Thứ 6, 26/04/2024 04:15:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:21, 12/02/2019 GMT+7

Xã nghèo An Khương chuyển mình

Thứ 3, 12/02/2019 | 06:21:00 3,680 lượt xem
BP - Nhắc đến An Khương, nhiều người vẫn nghĩ đó là xã đặc biệt khó khăn của huyện Hớn Quản. Bởi xã cách xa trung tâm huyện, trình độ dân trí còn thấp, gần 60% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao… Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, An Khương đã thực sự chuyển mình và khoác một diện mạo mới.

Sức sống mới

An Khương là xã vùng sâu, xa của huyện Hớn Quản, cách trung tâm huyện gần 25km về hướng Nam. Xã có diện tích 4.607,32km2/1.726 hộ, chia thành 8 ấp. Những năm trước, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, do chủ yếu làm nông, một số ít hộ kinh doanh nhỏ lẻ dọc hai bên đường trung tâm xã. Tuy nhiên đến khoảng năm 2011, An Khương được chọn làm xã điểm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ đó, kinh tế và đời sống của người dân phát triển rõ nét.

Một góc xã An Khương ngày nay

Trong những ngày tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, có dịp dạo quanh những con đường liên xã, liên thôn của xã An Khương chúng tôi mới cảm nhận được nơi đây có nhiều thay đổi. Những con đường đất đỏ ngày nào “nắng bụi mịt mù, mưa lầy như ruộng cày”, giờ đã được nhựa, bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Những cây cầu tre tạm bợ cũng được thay mới bằng cầu bê tông kiên cố. 2 bên đường nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng; những vườn điều, tiêu trĩu quả, vườn cao su đang cho thu hoạch vào mùa thay lá mơn mởn chồi non như khẳng định sức sống mới đang nảy chồi trên vùng đất nghèo An Khương.

Bà Lê Thị Huệ (ngụ tổ 2, ấp 7) phấn khởi cho biết: “Trước đây đời sống người dân ở đây khổ lắm. Điện không có, đường cũng không. Việc đi lại, sinh hoạt của người dân rất khó khăn. Mỗi lần mưa lớn là mặt đường sình lầy, bùn đất lún nửa bánh xe. Nhờ nhà nước quan tâm, đầu tư làm đường, kéo điện, xây cầu, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện và nâng cao hơn. Người dân an tâm sinh sống, có thêm điều kiện phát triển kinh tế”.

Những con số ấn tượng

Từ xã đặc biệt khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, An Khương đang từng ngày phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Ngoài đời sống vật chất thay đổi, các hoạt động văn hóa, xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới của An Khương năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 42 triệu đồng/người, cao hơn 4 lần so với ngày đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo từ gần 20% dân số (năm 2014) nay giảm còn 5,2% theo chuẩn nghèo đa chiều. 1.709/1.726 hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. 14km đường liên xã và hơn 38km đường liên thôn đã được trải nhựa, bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại và hoạt động giao thương của người dân. 8,9% tổng chiều dài đường nhựa và bê tông được chiếu sáng và lắp camera an ninh.

Từ khi xây dựng nông thôn mới, các cấp trường trên địa bàn cũng được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, đảm bảo đủ trang thiết bị dạy và học, tạo động lực và sức hút cho học sinh đến trường. Nhờ đó, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tăng cao, tình trạng học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn luôn giảm qua từng năm; tình trạng mất an ninh trật tự giảm dần... Hằng năm, xã duy trì tổ chức liên hoan, giao lưu cồng chiêng, lễ hội phá bàu nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng.

Ông Điểu Kiêu, ngụ tổ 2, ấp 2 cho biết: “Tôi sống ở đây gần 30 năm rồi, nhưng kể từ ngày An Khương được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới thì có rất nhiều thay đổi. Ngày xưa ở khu vực này đường có nhiều ổ gà, ổ voi đọng nước, sình lầy, giờ được láng nhựa thông suốt. Đời sống, văn hóa của bà con cũng được quan tâm nhiều hơn. Có nhiều chính sách, chương trình ưu đãi hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.

Từ một xã nghèo, khi mới thực hiện xây dựng nông thôn mới An Khương chỉ đạt 2/19 tiêu chí, đó là tiêu chí quy hoạch, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Nay An Khương đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Ông Trần Hải Hà, Chủ tịch UBND xã An Khương cho biết: “Khó khăn thách thức lớn nhất của xã trong quá trình xây dựng nông thôn mới là giữ vững tiêu chí thu nhập, làm thế nào để cơ cấu cây trồng, vật nuôi được ổn định, có đầu ra nhằm tăng thu nhập cho người dân. Hiện xã chỉ còn 91 hộ nghèo”.

 An Khương đang khoác lên mình một diện mạo mới, sức sống mới. Diện mạo nông thôn khang trang với những dãy nhà xây kiên cố dọc các tuyến đường trung tâm xã, cùng với hệ thống trường học, nhà văn hóa đạt chuẩn, giao thông nông thôn thông suốt... chào đón mùa xuân mới, động lực mới phát triển bền vững. 

Tỷ Huỳnh

  • Từ khóa
54493

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu