Thứ 6, 19/04/2024 19:55:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:16, 19/11/2012 GMT+7

Xây dựng thư viện chuẩn tiên tiến ở trường TH Lộc Tấn B

Thứ 2, 19/11/2012 | 14:16:20 397 lượt xem

Thư viện trường Tiểu học (TH) Lộc Tấn B là đơn vị đầu tiên và duy nhất của ngành giáo dục huyện Lộc Ninh được Sở GD-ĐT công nhận đạt chuẩn tiên tiến năm học 2011-2012. Thầy Lê Văn Kiêm, Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết: Danh hiệu thư viện tiên tiến của TH Lộc Tấn B đã góp phần đưa ngành giáo dục huyện Lộc Ninh xếp thứ 2 toàn tỉnh trong phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt”. Kinh nghiệm xây dựng thư viện chuẩn tiên tiến và nhiều mô hình khác của TH Lộc Tấn B được các trường trong và ngoài tỉnh học tập...

HOÀN THIỆN CƠ SỞ VẬT CHẤT

TH Lộc Tấn B là trường vùng sâu, vùng xa, biên giới, có tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số cao, là đơn vị khó khăn nhất của ngành giáo dục huyện Lộc Ninh. Ngoài điểm chính ở ấp Thạnh Đông, trường còn 2 điểm lẻ ở ấp Bù Núi với 90% học sinh là người Xêtiêng và 1 điểm ở ấp Thạnh Tây dành cho con em của 32 hộ từ miền Tây Nam bộ đến sinh sống. Điểm trường Thạnh Tây cách điểm chính 14km, giao thông rất khó khăn. Để xây dựng thư viện đạt chuẩn theo 5 tiêu chí của Bộ GD-ĐT, trong đó tiêu chí cơ sở vật chất đối với trường vùng sâu, vùng xa như TH Lộc Tấn B rất khó khăn. Bởi không dễ vận động sự đóng góp của phụ huynh để hoàn thiện phòng ốc và kinh phí bổ sung đầu sách, báo hàng năm.

 

Thư viện trường Tiểu học Lộc Tấn B thu hút học sinh đọc sách,
báo trong giờ ra chơi

Hiện nay, phòng đọc và kho sách của TH Lộc Tấn B đạt chuẩn 90m2, rộng, thoáng mát, đủ ánh sáng, trang trí hài hòa. Từ nguồn kinh phí vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, thư viện được sơn nước và trang bị quạt, đèn điện, bàn ghế, tạo không gian thân thiện thu hút học sinh, giáo viên đến đọc sách, báo. Tại 2 điểm lẻ, nhà trường tận dụng phòng nghỉ của giáo viên làm phòng đọc. Phòng đọc ở điểm chính có 25 chỗ ngồi cho giáo viên và 30 chỗ cho học sinh. Tủ sách, báo phục vụ giáo viên gồm: Tủ sách dân tộc, tủ sách thân thiện và tủ sách dùng chung được đánh số trên mỗi cuốn sách, có mô tả từng loại bảo đảm khoa học, chính xác.

 

Năm học 2011-2012, nhà trường vận động được 8,8 triệu đồng mua thêm sách, trong đó phụ huynh đóng góp 4,8 triệu đồng, giáo viên 1,4 triệu đồng, còn lại vận động nhà hảo tâm. Đến nay, số bản sách trong thư viện trường có 5.938 quyển với 708 tên sách (theo tiêu chí thư viện chuẩn tiên tiến bản sách là 5.429 quyển). Phòng đọc ở điểm lẻ cũng được trang bị đầu sách theo tiêu chí như ở điểm chính.

CỦNG CỐ VĂN HÓA ĐỌC CHO GIÁO VIÊN, HỌC SINH

Đến trường TH Lộc Tấn B vào giờ ra chơi, ngoài các trò chơi dân gian sôi động trên sân trường, nhiều học sinh tranh thủ 30 phút ra chơi để vào thư viện đọc báo. Anh Nguyễn Văn Cống, nhân viên thư viện cho biết: Mùa Hè 2010-2011, khi trường có phòng đọc đủ chuẩn tiên tiến, anh và cô hiệu trưởng đã dành 2 tháng nghỉ hè để xếp lại toàn bộ kho sách. Qua đó thanh lý sách cũ và mua bổ sung sách mới. Hàng ngày, thấy nhiều em nuối tiếc vì giờ ra chơi chưa đủ để đọc hết báo, trong lòng thấy vui vui.

 

Năm học 2011-2012, thư viện trường TH Lộc Tấn B thu hút 11.398 lượt độc giả, trong đó giáo viên là 2.197 lượt và học sinh 9.201 lượt. Năm học 2011-2012, tỷ lệ học sinh xếp học lực giỏi đạt 27,3% (54 em, trong đó 7 em người dân tộc Xêtiêng), khá 34%, trung bình 33% và yếu giảm còn 5,7%. Có 8/11 em đoạt giải kỳ thi giỏi Toán qua internet, đứng thứ 2 sau TH Lộc Ninh B; 3 em đoạt giải cấp tỉnh. 5 học sinh dân tộc thiểu số tham gia giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”...

Hiệu trưởng Đoàn Thị Hòa khẳng định, đưa thư viện vào hoạt động hiệu quả đã góp phần củng cố văn hóa đọc cho học sinh và giáo viên. Qua đó giúp các em tăng cường vốn tiếng Việt. Từ hiệu quả hoạt động thư viện, TH Lộc Tấn B là trường đầu tiên của huyện xây dựng mô hình “Đọc và làm theo báo Đội”. Để thu hút bạn đọc, công tác tuyên truyền giới thiệu sách rất quan trọng. Tổ cộng tác viên thư viện có nhiệm vụ tuyên truyền giới thiệu sách vào giờ chào cờ đầu tuần, lồng ghép các buổi sinh hoạt tập thể, họp tổ chuyên môn hoặc sinh hoạt chuyên đề. Nhân viên thư viện phải giới thiệu nội dung những cuốn sách mới, hay để thu hút độc giả. Mỗi kỳ, trường tổ chức triển lãm sách, ngày hội đọc sách cho giáo viên và học sinh toàn trường. Qua đó, học sinh và giáo viên thấy được đọc sách là bổ ích. Hiện nay, TH Lộc Tấn B bước đầu thực hiện quản lý sách qua mạng internet. Phòng đọc của giáo viên trở thành nơi sinh hoạt tổ chuyên môn.

 

Từ hiệu quả hoạt động thư viện, TH Lộc Tấn B đã tổ chức phong trào góp sách trong giáo viên, học sinh, tăng đầu sách cho thư viện và giúp các em học sinh nghèo có đủ sách học; học sinh giỏi, giáo viên có đầy đủ tài liệu nghiên cứu, học tập.

Phương Hà

  • Từ khóa
82173

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu