Thứ 5, 18/04/2024 21:25:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 07:37, 14/10/2016 GMT+7

Xã hội hóa giáo dục mầm non bị vướng vì Luật Đất đai - Bài 1

Phương Hà - Nhật Lê
Thứ 6, 14/10/2016 | 07:37:00 203 lượt xem

GIẢM GÁNH NẶNG CHO TRƯỜNG CÔNG

BP - Cùng với sự phát triển công nghiệp, hệ thống các cơ sở, trường mầm non tư thục ở Chơn Thành được hình thành và tăng nhanh từ năm học 2013-2014, đáp ứng nhu cầu nuôi dạy trẻ của hàng ngàn công nhân trong các khu công nghiệp. Và Chơn Thành nhanh chóng trở thành huyện điển hình trong việc xã hội hóa thu hút đầu tư hệ thống mầm non tư thục. Tuy nhiên, từ cuối năm 2014, khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực và quy định “Nhà nước chỉ cho tổ chức thuê đất mở cơ sở giáo dục”, điều này đã làm khó hệ thống mầm non tư thục ở Chơn Thành khi chủ yếu là cá nhân, gia đình đầu tư mở trường, lớp.

TỪ TẤM LÒNG YÊU TRẺ

Cuối năm học 2015-2016, tôi đến Trường mầm non tư thục Phù Đổng ở tổ 8, khu phố 3, thị trấn Chơn Thành. Cô Trịnh Thị Chỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị của trường cho biết: “Chồng mất đã 5 năm, các con trưởng thành, có sự nghiệp và gia đình riêng ở TP. Hồ Chí Minh. Bạn bè, người thân đều muốn tôi về ở cùng các con để gần gũi bà con ruột thịt nhưng tôi đã quen nghe tiếng cười đùa của trẻ nhỏ nên không thể theo các con...”. Trường mầm non Phù Đổng có diện tích 666m2 với các phòng học 2 bên, giữa là sân được làm che mái, nhà bếp và bể nước được bố trí bên trong nên dù đang cao điểm nắng nóng nhưng không khí trong trường vẫn mát dịu. Thời điểm này, nhiều lớp đang tổ chức tổng kết năm học, các cháu vui tươi, xúng xính trong bộ đồng phục màu xanh chụp ảnh lưu niệm thật đáng yêu.

Cô và trò vui trung thu năm 2016 ở Trường mầm non tư thục Như ÝCô và trò vui trung thu năm 2016 ở Trường mầm non tư thục Như Ý

Mầm non Phù Đổng là trường tư thục nhưng có cơ sở vật chất đầy đủ, giáo viên đều có nghiệp vụ sư phạm mầm non; bếp cơm, chế độ ăn hằng ngày cho các cháu theo đúng tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm phát triển trí tuệ, thể lực của trẻ. Mầm non Phù Đổng có phủ sóng wifi và trang bị camera giám sát hoạt động quản lý. Nằm trong khu dân cư nhưng thiết kế của trường khép kín nên tránh được tiếng ồn không làm ảnh hưởng đến các hộ dân sống xung quanh.

Cùng với mầm non tư thục Phù Đổng, Trường mầm non tư thục Như Ý (khu phố 1, thị trấn Chơn Thành) cũng được đánh giá cao. Cô Vũ Thị Thúy Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường cho biết: Trường có 200 em, việc đầu tư trường lớp theo đúng quy chuẩn và hiện đại, với 7 phòng có công trình khép kín, điều hòa, nước nóng lạnh, bếp ăn một chiều, tổng kinh phí xây dựng gần 4 tỷ đồng (không tính giá trị đất). Để chăm sóc, bảo vệ trẻ tốt, trường Như Ý đang triển khai giao - nhận trẻ bằng thẻ từ để tránh giao nhầm hoặc đề phòng kẻ xấu bắt cóc trẻ. Ngoài ra, khi có thẻ từ, trẻ em của trường sẽ được khám, siêu âm tim miễn phí.

Trong 4 trường mầm non tư thục trên địa bàn huyện, Trường mầm non tình thương Hoa Sen (thị trấn Chơn Thành) thuộc hệ thống xã hội hóa hoàn toàn do các phật tử chùa Tịnh Quang đóng góp, tổng kinh phí xây dựng 2,7 tỷ đồng. Trường có 168 em, việc nuôi dạy, chăm sóc, ăn uống hoàn toàn miễn phí, trung bình hằng tháng kinh phí chăm sóc 150 triệu đồng, do các phật tử quyên góp. Các chủ cơ sở không chỉ quan tâm đầu tư cơ sở vật chất khang trang, mà còn hỗ trợ giáo viên học tập, như cơ sở mầm non tư thục Baby (thị trấn Chơn Thành) khuyến khích giáo viên đi học, tạo điều kiện về thời gian và hỗ trợ 50% kinh phí.

TĂNG NHANH SỐ LƯỢNG VÀ CHẤT LƯỢNG

Cô Mạc Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Chơn Thành cho biết: Chơn Thành là một trong những huyện có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, dân cư tập trung đông do trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động. Gần 4 năm nay, huyện đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nên đã thu hút sự quan tâm của nhiều cá nhân đầu tư nhằm làm giảm áp lực nhận trẻ ở trường công, góp phần không nhỏ vào việc chăm sóc, nuôi dưỡng các em hệ mầm non.

Nhóm trẻ ở Trường mần non tư thục Như Ý trong giờ ăn giữa buổi chiềuNhóm trẻ ở Trường mần non tư thục Như Ý trong giờ ăn giữa buổi chiều

Cô Nguyễn Thị Lương - chuyên viên cấp học mầm non Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện minh chứng: Năm học 2012-2013, mầm non tư thục ở Chơn Thành chỉ có 2 trường, 5 cơ sở, đến năm 2013-2014 có 3 trường, 10 cơ sở. Năm học 2014-2015 có 4 trường, 12 cơ sở mầm non tư thục. Hiện nay, Chơn Thành có 4 trường, 17 cơ sở và 1 nhóm trẻ gia đình; số nhóm lớp 61/145, chiếm 42,06%; số học sinh 1.567/3.881, chiếm 41% toàn huyện. 

Các cơ sở, trường tư thục mầm non ở Chơn Thành có mức thu trung bình trên dưới 1 triệu đồng/cháu/tháng. Các cháu ăn 3 bữa ở trường theo quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Lương bình quân của giáo viên hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Nếu làm phép so sánh thì tiền thu mỗi cháu 1 triệu đồng/tháng, trừ tiền ăn, lương giáo viên, bộ phận quản lý và khấu hao giá trị đất đai, trang thiết bị giáo dục, xây dựng... thì kinh phí đầu tư thành lập cơ sở mầm non tư thục nếu gửi ngân hàng thì sẽ được hưởng tiền lãi cao hơn so với đầu tư mở trường tư thục. 

Cô Lương cho biết thêm: Để nâng cao chất lượng các trường, cơ sở mầm non tư thục, cuối năm 2014, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện liên kết với Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc nuôi dạy trẻ cho giáo viên, cấp dưỡng các trường, cơ sở mầm non. Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện thành lập ban hướng dẫn nghiệp vụ do cán bộ phụ trách chuyên môn mầm non làm trưởng ban, đồng thời chia thành 6 khu vực cho các trường công lập quản lý như các trường, cơ sở ngoài công lập trên địa bàn thị trấn Chơn Thành thuộc Trường mầm non Sao Mai quản lý; còn ở Minh Hưng thì do Trường mầm non Minh Hưng quản lý. Nhiệm vụ của các trường công lập là kiểm tra định kỳ, hỗ trợ chuyên môn, thống kê lập số liệu báo cáo từng tháng... đối với các trường, cơ sở mầm non tư thục do mình quản lý. Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện còn tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ qua các lớp chuyên môn hè. Thực tế, các chủ cơ sở không chỉ đầu tư cơ sở vật chất khang trang mà còn hỗ trợ giáo viên học tập. Từ đó, giáo viên nâng cao trình độ, nghiệp vụ sư phạm, đảm bảo chất lượng giảng dạy ở các cơ sở.

Nhờ hệ thống cơ sở mầm non ngoài công lập phát triển gắn với chất lượng nên trong mấy năm qua, chất lượng giáo dục bậc mầm non ở huyện Chơn Thành không ngừng được nâng lên. Các trường mầm non công lập không bị quá tải và đặc biệt không có cơ sở hoạt động lén lút, dạy chui dẫn đến nhiều hệ lụy như ở một số nơi có khu công nghiệp đã xảy ra. Nhờ vậy, hiện tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp trên địa bàn Chơn Thành đạt trên 96%.

  • Từ khóa
86282

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu