Thứ 7, 20/04/2024 04:33:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 16:00, 03/04/2012 GMT+7

Phát triển ca cao - nhiều lợi thế

Thứ 3, 03/04/2012 | 16:00:00 317 lượt xem

Hiện cả nước có gần 21.000 ha cây ca cao, so với năm 2010 diện tích ca cao trồng mới tăng 4.404 ha. Có 15 tỉnh trồng ca cao, chủ yếu là vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Tây nguyên và một số tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung bộ. Hiện nay, nhu cầu sử dụng hạt ca cao trên thế giới vẫn tăng, cung không đủ cầu. Đây là cơ hội để Bình Phước phát triển cây ca cao thành một loại cây có thể làm giàu cho người trồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia thì cây ca cao không đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhưng lại nhanh cho thu hoạch, năng suất ổn định, có thể cạnh tranh được với cà phê và một số cây trồng khác. Hiện nay, ca cao được chế biến rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm, nhiều nhất là bánh kẹo và đồ uống. Ca cao được nhiều nước trên thế giới xem là cây trồng chủ lực. Các vùng phát triển ca cao truyền thống là: Tây Phi, Gana, Bờ Biển Ngà, Brazil... Còn tại các nước Đông Nam Á như: Indonesia, Malaysia, Philippines, cây ca cao cũng đang phát triển mạnh.

Mở rộng diện tích xen ca cao trong vườn điều - hướng đi của nông dân xã Đồng Nai (Bù Đăng)

Với giá ca cao ngày càng tăng, hiện dao động từ 41-43 ngàn đồng/kg hạt khô, có thời điểm lên tới 58 ngàn đồng/kg, cho thấy thị trường ca cao đang ở giai đoạn “sốt” hàng. Bình Phước hiện có trên 150 ngàn ha điều, hàng ngàn ha cây ăn trái, là cơ hội để mở rộng diện tích xen canh ca cao. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.300 ha ca cao, diện tích cho thu hoạch 500 ha, năng suất bình quân 1,8 tấn/ha. Nhiều diện tích đạt năng suất từ 2,5-3 tấn/ha.

Việc tiêu thụ sản phẩm ca cao có nhiều thuận lợi. Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp tổ chức thu mua ca cao như Công ty TNHH Cargill Việt Nam, Công ty cổ phần Ca cao Bình Phước... với hệ thống đại lý, điểm thu mua nhỏ lẻ ở các huyện, thị xã. Ngoài thu mua, các công ty này còn chuyển giao kỹ thuật canh tác, sơ chế hạt ca cao, tham gia đầu tư giống, phân bón, vốn cho nông dân.

Theo đề án phát triển ca cao của tỉnh giai đoạn 2010-2015, Bù Đăng sẽ phát triển mạnh nhất với 7.000 ha, Bù Đốp 5.000 ha, còn lại các địa phương khác từ 1.000-3.000 ha. Những giải pháp thực hiện chủ yếu: Xây dựng các vùng ca cao tập trung năng suất cao theo hướng hữu cơ bền vững; Đầu tư dự án sản xuất giống chất lượng cao và hỗ trợ giống ca cao mới; Tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận vốn vay; Khuyến khích các công ty phát triển vùng nguyên liệu riêng; Đẩy mạnh khuyến nông, hỗ trợ mô hình trình diễn; Xây dựng các mô hình lên men, sơ chế ca cao; Đầu tư thủy lợi, hạ tầng giao thông, điện cho vùng nguyên liệu tập trung...

Trồng xen cây ca cao dưới tán điều mang lại hiệu quả kinh tế cao, tác động tới chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tích cực trong việc giữ vững diện tích vườn điều. UBND tỉnh đã có Quyết định số 500/QĐ-UBND, ngày 5-3-2010 về việc phê duyệt Đề án phát triển ca cao tỉnh Bình Phước giai đoạn 2010-2015. Theo đề án, đến năm 2015 diện tích cây ca cao toàn tỉnh đạt khoảng 30 ngàn ha, sản lượng ca cao trái tươi 450-500 ngàn tấn/năm, ca cao hạt thương phẩm 40-45 ngàn tấn/năm. Tổng vốn đầu tư của đề án dự kiến khoảng 755 tỷ đồng, bao gồm: Trại ươm giống ca cao sản lượng 6 triệu cây/năm với diện tích 5 ha, xây dựng nhà máy phân bón hữu cơ vi sinh ca cao 50 ngàn tấn/năm, vùng nguyên liệu ca cao 25-30 ngàn ha, xây dựng nhà máy chế biến ca cao 40-50 ngàn tấn/năm.

Từ năm 2005, việc trồng khảo nghiệm cây ca cao dưới tán điều tại Bình Phước thuộc dự án Success Alliance - Việt Nam, đã được nông dân huyện Bù Đăng trồng thử nghiệm. Theo dự án này, mỗi hộ được cấp 200 cây ca cao giống, được hướng dẫn phương pháp trồng, kỹ thuật chăm sóc. Năm đầu cây phát triển tốt, nhiều hộ đã mở rộng diện tích và sau 3 năm cây cho thu hoạch trên 1 tấn/ha.

Từ hiệu quả của dự án, Bình Phước đã thuận chủ trương cho Tổ chức Roots of Peace (ROP) - Mỹ triển khai dự án đầu tư 7,6 tỷ đồng trồng cây ca cao trên địa bàn ba huyện Bù Đăng, Đồng Phú, Bù Gia Mập trong thời gian hai năm (2010-2012). Trong đó chú trọng đến diện tích ca cao trồng xen dưới tán điều, nhằm tăng tổng giá trị nguồn thu và khuyến khích nông dân giữ vững vườn điều. Trong năm 2011, đã có 1.000 hộ nông dân thực hiện dự án, dự tính trong năm 2012 sẽ có thêm 300 hộ tham gia dự án.

Tại Bù Đăng, cây ca cao phát triển mạnh cả về quy mô và năng suất. Trước đây ca cao trồng chủ yếu ở xã Minh Hưng thì nay các xã Bình Minh, Đức Liễu, Đồng Nai... nông dân đã tìm đến và gắn bó với loại cây này. Anh Điểu Hiền ở xã Đồng Nai cho biết: “Tham quan thực tế vườn ca cao ở nhiều nơi thấy cho lợi nhuận cao nên từ năm 2009 gia đình tôi trồng xen 1 ha dưới tán điều. Vụ thu hoạch đầu, năng suất ca cao đạt trên 1 tấn/ha. Năng suất cây điều cũng tăng rõ rệt, từ 600 kg/ha trước đây, nay tăng lên gần 2 tấn/ha”. Hiện nhiều hộ dân phát triển ca cao đến 3.000-4.000 cây xen trong vườn điều, năng suất ca cao cũng tăng liên tục, đạt mức từ 1,5-2 tấn/ha. Với giá bán ca cao trên 40 ngàn đồng/kg hạt khô và gần 20 ngàn đồng/kg hạt điều như hiện nay thì nông dân sẽ có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha đất trồng xen.

Ông Trần Minh Đức, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, khuyến cáo: Việc phát triển cây ca cao có nhiều thuận lợi nhưng tránh tình trạng trồng tràn lan, không đảm bảo điều kiện, yêu cầu phát triển của cây. Loại cây này phải được trồng dưới tán che (xen điều, cây ăn trái...), chủ động nguồn nước tưới, giống phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn, đất không quá dốc, không nằm trong vùng ngập úng và người trồng phải nắm được quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa, trị sâu bệnh gây hại. Nếu đảm bảo được các yếu tố trên thì không riêng Bù Đăng mà các huyện Chơn Thành, Lộc Ninh, Bù Đốp... vẫn có thể phát triển bền vững cây ca cao.

Hải Châu

  • Từ khóa
36149

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu