Thứ 7, 20/04/2024 03:16:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:30, 30/01/2018 GMT+7

Xây nhà từ nóc

Thứ 3, 30/01/2018 | 09:30:00 133 lượt xem

BP - Bộ GD-ĐT ngày 24-1 đã công bố 14 đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Đây được xem là đề thi minh họa để giáo viên và học sinh tham khảo, làm quen, định dạng các đề thi trong quá trình dạy học, ôn tập cho kỳ thi quốc gia năm 2018. Và việc này đã nhận được phản hồi tích cực của hầu hết giáo viên, học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác thì lại không giải quyết được bản chất của vấn đề đặt ra đối với ngành giáo dục, mà chỉ như xây nhà từ nóc vậy.

THPT là bậc cuối của bậc học phổ thông. Nó đánh dấu những bước đi cuối cùng của “vị thành niên” để trở thành “người lớn”. Vì thế, THPT hay kỳ thi THPT không thể tách rời khỏi các bậc học trước đó. Những năm qua, cho dù liên tục cải tiến, chương trình giáo dục phổ thông nói chung, THPT nói riêng, vẫn chưa tạo được sự yên tâm cho xã hội. Kỳ vọng về một nền giáo dục hiện đại, hiệu quả ngày một nhạt nhòa.

Chương trình giáo dục phổ thông nước ta hiện nay có thể nói nặng nhất thế giới. Không trẻ em nước nào phải học ngày học đêm như trẻ em Việt Nam. Trẻ em Việt Nam phải đi học thêm từ khi... chưa biết chữ, từ khi còn đi nhà trẻ. Ngay khi bước chân đến trường - vào lớp 1 cho đến khi rời ghế nhà trường phổ thông, trẻ em Việt Nam luôn phải sống trong cuộc đua học hành: học sáng, học chiều, học cả thứ 7 và chủ nhật, học thêm buổi tối, tự học ở nhà... Ba lô đi học của trẻ em Việt Nam như một cái gông đeo trên vai cứ ngày một nặng hơn.

Hiện nay, chương trình phổ thông trung bình có 13-14 môn học. Mỗi môn học trong một học kỳ tối thiểu có kiểm tra đầu giờ, kiểm tra 15 phút, kiểm tra 45 phút, kiểm tra học kỳ, kiểm tra cuối năm. Tổng cộng trong 9 tháng của một năm học, mỗi học sinh phải làm hơn 150 bài kiểm tra. Bên cạnh khối lượng kiến thức khổng lồ cần nhồi nhét, chồng chất vội vã vào đầu học sinh, chương trình giáo dục còn mạng nặng tính trừu tượng, xa với thực tế cuộc sống. Không ít phụ huynh là cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thậm chí thạc sĩ, tiến sĩ cũng không hiểu, không làm được bài tập cho con nếu không dành thời gian nghiên cứu kỹ. Áp lực của nhà trường, thầy cô, cha mẹ đã khiến không ít em quyên sinh trong đau đớn. Thế nhưng, những cảnh báo ấy không được các nhà quản lý giáo dục vĩ mô quan tâm. Kỳ lạ là cả xã hội phản ứng, các chuyên gia hàng đầu có ý kiến, nhưng chương trình giáo dục mỗi một lần cải tiến thì khối lượng kiến thức không những không giảm đi mà lại nặng hơn.

Trường phổ thông hiện mang sứ mệnh gánh vác rất nhiều đòi hỏi của xã hội. Lẽ ra phải chia sẻ và cùng cộng đồng đáp ứng đòi hỏi đó, ngành giáo dục lại đưa ra giải pháp nhồi kiến thức vào chương trình, tăng gánh nặng, tăng nhiệm vụ cho nhà trường. Khả năng và quỹ thời gian của cả học sinh và giáo viên chỉ có giới hạn nhất định. Thế nên mỗi khi nhồi thêm kiến thức vào chương trình, đồng nghĩa với chất lượng giáo dục sẽ đi xuống.

Giáo dục phổ thông là giáo dục cho mọi người, vì mọi người. Do đó chương trình giáo dục phổ thông phải phổ thông nhất, cơ bản nhất, dễ hiểu nhất, cần thiết nhất. Đáng tiếc, chương trình giáo dục phổ thông của nước ta hiện nay lại cách rất xa mục tiêu đó khi có quá nhiều kiến thức hàn lâm, ứng dụng vào cuộc sống kém. Những vấn đề quan trọng đã nêu chưa được thay đổi, cho dù có đề minh họa hay không tổ chức kỳ thi THPT thì cũng không giải quyết được vấn đề cốt lõi của giáo dục phổ thông hiện nay.

Trần Phương

  • Từ khóa
108806

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu