Thứ 6, 29/03/2024 21:34:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:43, 27/02/2016 GMT+7

Xấu hổ vì... là “top ten”

Thứ 7, 27/02/2016 | 08:43:00 176 lượt xem

BP - Ocean Conservancy, một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường của Mỹ vừa có báo cáo cho hay, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam là 5 nước xả nhiều rác thải nhựa ra biển nhất thế giới. Nhóm 5 nước này được cho là đóng góp tới 60% lượng rác thải bằng nhựa bị ném xuống biển trên toàn cầu.

Báo cáo Ocean Conservancy cho biết, số rác nổi trên mặt biển gồm có:  Vỏ chai nước giải khát các loại, túi ni-lon, ly uống nước, bao mì ăn liền, dây ni-lon, thùng nhựa làm phao... chỉ chiếm 5% lượng rác thải bằng nhựa bị ném xuống biển. Trong khi đó, số rác chìm dưới mặt nước chiếm tới 95%. Ông Nicholas Mallos, Giám đốc chương trình về rác thải trên biển của Ocean Conservancy dự báo, với tốc độ xả rác ra biển như hiện nay, “đến năm 2025, cứ mỗi 3 tấn cá trên các đại dương sẽ có gần 1 tấn rác nhựa”.

Cũng theo báo cáo của Ocean Conservancy, khi các nền kinh tế ở châu Á trở nên phát triển hơn, lượng rác thải bằng nhựa trong sinh hoạt của người dân cũng gia tăng. Tuy nhiên, theo Ocean Conservancy, ở 5 quốc gia châu Á được đề cập trên, chỉ có khoảng 40% rác thải được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp. Còn lại, rác được chất thành đống ở các bãi rác địa phương và trong nhiều trường hợp xả thẳng xuống biển.

Ngày nay, nhân loại đang phấn đấu hướng đến một cuộc sống văn minh, lịch sự và thân thiện với môi trường nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của con người cả về vật chất và tinh thần. Vì vậy hằng năm, nhiều tổ chức trên thế giới đã đưa ra những đánh giá, xếp loại các quốc gia có chỉ số cao nhất và thấp nhất trên con đường phấn đấu vì mục tiêu nâng cao chất lượng sống của con người. Thật đáng buồn, riêng trong lĩnh vực môi trường, mà cụ thể là việc ứng xử với môi trường biển, Việt Nam lại trong nhóm “top ten” ngược.

Chưa hết, tại buổi hội đàm về quy hoạch và công tác quản lý ngành bia Việt Nam mới đây, ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách công nghiệp, Bộ Công thương cho biết, hiện nay, ở Việt Nam đang có tới 120 cơ sở sản xuất bia, hơn 1.700 cơ sở sản xuất nước giải khát. Còn theo số liệu thống kê của Hiệp hội bia - rượu - nước giải khát, chỉ tính riêng năm 2015, cả nước đã tiêu thụ 3,4 tỷ lít bia, 70 triệu lít rượu sản xuất công nghiệp (chưa thống kê được số rượu người dân tự nấu). Điều này là minh chứng về sự tiêu thụ đồ uống có cồn “khủng khiếp” của người Việt.

Chính vì thế, Việt Nam hiện đang xếp thứ 5 trong 10 nước châu Á và nằm trong top 25 của thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Cũng theo Hiệp hội bia - rượu - nước giải khát, trong 10 năm trở lại đây, mức độ tiêu thụ bia, rượu của người Việt Nam đã tăng gấp 2 lần. Trong khi lượng rượu, bia trung bình sử dụng trên thế giới không tăng trong 10 năm qua, còn ở Việt Nam lại tăng trưởng theo đường thẳng đứng. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2010, lượng tiêu thụ bia ở nước ta là 6,6 lít/người/năm, tăng gấp đôi giai đoạn 2003-2005 là 3,8/lít/người/năm. Dự báo đến năm 2025, con số sẽ tăng lên 7 lít/người/năm.

Trên đây là những con số và thứ hạng đáng báo động đối với sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Hằng năm, chúng ta có thể biết được chính xác các nhà máy bia, rượu đóng góp bao nhiêu cho ngân khố quốc gia. Song, chắc chắn rằng nó không thể bù đắp nổi những thiệt hại mà xã hội phải gánh chịu. Đó là mỗi năm, chúng ta phải bỏ ra bao nhiêu tiền để chạy chữa cho các trường hợp tai nạn giao thông do bia, rượu gây ra, bao nhiêu tiền để chữa trị cho những người bệnh xơ gan, loạn tâm thần do rượu... và còn biết bao thiệt hại khác.

Mong rằng từ những con số đáng buồn, đáng xấu hổ trên đây là lời nhắc nhở đối với cộng đồng hãy chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của chính chúng ta.

Nguyễn Ngọc

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu