Thứ 6, 26/04/2024 04:15:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:14, 15/01/2016 GMT+7

Xã Long Bình khi nào có chợ?

Thứ 6, 15/01/2016 | 08:14:00 1,284 lượt xem
BP - Đó là câu hỏi mà hàng chục năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Bình (Phú Riềng) đang cần một lời giải. “Xã thành lập gần 20 năm, trải qua bao thế hệ lãnh đạo và ai cũng cố gắng để làm được chợ nhằm đáp ứng lòng mong mỏi của người dân nhưng đều không thực hiện được” - Phó chủ tịch UBND xã Long Bình Lê Doanh Biên nói.

NHẾCH NHÁC, HỖN ĐỘN Ở TRUNG TÂM XÃ

Đến Long Bình ai cũng nhận ra cảnh tượng nhếch nhác, hỗn độn ngay tại trung tâm xã. Hoạt động mua bán, giao thương của người dân diễn ra tại chợ tạm của Nông trường 3, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng. Chợ chỉ rộng 400m2 với 43 sạp hàng nhưng chỉ có 2 sạp ở dãy 2 và 6 sạp ở mặt tiền được các tiểu thương trưng bày hàng bán, số còn lại đều bỏ trống. Mới 8 giờ sáng mà chợ vắng như chùa Bà Đanh, trong khi đó dọc tuyến đường nhựa liên xã trước cổng chợ thì hoạt động mua, bán của người dân diễn ra đông đúc, tấp nập. Tuyến đường rộng 7m bị tiểu thương lấn chiếm gần phân nửa để dựng lều, sạp, giăng ô dù trưng đủ thứ hàng hóa. Người dân xả nước trực tiếp ra môi trường, vì thế dù là mùa khô nhưng nước chảy lênh láng, đen ngòm ở lòng đường với mùi hôi thối nồng nặc. Nước thải kết hợp với các xe tải trọng nặng lưu thông thường xuyên khiến mặt đường bong tróc, sụt lún nham nhở tạo thành nhiều ổ gà, ổ voi. Các tiểu thương ở chợ tạm Nông trường 3 cho biết, từ 6 giờ 30 phút đến 7 giờ 30 phút hằng ngày là khoảng thời gian cao điểm diễn ra hoạt động mua bán và cũng là lúc phụ huynh đưa con đến trường khiến đoạn đường luôn ùn tắc giao thông. Tình trạng này diễn ra từ nhiều năm qua nhưng chưa được khắc phục.

Không có chợ, nhiều hộ dân lấn chiếm lòng, lề đường trục xã để dựng ô, sạp buôn bán

Tiểu thương Trần Thắng Ngữ (35 tuổi) bức xúc: “Năm 2012, khi chợ tạm được UBND xã đầu tư xây dựng, tôi đăng ký mua 2 sạp liền kề với giá lần lượt ở dãy 2 là 10 triệu đồng/sạp, dãy 3 là 8 triệu đồng/sạp để bán rau, củ, quả. Thời gian đầu khá đông khách nhưng càng về sau lượng khách càng thưa dần. Đến năm 2014, khi các dãy phía trong không còn khách mua, tôi phải thuê lại sạp của tiểu thương khác ở mặt tiền với giá 500 ngàn đồng/tháng nhưng lượng khách vẫn không nhiều. Nguyên nhân là do chợ quá chật nên hàng hóa ít, khi vào chợ người dân lại phải gửi xe ở ngoài. Trong khi đó, dọc 2 bên đường có đầy đủ các mặt hàng và không cần xuống xe người dân vẫn có thể mua được những thứ cần thiết”.

KHÓ VẬN ĐỘNG XÃ HỘI HÓA

Xã Long Bình thành lập năm 1998 với diện tích tự nhiên trên 9.000 ha, được chia thành 11 thôn. Đến nay, xã có 10 ngàn hộ dân, tăng 4.000 hộ so với năm 1998, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 21%. Phó chủ tịch UBND xã Lê Doanh Biên cho biết, xã thuộc địa bàn vùng sâu, xa, cách trung tâm xã Bù Nho 12km, vì thế hoạt động buôn bán của người dân gặp nhiều khó khăn.

Mới 8 giờ nhưng chợ tạm Nông trường 3 vắng như “chùa Bà Đanh”

Từ năm 2000, chợ nông thôn xã đã được quy hoạch để đầu tư xây dựng nhưng đến năm 2005 huyện Phước Long cũ mới thuận chủ trương cho thực hiện dự án mở rộng xây dựng chợ trên nền đất chợ tạm của Nông trường 3 với diện tích 2,6 ha. Từ đó đến nay đã trải qua 3 giai đoạn thực hiện dự án nhưng đều không thành. Nguyên nhân chính là trong quá trình thực hiện thường vướng mắc một số thủ tục pháp lý, đến thời điểm khởi công giá đền bù lại đội lên cao gấp nhiều lần so với giá Nhà nước quy định. Nhằm giảm chi phí đền bù giải tỏa, đến nay chợ quy hoạch còn 1,5 ha với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng nhưng cũng rất khó kêu gọi nhà đầu tư. Ông Lê Doanh Biên cho rằng: “Để thực hiện dự án cần nguồn vốn lớn, trong khi tuyến đường qua xã là đường cụt. Vì vậy, nếu xây dựng chợ thì hoạt động buôn bán cũng không sầm uất như ở một số trung tâm khác, đó là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không mặn mà. Để mở rộng chợ, chính quyền xã mong UBND huyện cho ứng một phần vốn trước, sau đó mới kêu gọi được nhà đầu tư”.

Hiện toàn xã có 350 tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ. Năm 2012, xã vận động tiểu thương đóng góp 160 triệu đồng xây dựng nhà lồng, làm 43 sạp tại chợ tạm Nông trường 3. Nhưng do diện tích chợ quá hẹp nên hoạt động mua bán phần lớn diễn ra ở 2 bên lề đường, gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Chính quyền xã cũng đã thường xuyên cử lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động, thậm chí cưỡng chế tháo gỡ các sạp hàng lấn chiếm lòng, lề đường trái phép nhưng đâu lại vào đấy.  

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
95042

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu