Thứ 3, 16/04/2024 16:00:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 17:38, 27/03/2011 GMT+7

Doanh nghiệp chế biến hạt điều “đói” nguyên liệu

Chủ nhật, 27/03/2011 | 17:38:00 451 lượt xem

Theo các doanh nghiệp chế biến hạt điều, những năm trước, vào thời điểm trước Tết Nguyên đán là đã có nguyên liệu “lai rai” để sản xuất. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, nên vụ thu hoạch điều trễ khoảng 2 tháng, ước đến cuối tháng 4 mới bước vào vụ thu hoạch rộ nên các nhà máy đều “đói” nguyên liệu phải nằm chờ. Không những vậy, do diện tích đất trồng điều trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm, năng suất và chất lượng chưa cao nên bước vào vụ sản xuất, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong khâu thu mua nguyên liệu.

Mang lại kim ngạch lớn từ chế biến hạt điều xuất khẩu

Theo báo cáo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh năm 2010, diện tích điều giảm toàn tỉnh chỉ còn khoảng gần 160 ngàn ha, trong đó diện tích cho sản phẩm hơn 144 ngàn ha với sản lượng chỉ đạt trên 190 ngàn tấn điều thô. Toàn tỉnh hiện có 297 doanh nghiệp thu mua và chế biến hạt điều với công suất nhân thành phẩm hơn 47.000 tấn/năm và hàng trăm cơ sở chế biến nhỏ lẻ công suất dưới 1.000 tấn/năm. Các doanh nghiệp kinh doanh thu mua và chế biến hạt điều lớn đều có địa điểm ở các địa bàn trong tỉnh, ngoài tỉnh để trực tiếp thu mua điều thô từ người dân. Tuy nhiên, nhiều năm qua các doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều chỉ hoạt động khoảng 50-60% công suất, do sản lượng hạt điều không đáp ứng được năng lực sản xuất. Từ nguồn nguyên liệu khan hiếm, nên giá đầu vào tăng, hiện giá hạt điều thô nhập kho tăng lên khoảng 32.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010. Bên cạnh giá nguyên liệu tăng, lãi suất ngân hàng hiện đang ở mức cao, nên các doanh nghiệp gặp khó khi vay vốn để thu mua nguyên liệu. Bà Nguyễn Thị Mỵ, Giám đốc Công ty cổ phần Hà Mỵ - một trong những doanh nghiệp chế biến hạt điều xuất khẩu quy mô lớn của tỉnh, cho biết: “Với giá nguyên liệu hiện nay, phần lớn các điểm thu mua đang “ngần ngại” chưa triển khai thu mua quy mô. Đa số nhà máy chế biến hạt điều thường thiếu vốn lưu động mà phải vay ngân hàng, nên các doanh nghiệp phải tính toán để tránh rủi ro. Chưa kể những chi phí đầu vào khác như giá điện, giá thuê nhân công, giá vật tư cũng “kéo” nhau tăng làm doanh nghiệp gặp khó”.

Máy bóc tách vỏ lụa nhân hạt điều hiện đại được Công ty cổ phần Sơn Long
(Phước Long) nhập về chờ có nguyên liệu để hoạt động

Khó khăn lớn nhất của ngành điều hiện nay là thiếu nguồn nguyên liệu điều thô cho chế biến xuất khẩu. Mặt khác, do trồng điều không kinh tế nên nhiều hộ gia đình đã phá bỏ vườn điều để chuyển sang trồng cao su, làm cho diện tích điều giảm. Những năm gần đây, diện tích cây điều mỗi năm một giảm, cả nước từ 450.000 tấn/năm (cao nhất) vào năm 2006, nay chỉ còn khoảng 350.000 tấn/năm và chắc chắn sản lượng này sẽ còn giảm nữa. Thời gian qua, các doanh nghiệp chế biến điều thường mạnh ai nấy làm, không chú trọng phát triển vùng nguyên liệu bền vững. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chế biến điều đứng bên bờ vực phá sản khi giá nguyên liệu bị đẩy lên quá cao. Để chủ động nguồn nguyên liệu thô cho các nhà máy chế biến điều xuất khẩu, ngoài việc tập trung đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu trong nước, ngành điều cần hướng đến việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu với Campuchia và Lào để hình thành vùng nguyên liệu chung ba nước. Đó cũng là một trong những chương trình trọng điểm mà các địa phương vùng Đông Nam bộ đã đề ra để thực hiện trong những năm tới. Hiện nay, cả nước vẫn còn 2/3 diện tích vườn điều là giống cũ, còn quảng canh, chưa được cải tạo; việc đầu tư để tăng nhanh năng suất trong giai đoạn tới đang là một thách thức lớn. Ở tỉnh Bình Phước nói riêng cần đẩy mạnh công tác thực hiện đề án chuyên canh phát triển vùng nguyên liệu điều, hướng đến tuyển chọn, lai tạo và đưa vào sản xuất nhiều giống điều cho năng suất cao, đồng thời, cải tạo vườn điều cũ năng suất thấp bằng giống mới, xây dựng quy trình trồng và chăm sóc cây Điều theo hướng thâm canh tăng năng suất chất lượng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác cây… Về tổ chức sản xuất: đặt các điểm thu mua hạt điều ở các xã có diện tích nhỏ, phân tán, cơ sở chế biến nhân hạt điều cần có các hình thức hợp tác thích hợp với các hộ trồng điều tạo nguồn nguyên liệu ổn định.

T.Mảng

  • Từ khóa
91692

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu