Thứ 5, 25/04/2024 22:56:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:26, 15/10/2016 GMT+7

Xã hội hóa giáo dục mầm non bị vướng vì Luật Đất đai - Bài cuối

Thứ 7, 15/10/2016 | 14:26:00 218 lượt xem

>> Bài 1: Giảm gánh nặng cho trường công

CHƠN THÀNH THÁO “NÚT THẮT” CHO MẦM NON TƯ THỤC

BP - Luật Đất đai hiện hành chỉ quy định Nhà nước cho tổ chức chứ không quy định cho cá nhân thuê đất mở cơ sở giáo dục. Theo đó, chỉ có 2/22 cơ sở, trường mầm non tư thục ở Chơn Thành được cấp phép xây dựng. Mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) Chơn Thành là lãnh đạo tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), Sở GD-ĐT sớm có hướng tháo gỡ. Bởi nếu ngừng hoạt động hệ thống mầm non tư thục thì không chỉ người đầu tư mở cơ sở lâm vào thế phá sản mà gần 1.567 trẻ không có chỗ học. Quản lý nuôi dạy trẻ mầm non sẽ rất khó khăn, phức tạp khi xuất hiện tình trạng cơ sở hoạt động “chui”…

CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀO CUỘC 

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chơn Thành Mạc Thị Thanh Bình cho biết:  Các cơ sở, trường mầm non tư thục trên địa bàn huyện phải đáp ứng tất cả tiêu chuẩn do Bộ và Sở GD-ĐT quy định về phòng lạnh, trang thiết bị vui chơi cho trẻ, có wifi... Phòng vận động các trường, cơ sở tư thục đầu tư mua sắm lắp đặt camera để quản lý học sinh và cài đặt trên điện thoại để phụ huynh theo dõi giám sát việc chăm sóc, dạy dỗ con mình.

Đặc biệt, các cơ sở mầm non tư thục có nhiều nhóm trẻ. Đơn cử, năm học 2015-2016, toàn huyện có 33 nhóm trẻ, với 575 cháu, thì công lập chỉ có 10 lớp, với 200 cháu, tư thục 23 lớp với 375 cháu. Thời gian trường tư thục dạy tăng ca (cha mẹ đón con muộn trong ngày) và dạy cả ngày thứ bảy, thuận lợi cho các gia đình công nhân yên tâm gửi con đi làm tại nhà máy, xí nghiệp.

Ngày hội trăng rằm năm 2016 ở Trường mầm non tư thục Như Ý (thị trấn Chơn Thành)Ngày hội trăng rằm năm 2016 ở Trường mầm non tư thục Như Ý (thị trấn Chơn Thành)

Chơn Thành là huyện trọng điểm công nghiệp của tỉnh nên nhu cầu gửi con của công nhân rất lớn, mặc dù các cơ sở tư thục ngày càng tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Do đó, Đảng bộ, chính quyền và ngành GD-ĐT huyện tạo nhiều thuận lợi để thu hút tổ chức, hộ gia đình đầu tư mở thêm cơ sở, trường mầm non tư thục. Theo đó, việc cấp phép hoạt động của cơ sở mầm non tư thục ở Chơn Thành trước đây rất thuận lợi. Phòng GD-ĐT có ban tư vấn hoạt động chuyên môn hệ thống tư thục.

Trước đây, về thủ tục đất đai, do các cơ sở, trường tư thục chủ yếu là hộ gia đình đầu tư nếu đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng thì chỉ cần có hợp đồng thuê mướn. Nếu là đất chính chủ thì chỉ cần phôtô giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có thẩm định đạt chuẩn về chuyên môn, phòng, lớp của Phòng GD-ĐT là UBND xã sẽ ra quyết định cho phép hoạt động. Các thủ tục, hồ sơ đều đơn giản, nhanh gọn tạo điều kiện cho chủ đầu tư. Nhờ đó, hệ thống mầm non tư thục ở Chơn Thành phát triển mạnh từ năm học 2013-2014 đến nay.

1.567 TRẺ “BƠ VƠ” NẾU MẦM NON TƯ THỤC NGỪNG HOẠT ĐỘNG

Trưởng phòng GD-ĐT Mạc Thị Thanh Bình cũng cho biết thêm: Nếu thủ tục thực hiện đúng theo quy định Luật Đất đai, đồng nghĩa 20 cơ sở, trường mầm non tư thục của Chơn Thành không được cấp giấy phép xây dựng, phải ngừng hoạt động. Theo đó, cha mẹ của 1.567 trẻ không có chỗ gửi con vì trường công chỉ đáp ứng hơn 50% nhu cầu hiện nay. Từ đó nhiều hệ lụy xã hội sẽ xảy ra khi các nhóm trẻ gia đình hoạt động dưới hình thức “chui”. Đó cũng là lo lắng, trăn trở của cả Đảng bộ, chính quyền huyện Chơn Thành. Cũng từ tháng 10-2015, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Như Tuân đã chỉ đạo Phòng TN-MT, Phòng GD-ĐT huyện tham mưu cho UBND để có công văn đề nghị tỉnh, Sở TN-MT và Sở GD-ĐT có hướng tháo gỡ kịp thời. Đề nghị các sở, ngành tham mưu cho lãnh đạo tỉnh kiến nghị lên Bộ TN-MT nhanh chóng sửa đổi bất cập tại Luật Đất đai để tạo điều kiện cho xã hội hóa giáo dục.

Huyện Chơn Thành đã thành lập đoàn kiểm tra gồm các ngành: TN-MT, GD-ĐT, kinh tế - hạ tầng, nội vụ, các xã, thị trấn kiểm tra toàn diện hệ thống giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn để có cơ sở đề xuất tỉnh tiếp tục cho phép hoạt động. Hiện nay, toàn huyện Chơn Thành chỉ có Trường mầm non Ánh Dương, xã Minh Hưng và Cơ sở mầm non Hoa Hồng, xã Minh Lập được cấp giấy phép xây dựng do “vô tình” nguồn gốc đất của 2 cơ sở này trước khi chuyển qua xây trường là đất thuê làm xưởng.

Qua kiểm tra cho thấy, do thủ tục đất đai khó khăn nên Trường mầm non Ánh Dương thực hiện đầy đủ chế độ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên để ổn định nhân lực. Các trường, cơ sở còn lại do chưa được cấp giấy phép xây dựng theo quy định nên luôn trong trạng thái “phập phồng” lo lắng phải ngừng hoạt động nên nhân lực không ổn định và chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Ông Lê Khắc Đồng, Trưởng phòng TN-MT huyện Chơn Thành cho biết: Luật Đất đai năm 2013 (tháng 7-2014 có hiệu lực) chỉ quy định nhà nước cho tổ chức chứ không quy định cho cá nhân thuê đất mở cơ sở giáo dục. Trước tình hình thực tế đặt ra ở Chơn Thành, ngày 24-6-2016, Phòng TN-MT đã có Công văn số 185/TNMT kiến nghị Sở TN-MT xem xét, tháo gỡ khó khăn mà huyện đang gặp nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở mầm non tư thục có cơ sở pháp lý hoạt động ổn định và phát triển. Ngày 13-7-2016, Sở TN-MT có Công văn số 1434/STNMT-CCQLĐĐ phúc đáp: Sở TN-MT đã tổng hợp gửi Bộ TN-MT để được hướng dẫn. Sau khi có ý kiến của bộ, sở sẽ có công văn hướng dẫn cụ thể.

Như vậy, mặc dù cả hệ thống chính trị huyện Chơn Thành đã đề xuất giải quyết vướng mắc do quy định Luật Đất đai năm 2013 và trong thời gian chờ đợi trả lời của Bộ TN-MT thì chủ đầu tư, phụ huynh và ngành GD-ĐT huyện Chơn Thành mong muốn vẫn cho phép hệ thống mầm non tư thục tiếp tục được hoạt động để 1.567 trẻ được nuôi dạy tốt hơn.

P. Hà - N. Lê

  • Từ khóa
86283

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu