Điểu Him

Đầu thế kỷ XX, chính quyền thực dân lập đại lý hành chính Hớn Quản (năm 1903) và Đồn binh Bù Đốp (năm 1905) để siết chặt hơn nữa ách kìm kẹp. Năm 1912, chúng tách một phần tỉnh Biên Hòa và một phần tỉnh Gia Định để thành lập tỉnh Thủ Dầu Một và quận Hớn Quản thuộc tỉnh Thủ Dầu Một. Với sự gia tăng của công nhân cao su, khu vực dân cư của quận Hớn Quản được mở rộng hơn trước. Cũng trong khoảng thời gian này, nhằm tạo điều kiện cho giới chủ đồn điền, nhà nước thực dân giao quyền cho giới chủ tư bản Pháp ở các đồn điền nắm giữ bộ máy hành chính địa phương. Từ đó, bộ máy hành chính quận Hớn Quản nằm trong tay các chủ tư bản của Công ty cao su Đất đỏ (thành lập năm 1908, đặt trung tâm tại Quản Lợi).

Tech Nique (Téc-ních) là tiếng Pháp, có nghĩa là kỹ thuật. Sở dĩ người Pháp đặt tên này vì ở đây có viện nghiên cứu cây cao su. Sân bay Téc-ních được xây dựng sau khi Công ty cao su Đất đỏ thành lập với tên gọi “Khu vực văn phòng trung tâm đồn điền cao su Đất đỏ Quản Lợi”. Khu vực gồm văn phòng hành chính và văn phòng kỹ thuật. Là sân bay dân sự có mục đích chuyển tiền lương của công nhân từ tổng cục cao su tại Sài Gòn lên văn phòng trung tâm vào hai ngày 5 và 19 hằng tháng; đưa rước chủ đồn điền cao su từ sân bay Tân Sơn Nhất lên Téc-ních và ngược lại. Sân bay Téc-ních nằm ở phía đông bắc thị xã Bình Long ngày nay, trên một quả đồi rộng, với độ cao trên 100m và được ví như hình một con rùa.

Sân bay lúc bấy giờ chỉ là vùng đất đỏ được lu nèn kỹ lưỡng và trồng loài cỏ may có thể sống được trên đất chai. Khi người Pháp qua trồng cao su, họ đưa những kỹ sư, kỹ thuật viên qua. Trong số này có những người độc thân, có người đã lập gia đình. Mùa hè bên Pháp là thời điểm sân bay Téc-ních nhộn nhịp vì đón thân nhân qua thăm. Vì là sân bay tư nhân nên bao bọc xung quanh gồm những ngôi nhà dạng biệt thự và được bố trí 2 hồ bơi khá rộng để giải trí. Một điểm đặc biệt nữa là người Pháp kết hợp làm sân bay với sân gôn.

Năm 1964, nhận thấy rõ tầm chiến lược và quan trọng của sân bay (căn cứ) Téc-ních, dưới áp lực của chính quyền Sài Gòn, sân bay được Mỹ thuê lại nhằm xây dựng thành một căn cứ chỉ huy cấp lữ đoàn. Lúc bấy giờ, các loại máy bay chiến đấu đều hạ cánh được xuống phi trường đất nhưng đến khi Mỹ dùng loại C130 thì xảy ra hiện tượng lún. Từ đó Mỹ làm lại đường băng bằng bê-tông dài 2,8km, bên trên lót những tấm gi thép đặc và có lỗ để dễ thoát nước. Thời điểm này, tại đây có 6 sở chỉ huy, trận địa pháo, trạm ra đa, thiết giáp, ụ để máy bay lên thẳng, kho tàng...

TRẬN “CHIẾN LỆ”

Năm 1961, Mỹ chỉ đưa cố vấn vào miền Nam nhưng sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm không còn “nghe lời” quan thầy thì đến năm 1965, Mỹ chính thức đưa quân vào thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ. Sau khi thuê sân bay, mưu đồ của Mỹ là biến Téc-ních thành sân bay chiến lược ở Đông Dương, tập kết vũ khí, binh lính phục vụ cho chiến trường ở 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Vì vậy, Mỹ mở rộng sân bay với quy mô 3 vòng phòng thủ. Vòng thứ nhất là nhà ở của chuyên viên kỹ thuật và viện nghiên cứu cao su của người Pháp; vòng thứ hai là nhà ở và nơi làm việc của nhân viên kỹ thuật sân bay; trong cùng là nơi tập kết trang thiết bị, vũ khí. Mỗi vòng cách nhau 100m được thiết lập 3 lớp hàng rào kiên cố có gắn mìn đè phát nổ và mìn sáng. Các loại máy bay hiện đại nhất đều có mặt tại đây gồm: F105, L19, HU1A, C130...

Sau tết Mậu Thân năm 1968, quân ta chủ yếu củng cố lực lượng và thực hiện chiến lược đánh tiêu hao sinh lực địch, điển hình như trận địa pháo Chơn Thành và đột kích sân bay Téc-ních. Ông Điểu Him (Dũng sĩ diệt Mỹ, nguyên Huyện ủy viên, Bí thư xã An Khương, huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé từ năm 1979-1993; hiện sống tại xã An Khương, huyện Hớn Quản), lúc bấy giờ là người dẫn đường cho bộ đội đặc công đánh vào sân bay Téc-ních kể: Khoảng giữa năm 1969, tôi được lệnh dẫn bộ đội đặc công đi thực địa sân bay. Sau thực địa khoảng một tháng thì tôi lại được lệnh dẫn các anh đi chiến đấu. Tôi cùng những người lính đặc công được hóa trang bằng than, trên người chỉ mặc chiếc quần đùi nên đêm xuống rất lạnh. Tiểu đoàn đặc công chia làm 3 mũi tiến công, 2 mũi hướng đông và 1 mũi hướng tây. Mũi do tôi dẫn đường hướng đông xuất phát từ suối Cát (sóc Ruộng) đi 4km đến làng Sở Xiêm. Lúc này đã 5 giờ chiều, bộ đội được dẫn đi cặp bìa rừng đến 8 giờ tối gặp một con suối. Vượt qua suối, bộ đội bò khoảng 500m đến vòng hàng rào thứ nhất. Tôi dẫn đến đây thì ngồi đợi để bộ đội đặc công vào trong. Đến giờ G, 3 mũi tấn công đồng loạt xuất kích nhắm thẳng vào sở chỉ huy, khu vực máy bay, trận địa pháo. Địch không kịp trở tay, ta diệt hơn 900 tên, số máy bay, xe quân sự, trận địa pháo, trận địa súng bị phá hủy nhiều, sân bay bị hư hại nặng. Đến 3 giờ sáng, anh em toàn thắng trở ra. Căn cứ Téc-ních bị tê liệt trong 3 ngày liền.

Ông Trương Văn Thọ (bí danh Bảy Thọ, trung tá, nguyên Phó chính ủy, Chủ nhiệm Trung đoàn 201, Sư đoàn 3B, Quân khu 7; hiện đang sống tại tổ 3, khu phố Phú Nghĩa, phường Phú Đức, thị xã Bình Long) cho biết: Trận đánh vào sân bay Téc-ních năm 1969 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đã bẻ gãy mưu đồ thiết lập sân bay quân sự lớn nhất Đông Dương của Mỹ. Trận đánh này, bộ đội tỉnh kết hợp với đặc công Miền có sự trợ giúp của lực lượng địa phương đã tấn công vào nơi đóng quân của Sư đoàn không vận số 1 (Kỵ binh bay) và Sư đoàn bộ binh số 1 (Anh cả đỏ) của Mỹ. Đối với quân ta, đây là trận đánh đầu tiên lớn nhất miền Nam do một tiểu đoàn đặc công của Bộ Tư lệnh Miền thực hiện. Chiến thắng này được đưa ra “chiến lệ” toàn quân học tập kinh nghiệm, bởi lực lượng ta ít mà tiêu hao sinh lực địch nhiều. Sau thất bại, sân bay Téc-ních co cụm lại chỉ còn phục vụ chiến trường miền Nam.

Đến tháng 4-1972, bộ đội Miền phối hợp với lực lượng của địa phương tấn công căn cứ Téc-ních, tiêu diệt phần lớn Tiểu đoàn 1 thuộc Chiến đoàn 7, Sư đoàn 5 quân ngụy đang đóng tại đây, phá hủy trung tâm thông tin và nhiều phương tiện chiến tranh. Ta chiếm lĩnh hoàn toàn căn cứ.

ĐIỀU ĐỌNG LẠI

Sở dĩ người viết cất công tìm lại những dữ liệu liên quan đến di tích này vì biết sự hoành tráng của một căn cứ quân sự địch dựng lên, song bị ta phá vỡ. Ở đây đã từng diễn ra những trận đánh minh chứng cho sự tài ba trong nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều của bộ đội Cụ Hồ. Nhưng hiện nay không mấy ai biết ở đây từng tồn tại một sân bay.

Không chỉ chúng tôi mà những nhân chứng từng tham gia chiến đấu tại cứ điểm Téc-ních cũng thấy tiếc khi chúng ta không kịp thời bảo tồn di tích này. Ông Bảy Thọ là một trong những người vào tiếp quản sân bay, qua lời kể cũng bày tỏ sự tiếc nuối. Song ông cho biết lúc bấy giờ còn nhiều việc quan trọng hơn là bảo vệ một di tích. Anh Lê Viết Truyền, sinh năm 1974, một người dân sinh sống tại Quản Lợi chia sẻ về tuổi thơ gắn bó với di tích này. Năm 10 tuổi anh cùng đám bạn trong xã hằng ngày vào sân bay chơi, một số kiếm ve chai về bán. Lúc đó Téc-ních vẫn còn hàng rào kẽm gai, xe tăng, hầm đạn. Sau đó, sân bay chẳng còn gì.

Bà Đặng Thị Quế (68 tuổi) sinh ra và lớn lên tại xã Quản Lợi kể: Sau giải phóng, cuộc sống người dân rất khó khăn. Hằng ngày đều nghe tiếng đạn, mìn nổ trên khu vực sân bay vì người dân vào đó kiếm ve chai. Qua nhiều năm, bây giờ sân bay chỉ còn sót lại những đoạn đường băng bê tông.

 Hiện căn cứ Téc-ních còn sót lại vài đoạn đường băng, mong cơ quan quản lý giữ gìn để di tích sân bay Téc-ních tồn tại cùng chiến công một thời của ông cha ta.

Hồng Cúc

  • Từ khóa
14982

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu