Thứ 3, 23/04/2024 18:31:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:28, 11/04/2013 GMT+7

Xây dựng ngành điều bền vững (tt)

Thứ 5, 11/04/2013 | 14:28:00 773 lượt xem

Bài cuối: KHI NÀO THƯƠNG HIỆU VIỆT NAM LÀ SỐ 1?
 

>> Bài 1: Giữ Vững Diện Tích Điều Trong Vùng Đồng Bào Dân Tộc Thiểu Số
>> Bài 2: Phải Bắt Đầu Từ Vùng Nguyên Liệu

Việt Nam tự hào xuất khẩu điều, hồ tiêu, cà phê, gạo nhiều nhất, nhì thế giới, nhưng chủ yếu xuất thô, giá trị thấp và đặc biệt doanh nghiệp (DN) không có thương hiệu. Muốn phát triển bền vững trên trường quốc tế thì DN phải xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để giữ thị trường và nâng cao giá trị hàng hóa của mình.

Người Trồng Điều Đứng Ngoài “Cuộc Chơi”

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) hiện tại chỉ là ngôi nhà chung của DN chế biến, xuất khẩu điều mà không hề có bóng dáng người trồng điều. Ông Võ Hùng Chiến, Chủ trang trại 130 ha điều ở huyện Bù Gia Mập cho biết: Hội điều Bình Phước thành lập, tôi được mời làm thành viên đại diện cho người trồng điều. Thế nhưng, trong tất cả các cuộc họp, hội nghị của hội điều Bình Phước chỉ bàn về sản xuất - kinh doanh của DN. Kiến nghị của hội điều cũng chỉ tập trung đề xuất chính sách giảm thuế, tín dụng cho DN mà không hề nói đến chiến lược phát triển vùng nguyên liệu hoặc chính sách với người trồng điều. Quyền lợi của người trồng điều không hề có trong danh mục phát triển của Vinacas và hội điều Bình Phước.


Năm 2013, dự báo sản lượng điều của Việt Nam giảm 1/2 so với những năm trước (Ảnh: Tiểu thương phơi điều ở xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng) - T.P

Nông dân Việt Nam không chỉ làm ra hạt điều thơm ngon cho DN chế biến xuất khẩu có tiếng, mà hộ trồng điều có tiềm lực kinh tế còn là kho dự trữ điều thô giúp DN tháo gỡ khó khăn về vốn khi phải tập trung mua trong 3 tháng để sản xuất cả năm. Mỗi vụ điều ở Bình Phước có khoảng hơn 1/3 sản lượng được nông dân phơi khô cất trữ bán dần trong quý 3, 4. Thế nhưng, Vinacas trong chỉ đạo thu mua nguyên liệu vụ mùa năm 2013 cũng đã tuyên bố, giá cả do DN quyết định, hiệp hội chỉ định hướng, nhận định nguồn nguyên liệu trên cơ sở tìm hiểu mùa điều trong và ngoài nước. Ngồi trong ngôi nhà chung nhưng DN điều thiếu đoàn kết nên không thống nhất giá mua nguyên liệu và giá bán xuất khẩu. Đây là cơ hội cho DN nước ngoài ra giá nhân điều xuất khẩu, gây thiệt hại cho nền kinh tế và DN Việt Nam.

 Ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn trong hội nghị tổng kết ngành điều năm 2011 đã phát biểu rằng: DN điều kêu cứu ngân hàng, nông dân thương DN trước khó khăn về tín dụng, nguyên liệu. Thế nhưng, gần 3 thập kỷ cây điều có mặt ở Bình Phước và nhiều DN giàu lên nhờ hạt điều của người nông dân, song người dân chưa bao giờ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ DN. DN không gắn kết với nông dân để có sản phẩm sạch, đẹp, năng suất cao. Giá điều thô đều do DN định đoạt và nếu mất mùa thì DN nhập điều nước ngoài... Ông Tới cho rằng, giữ hay phá diện tích cây điều là quyền của nông dân và Nhà nước cũng như tỉnh Bình Phước không thể ấn định, quy hoạch diện tích cây điều hay bắt nông dân phải trồng điều nếu không có sự gắn kết “2 nhà”.

Nhiều Doanh Nghiệp “Tay Không Bắt Giặc”

Từ năm 2005 đến nay, DN điều tăng nhanh về số lượng, trong đó có 300 DN trực tiếp xuất khẩu nhưng không trực tiếp sản xuất. 95% điều nhân dùng cho xuất khẩu dẫn đến sản lượng nhân điều tăng cao, nên mặc dù thị trường thuận lợi nhưng DN nước ngoài đã tận dụng cơ hội đồng lòng giảm giá mua. DN Việt Nam thua lỗ, nguy cơ phá sản luôn rình rập.

Đến năm 2012, chỉ riêng ở Bình Phước có khoảng 460 DN, tổ sản xuất chế biến điều, trong đó 70% đã phá sản. Ngành điều Việt Nam luôn tự hào xuất khẩu đứng số 1 nhưng DN thì tranh nhau mua, bán. Khi DN bị ép giá phá sản, gây thiệt hại cho nền kinh tế và cả nông dân.


Xưởng phân loại điều tại một doanh nghiệp ở Phước Bình (TX. Phước Long)

Xuất khẩu điều những năm qua tăng là minh chứng thị trường điều bình ổn, không khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, nhưng DN điều Việt Nam lại đua nhau phá sản do thua lỗ. Theo ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn 1, xã Đức Liễu (Bù Đăng), DN thua lỗ, phá sản chủ yếu do quản trị kinh doanh kém. Đua nhau mua nguyên liệu nước ngoài dự trữ với giá cao và phải chào hàng giá thấp để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng, dẫn đến DN nước ngoài có cơ hội ép giá. Ông Huyên cũng cho rằng kinh tế thị trường sẽ đào thải DN năng lực quản trị kém.

Theo Vinacas, thời gian qua, nhiều DN xuất khẩu điều “tay không bắt giặc”, không có cơ sở vật chất, nhà máy chế

Theo số liệu khảo sát ban đầu, mùa điều năm 2013, hạt điều sáng đẹp, chắc nhưng sản lượng chỉ bằng khoảng 60% của vụ điều năm 2012. Đây cũng là nguyên nhân giá điều thô giữa mùa và cuối mùa cao hơn đầu mùa.
 
Hiện nay, giá điều thô phơi khô vào kho DN dao động khoảng 30-32 ngàn đồng/kg, cao hơn điều nông dân cất trữ thời điểm quý 3/2012 khoảng 5.000-6.000 đồng/kg và đầu mùa 7.000 đồng/kg.
 
Với giá nguyên liệu và xuất khẩu hiện nay, DN chế biến điều đang lỗ nhưng vẫn tranh nhau mua, kể cả ở thị trường Campuchia vì sợ thiếu nguyên liệu sản xuất.

biến nhưng vẫn thu mua điều từ nhiều nguồn khác nhau để xuất khẩu. Hiện cả nước có khoảng 300 đầu mối xuất khẩu điều. Khác với các nông sản khác, DN điều chủ yếu là tư nhân, phát triển tự phát.

Phải Theo Chuẩn Quốc Tế Về Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm

Việc thu mua hạt điều, không qua những quy chuẩn chế biến đã làm chất lượng hạt điều giảm sút, mất uy tín hạt điều xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới. Nhân điều là mặt hàng thực phẩm, chủ yếu xuất khẩu vào thị trường các nước phát triển nên càng đòi hỏi nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, DN điều xuất khẩu phải có hệ thống nhà xưởng, công nghệ thiết bị hợp quy chuẩn kỹ thuật chế biến, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo đảm hương vị thơm ngon từ nguyên liệu trong nước là điều kiện xây dựng thương hiệu hạt điều Việt Nam, đồng thời là nhân tố quan trọng để ngành điều Việt Nam phát triển bền vững.

Phương Hà - Hải Châu

  • Từ khóa
36439

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu