Thứ 3, 16/04/2024 11:46:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:21, 01/09/2017 GMT+7

Xã Đồng Nai nỗ lực vượt khó

Thứ 6, 01/09/2017 | 06:21:00 279 lượt xem

BP - Xã Đồng Nai (Bù Đăng) trong những ngày mưa nặng hạt, đường đi rất khó khăn. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thái Hà cho biết: “Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã đã có nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Tuy nhiên, ngoài những khó khăn của một xã vùng sâu, đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, Đồng Nai vẫn còn nhiều hạn chế rất cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và hỗ trợ của cấp trên...”.

Khó khăn vì mất mùa điều

Hơn 90% số dân ở Đồng Nai sống dựa vào nông nghiệp. Xã có 56% số dân là đồng bào DTTS, chủ yếu người S’tiêng, ít đầu tư áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên khi thời tiết xấu dẫn đến năng suất cây điều của xã càng thấp so với các vùng khác. Trong khi đó, diện tích điều chiếm trên 79% diện tích cây lâu năm; còn lại là tiêu 22,5 ha, cà phê 101,9 ha, cao su 663,5 ha, ca cao trồng xen 16,5 ha... Ngoài ra, con đường độc đạo lưu thông từ xã dẫn ra trung tâm huyện vẫn trong tình trạng xuống cấp, sạt lở khiến người dân nơi đây càng khó khăn hơn trong mùa mưa.

Con đường độc đạo vào xã Đồng Nai gồ ghề, lởm chởm là cản trở trong phát triển kinh tế

Năm 2017, năng suất điều ở Đồng Nai chỉ đạt 300-400kg/ha, bằng 1/5 sản lượng 1 ha điều được đầu tư bài bản, áp dụng tốt khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Trước tình hình điều mất mùa, sâu bệnh hoành hành do thời tiết, các hội đoàn thể của xã đã kết hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức 2 lớp tập huấn cách phòng trừ bệnh khô cành, cháy lá trên cây điều và chăm sóc cây trồng nhưng chỉ có 60 người tham dự... “Nếu thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, vụ điều năm sau nguy cơ khó đạt năng suất cao. Chăn nuôi nếu được đầu tư đúng cách sẽ cho thu nhập cao. Nhưng đến nay, người dân Đồng Nai chưa đầu tư hướng trang trại mà vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ. Tổng đàn gia súc, gia cầm toàn xã 17.069 con, trong đó đàn trâu 657 con, bò 703 con, heo 1.745 con và gia cầm 13.964 con. Tiêm phòng cho gia súc, gia cầm được thực hiện đúng định kỳ nên không có dịch bệnh xảy ra” - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thái Hà cho biết thêm.

Ông Hà cho rằng, nghèo đeo bám chủ yếu do một số hộ còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Hiện toàn xã còn 82 hộ nghèo, chiếm 6,1%; 77 hộ cận nghèo, chiếm 5,7%. Từ đầu năm đến nay, các hội, đoàn thể đã phối hợp trao 3 căn nhà tình thương cho hộ nghèo tại thôn 1 và thôn 3, trị giá 130 triệu đồng. Trong quý 2/2017, Đảng ủy, UBND xã đã vận động các đoàn từ thiện tặng 436 phần quà, trị giá 90 triệu đồng cho người nghèo và học sinh của xã; phối hợp bàn giao 23 căn nhà thuộc Dự án 33 của Chính phủ tại thôn 5.

Nỗ lực vượt khó

Lãnh đạo UBND xã cho rằng, thiếu vốn dẫn đến việc đầu tư cho giáo dục, xây dựng nông thôn mới cũng gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất của một số trường học xuống cấp nhưng chưa có kinh phí sửa chữa, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Hiện trường mầm non, phòng học không thiếu so với nhu cầu nhưng đã xuống cấp, ảnh hưởng đến điều kiện chăm sóc các cháu. Các trường tiểu học, THCS thiếu phòng học, phòng chức năng và trang thiết bị phục vụ học tập. Kinh tế nhiều hộ khó khăn, nhất là vùng đông đồng bào DTTS đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học. Hiện Đồng Nai mới đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới. Việc thực hiện những tiêu chí khó như giao thông, nhà văn hóa rất gian nan. Xã đã triển khai kế hoạch làm 700m đường láng nhựa tại khu dân cư thôn 6 và 500m đường bê tông nội đồng khu dân cư thôn 3 với tổng kinh phí dự kiến 869 triệu đồng; triển khai kế hoạch xã hội hóa tu sửa những nhà văn hóa xuống cấp và đường điện chiếu sáng...

Chỉ còn 4 tháng để thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ của năm 2017. Trước thực tế khó khăn đó, Đảng ủy xã đã có nghị quyết với quyết tâm cao nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. UBND xã tranh thủ mọi nguồn lực, động viên nhân dân, tiếp tục triển khai các nguồn vốn đầu tư thuộc các chương trình, dự án cho hộ nghèo. Tạo điều kiện để người dân tiếp cận các vốn vay phát triển sản xuất, chăn nuôi, giải quyết việc làm, tạo thu nhập... Tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, ngành, giúp xã theo dõi và chỉ đạo phòng trừ dịch hại trên cây điều nói riêng và cây trồng trên địa bàn nói chung. Phấn đấu vượt qua khó khăn, giảm hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trong xã.

Tuyết Ly

  • Từ khóa
93352

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu