Thứ 6, 29/03/2024 19:09:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 13:58, 31/01/2015 GMT+7

Xây mới khó...!

Thứ 7, 31/01/2015 | 13:58:00 102 lượt xem

BP - Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) vừa có công văn gửi Ban chỉ đạo 389 ở các tỉnh, thành về việc Công ty TNHH Romal Việt Nam (ở Từ Liêm, Hà Nội) chuyên kinh doanh thiết bị nhà bếp cao cấp có dấu hiệu nhập khẩu hàng Trung Quốc, sau đó giả mạo xuất xứ Ý, Đức bán ra thị trường. Ban yêu cầu các lực lượng công an, quản lý thị trường, thuế... các tỉnh, thành phối hợp kiểm tra. Và khi lực lượng trên kết hợp Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan)... khám xét văn phòng, kho hàng của Công ty TNHH Romal Việt Nam ở khu vực đường Mễ Trì (Hà Nội) thì phát hiện 185/2.000 sản phẩm đã dán nhãn hiệu Đức, Ý chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.

Suốt từ năm 2008 đến nay, Công ty Romal thường nhập khẩu hàng hóa từ Công ty thương mại - xuất nhập khẩu Zhongshan (Quảng Đông, Trung Quốc) về Việt Nam, sau đó bóc nhãn “made in China” thay bằng thương hiệu châu Âu như “Sabaf Burmers Made in Italy”, “E.G.O Germany Index”, “Euro Kerchan Appliances”... bán lẻ tại các siêu thị, trung tâm thương mại... với giá chênh lệch rất cao. Nếu giá trị thực hàng Trung Quốc khoảng 3-4 triệu đồng/chiếc bếp ga, thì sau “phù phép” thành nhãn châu Âu, sản phẩm đã tăng hơn 4 lần.

Siêu thị vốn là địa chỉ tin cậy của phần đông người tiêu dùng thì thỉnh thoảng lại gây bất ngờ khi bị hàng dởm “qua mặt”. Vì vậy, đã có không ít người cảm thấy bi quan, mất niềm tin vào lời hứa của các nhà cung cấp vốn được xem là có “thương hiệu”! Một phần dựa vào tâm lý sính ngoại, ham rẻ, thích khuyến mại đính kèm mà một số doanh nghiệp, người cung cấp hàng đã lợi dụng quảng cáo và lừa dối người tiêu dùng, không chất lượng thì số lượng. Thậm chí chất lượng sản phẩm trái ngược với chủ đích người mua và cam kết từ nhà cung cấp.

Đứng trước bối cảnh năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập, năm 2017, hàng rào thuế quan được gỡ bỏ hoàn toàn theo cam kết gia nhập WTO thì đương nhiên nhà phân phối ngoại sẽ “đổ bộ” vào Việt Nam nhiều hơn. Vậy nếu không muốn bị thua trên sân nhà thì ngay từ lúc này doanh nghiệp Việt cần lo xa để giữ lấy chữ tín, tạo thương hiệu cho mình, đừng như Công ty Romal, mới có chút tiếng tăm đã vội “ăn xổi”...

Công ty Romal không phải là trường hợp đầu tiên lừa khách hàng. Trước đó, các siêu thị Metro, BigC, Lotte Mart... cũng đã đồng loạt tuyên bố ngừng nhập rau của Công ty TNHH sản xuất và chế biến rau an toàn Ba Chữ (Hà Nội) vì phát hiện doanh nghiệp này gom 10 tấn rau trôi nổi ở các chợ đầu mối rồi bán cho siêu thị với “mác” rau sạch.

Hồi tháng 8-2014, nhiều người cũng được một phen “té ngửa” khi báo chí phanh phui vụ trái cây Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam xuất hiện tràn lan tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Mận, đào, ổi, hồng... cùng nhiều loại trái cây tươi khác bán tại đây với giá cao hơn 3-4 lần ngoài thị trường. Khách hàng vẫn sẵn sàng mua làm quà tặng người thân, bạn bè và cả các mối quan hệ ngoại giao vì tư tưởng chất lượng... Nhưng niềm tin của họ đã bị đánh cắp!

Hành vi gian lận, lừa đảo khách hàng, ngoài thu lợi bất chính còn làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, niềm tin của nhiều người. Nguy hại hơn, người Việt đang lừa người Việt! Vậy câu nói: “Người Việt yêu nước là dùng hàng Việt” liệu có còn thiêng liêng như kỳ vọng từ một cuộc phát động đầy nhân văn và tạo uy tín cho hàng Việt?

Ngọc Tú

  • Từ khóa
108461

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu