Thứ 4, 24/04/2024 07:38:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:56, 15/07/2018 GMT+7

Xác chết trong ruộng ngô

Chủ nhật, 15/07/2018 | 08:56:00 195 lượt xem

BP - Theo sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, Hà Tông Huân là người Thanh Hóa, đỗ bảng nhãn năm 1724, ông làm quan đến chức Tể tướng, giữ quyền nghị luận chính sự tại phủ chúa Trịnh. Tài năng của ông không những lộ rõ ở những quyết sách phú quốc cường dân mà còn cả lúc xét án, khiến người đời thán phục. Trong sách “Sơn cư tạp thuật” có đoạn chép về việc xử án của ông dưới tiêu đề “Xét xử theo tình hình thực tế”, với nội dung như sau:

Minh họa: S.H

Vào thời vua Lê Hiển Tông và chúa Trịnh Doanh trị vì, một năm nọ, dân làng Phùng Xá, huyện Thạch Thất, trấn Sơn Tây đang tất bật thu hoạch ngô thì phát hiện một bộ xương người, với chiếc áo chưa phân hủy hết. Đó là áo lính, trên áo có tên người chết. Qua điều tra, nha môn sở tại biết được, có người lính tên như vậy, là người làng khác cùng thuộc huyện Thạch Thất, đang làm nghĩa vụ tại kinh đô Thăng Long, từng xin phép về thăm nhà từ mấy tháng trước, nhưng rồi không thấy trở lại.

Vợ anh lính khi biết xác chết đích thị là chồng mình, một mực cho rằng dân làng Phùng Xá đã giết chồng chị ta để cướp của, thưa kiện lên tận nha môn trấn Sơn Tây. Một người cùng làng, đã đỗ sinh đồ, cũng lên dinh Trấn thủ kêu oan giúp gia đình người xấu số. Quan Trấn thủ Sơn Tây cho người về bắt dân Phùng Xá tra khảo. Dân làng không nhận tội nhưng không có bằng chứng ngoại phạm rõ ràng, cuối cùng không chịu nổi sự thúc bách khảo tra của quan Trấn thủ, họ đành nhận liều nhưng rồi cũng chính họ đã lặn lội đến tận kinh thành kêu oan.

Phủ chúa Trịnh tiếp nhận cáo trạng, Tham tụng Hà Tông Huân được giao điều tra lại toàn bộ vụ án. Một người khác là Nguyễn Nghiễm (thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du sau này) được cử làm Bồi thẩm để hợp sức cùng Hà Tông Huân tái thẩm vụ án.Tham tụng họ Hà và Bồi thẩm họ Nguyễn cùng xem lại án văn. Nguyễn Nghiễm cho rằng bản án đã tuyên không có gì bất hợp lý nên thôi không hỏi đến nữa. Riêng Hà Tông Huân cứ tiếp tục đọc đi đọc lại. Đêm đã khuya, trong lúc mơ màng, ông thấy một cụ già râu tóc bạc phơ đến trước mặt và khẳng định chắc nịch: “Thủ phạm ở đây. Dân làng mắc oan. Ông hãy làm sáng tỏ việc này đi”.

Hà Tông Huân bừng tỉnh, ngẫm nghĩ mãi về câu nói của ông lão trong mơ. Sau đó, ông quyết định mở cuộc điều tra lại vụ án, tự mình xét hỏi các nhân vật có liên quan. Ông sai người đi bắt vợ anh lính và viên sinh đồ đến nhà riêng rồi ông ngồi sau bức rèm để tra hỏi. Khi hỏi hai người có biết nhau không, cả hai đều nói không quen biết. Rồi không biết nhau thì hà cớ gì cả hai cùng lên dinh trấn kiện dân làng Phùng Xá? Nghe hỏi vậy, chị vợ nói vì thương chồng chết oan nên đi kiện. Còn anh chàng sinh đồ thưa vì thương cảnh vợ góa chồng thác oan nên muốn ra tay nghĩa hiệp kêu thưa giúp. Hỏi đi hỏi lại vẫn vậy, Hà Tông Huân liền dùng hình tra khảo. Được một lúc, chị vợ chịu không nổi, ngỏ ý xin nói nhưng khi nói thì vừa khóc vừa ấp úng không thành lời. Có điều, lúc nói chị ta cứ chốc chốc lại quay sang nhìn viên sinh đồ, khiến Hà Tông Huân càng thấy giữa 2 người này có điểm mờ ám. Nghĩ vậy, ra lệnh giam 2 người lại nhưng dặn thuộc hạ để 2 người ở chung phòng.

Sáng hôm sau, lính canh vào báo, 2 người họ ban đêm ôm nhau ngủ hệt như vợ chồng. Chi tiết họ không biết nhau bị loại ngay lập tức, Hà Tông Huân vững tin rằng 2 người này có gian tình với nhau. Rất có thể họ vì tư tình nên đã lập mưu giết hại anh lính. Nhưng vì sao xác anh lính lại được tìm thấy ở ruộng ngô cách làng anh ta rất xa? Hay hung thủ đích thực là người làng Phùng Xá? Để làm rõ những nghi ngờ, Hà Tông Huân cho gọi viên sinh đồ, dõng dạc nói điều ông nghi hoặc nhưng chưa có chứng cứ, rằng: Mày thông dâm với vợ tên binh nhất, rồi lập mưu giết chồng nó. Nay âm hồn chồng nó về tố giác với ta. Liệu mày có thể trốn tránh được không? Không phải dạng vừa, viên sinh đồ ra sức biện bạch và kêu oan. Không bằng không chứng, Hà Tông Huân chẳng thể nói gì thêm, truyền lệnh bãi đường và triển khai điều tra theo hướng khác.

Lời bàn:

Cứ theo nội dung của giai thoại này thì không chỉ người đương thời mà cả hậu thế ngày nay cũng phải kính cẩn nghiêng mình bái phục Hà Tông Huân trong việc xét án. Mặc dù án đã tuyên, nhưng còn nhiều điều chưa rõ nên ông quyết chí tìm ra sự thật, bắt kẻ thủ ác phải tâm phục khẩu phục. Chính vì thế, các quan đồng triều khi tiễn biệt ông về trí sĩ đã viết về ông như sau: ...Đáng quý thay! Thanh giá ông như vàng, ngọc; phẩm chất ông như phượng, loan. Khi gặp việc khó khăn, giống như bổ củi rắn, gỡ tơ rối, cũng chỉ nhón tay là xong. Tới đất khách ở núi Bắc, hùng biện mà lấy lại được bờ cõi xưa... Đến đâu ông cũng là phúc tinh soi sáng mọi phương, làm giọt mưa ngọt thấm nhuần khắp cõi. Lúc đến thì dân mừng, lúc đi thì dân nhớ, ...nguyên lão mà đề cử người tuổi trẻ. Ngôi sao thăm thẳm, đắc thời mà lại nhượng cho người sau...

Và chỉ riêng điều này, các vị danh tướng đương thời cũng như hậu thế không có mấy ai làm được như vậy. Bởi thế cho nên thời nay ở cơ quan, đơn vị nào cũng có con ông nọ, cháu bà kia. Đã vậy, lại còn có người sợ phải nghỉ khi đến tuổi về hưu nên tìm mọi cách sửa lại giấy khai sinh. Chưa hết, lại còn có cả thẩm phán ăn của đút lót để chạy tội cho bị cáo, thật đáng buồn thay.

N.D

  • Từ khóa
110064

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu