Thứ 6, 29/03/2024 17:23:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:17, 12/10/2013 GMT+7

Xây dựng nông thôn mới ở Long Hưng: Đích đến còn xa

Thứ 7, 12/10/2013 | 07:17:00 69 lượt xem

Nằm trên trục giao thông chính (ĐT741), xã Long Hưng (Bù Gia Mập) có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên vẫn còn nhiều tiêu chí khó đạt trong năm 2020.


LỢI THẾ LÀM ĐƯỜNG GIAO THÔNG

“Mặc dù chưa phải là xã điểm về xây dựng NTM của huyện, nhưng Long Hưng luôn chủ động thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo các tiêu chí chương trình đã đề ra. Những tiêu chí dễ thực hiện trước, nhất là hệ thống giao thông nông thôn. Toàn xã hiện có 21 tuyến đường với tổng chiều dài 24,5km, trong đó đã nhựa hóa được 3,5km. Các tuyến đường còn lại là cấp phối, sỏi đỏ, rất dễ hư hỏng trong mùa mưa nên phải thường xuyên duy tu, sửa chữa. Nhằm phát triển hệ thống giao thông theo hướng NTM, UBND xã chủ động tuyên truyền, vận động người dân chung tay đóng góp để tiếp tục nhựa hóa các tuyến đường còn lại”, ông Nguyễn Tiến Trung, Chủ tịch UBND xã nói.


Ông Đỗ Văn Chấn (giữa) trao đổi về kinh nghiệm làm đường ở thôn 1

Trưởng thôn 1 - Đỗ Văn Chấn cho biết: Đoạn đường chạy dọc thôn đang thi công có chiều dài 1,121km, với tổng vốn đầu tư 1,780 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 700 triệu đồng, còn lại do nhân dân đóng góp (không phân biệt độ tuổi). Ban điều hành thôn đã thảo luận và thống nhất phương án trước khi triển khai ra dân. Chúng tôi còn họp dân, bầu tổ giám sát công trình để nhân dân cùng tham gia giám sát.

“Thôn 8 có 342 hộ với gần 1.500 người, sống tập trung dọc tuyến ĐT741, số ít hộ còn lại ở các tuyến giao thông khác. Được huyện ưu tiên hỗ trợ xây dựng 3 tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 1,3km, người dân thôn 8 rất phấn khởi. Tuy nhiên, để nhựa hóa các tuyến đường này phải đầu tư trên 1,7 tỷ đồng, trong khi Nhà nước chỉ hỗ trợ 700 triệu đồng. Do đó, huy động nhân dân đóng góp trên 1 tỷ đồng là một thách thức lớn với ban điều hành thôn. Khi họp dân, chúng tôi mạnh dạn đề xuất phương án thực hiện, trong đó nêu rõ lợi ích của người dân khi đường được nhựa hóa nên họ đồng tình ủng hộ. Những gia đình được hưởng lợi trực tiếp đóng 5 triệu đồng, các đối tượng khác đóng 500 ngàn đồng/hộ và vận động thêm các mạnh thường quân. Ở 3 tuyến đường, thôn thành lập 3 tổ trực tiếp thu tiền, giám sát thi công”, ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng thôn 8 chia sẻ.


NHIỀU TIÊU CHÍ KHÓ THỰC HIỆN

Bên cạnh lợi thế về xây dựng đường giao thông nông thôn, Long Hưng còn một số lĩnh vực đáp ứng được các tiêu chí đã đề ra. Cụ thể, toàn xã hiện có khoảng 98% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia. Hệ thống hồ chứa nước đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho cây trồng trên địa bàn. An ninh trật tự ổn định và không có các vụ việc phức tạp xảy ra. Hệ thống chính trị được củng cố từ xã xuống thôn, ấp...

Tuy nhiên, việc xây dựng NTM của xã có quá nhiều tiêu chí khó có khả năng thực hiện. Theo ông Nguyễn Tiến Trung, nghĩa trang nhân dân xã đã hết chỗ từ rất lâu và đang lấn sang diện tích đất của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng. Bãi chứa rác thải không có nên người dân xả rác bừa bãi. Theo quy định về xây dựng NTM, nghĩa trang nhân dân có diện tích từ 2 ha trở lên và bãi rác thải phải từ 1 ha trở lên. Để có nơi chôn cất người đã khuất và quy tập rác, xã phải vận động nhân dân đóng góp mỗi hộ 300 ngàn đồng, riêng hộ nghèo 200 ngàn đồng. Đến nay, tổng số tiền thu được mới hơn 400 triệu đồng, không đủ mua 1 ha đất. Xã không có chợ nên một số hộ buôn bán tự phát trên các tuyến đường liên xã, gây khó khăn về giao thông và không đáp ứng nhu cầu của người dân. Xã không có bưu điện văn hóa, tổ hợp tác, trang trại...

Nhà văn hóa khu dân cư cũng khó đạt chuẩn, bởi xã không còn đất công. Muốn làm được phải quy hoạch vào đất trồng cao su, đồng nghĩa với việc phải có nguồn vốn lớn. Trạm y tế chưa có bác sĩ, cơ sở vật chất lại thiếu thốn nên tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm rất thấp (khoảng 30%). Số người đến trạm y tế khám chữa bệnh ít. Những đối tượng được học tập, có tay nghề xã đều giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, nhưng số người có việc làm cũng chỉ đạt 40%. Với mức thu nhập bình quân 14,5 triệu đồng/người/năm như hiện nay, xã muốn đạt tiêu chí về thu nhập đang còn quá xa.

Ông Nguyễn Tiến Trung cho rằng: Muốn chương trình xây dựng NTM thực sự mang lại hiệu quả, huyện và ngành chức năng cần tháo gỡ khó khăn cùng xã, nhất là tiêu chí thu nhập bình quân đầu người giảm xuống và nâng tỷ lệ hộ nghèo, bởi quy định từ 3% trở xuống như hiện nay rất khó đạt. Trên thực tế, chương trình xây dựng NTM đang đối mặt với nhiều vấn đề, như quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, chất lượng sản phẩm thấp; khả năng hợp tác, liên kết, cạnh tranh yếu; tình trạng thiếu việc làm, thừa lao động phổ biến; ô nhiễm môi trường ngày càng nặng... Nguyên nhân là do xuất phát điểm của nông thôn thấp; công tác đầu tư, quản lý của Nhà nước cho nông nghiệp chưa sát với tình hình thực tế của mỗi địa phương.

Lâm Phương

  • Từ khóa
47006

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu