Thứ 6, 29/03/2024 20:24:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:35, 13/02/2016 GMT+7

Vườn quốc gia Bù Gia Mập - khu rừng vàng của đất nước

Thứ 7, 13/02/2016 | 06:35:00 2,080 lượt xem
BP - Những ngày cuối năm, cái nắng của mùa khô đã bắt đầu trải vàng trên mọi vùng quê, chúng tôi lên Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập. Khi mà rừng nguyên sinh trên địa bàn tỉnh không còn nhiều thì VQG Bù Gia Mập trở thành địa bàn phải luôn được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Cùng ăn, cùng ngủ, chúng tôi cảm nhận được khó khăn, phức tạp và gian nan của những người đang ngày đêm canh giữ khu rừng vàng cho đất nước.

QUÝ HƠN VÀNG

Theo các nhà khoa học, tài nguyên rừng ở VQG Bù Gia Mập hiện còn quý hơn vàng. Bởi lẽ hiện cả vùng Đông Nam bộ chỉ nơi đây là khu rừng có mức độ đa dạng sinh học rất cao. VQG Bù Gia Mập là nơi bảo tồn nguồn gen quý hiếm của các loài động, thực vật; các mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm, đặc trưng cho sự chuyển tiếp từ vùng Tây Nguyên xuống vùng Đông Nam bộ. Đây còn là nơi bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn cho hồ chứa nước của các công trình thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn và Srok Phu Miêng; phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, công tác bảo tồn, đào tạo nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái...

Chà vá chân đen - một trong những loài thú quý hiếm ở VQG Bù Gia Mập

Với tổng diện tích 25.788,6 ha, VQG Bù Gia Mập là nơi có nhiều loài động, thực vật có giá trị của Việt Nam và thế giới. Thống kê tại vườn, 17 loài thực vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 19 loài thực vật nằm trong Sách đỏ thế giới, như: gõ đỏ, cẩm lai, trầm hương, giáng hương. Về động vật, với 36 loài thú có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 32 loài có tên trong Sách đỏ thế giới như: voi, báo hoa mai, bò tót, gấu, sói đỏ, chà vá chân đen, vượn đen má vàng, khỉ mặt đỏ, cu li... Chim có 10 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 5 loài có tên trong Sách đỏ thế giới. Những con số trên cho thấy sự phong phú về các loài động, thực vật ở VQG Bù Gia Mập; đồng thời khẳng định tầm quan trọng của một khu rừng nguyên sinh trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

NỖ LỰC BẢO VỆ RỪNG

Những năm trước đây, VQG luôn bị kẻ xấu xâm hại, chủ yếu là khai thác trộm gỗ quý, săn bắt động vật hoang dã và một số nơi bị người dân lấn chiếm đất làm rẫy. Sau 13 năm thành lập (27-11-2002 - 27-11-2015), đến nay VQG Bù Gia Mập đã cơ bản chấm dứt tình trạng này. Ban quản lý vườn vui mừng cho chúng tôi biết, năm nay trên địa bàn không xảy ra vụ việc vi phạm nào. Có được kết quả như vậy là nhờ sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, nhân viên vườn, đơn vị kiểm lâm và đặc biệt là các tập thể cư dân, quân đội nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng.

Phòng chống cháy rừng trong vùng lõi VQG Bù Gia Mập

Hiện nay, vườn có 10 trạm kiểm lâm, trạm xa nhất giáp huyện Tuy Đức (Đắk Nông), cùng các chốt tạm thời bảo vệ những khu vực rừng dễ bị tổn thương, 1 tổ kiểm lâm cơ động, với tổng số cán bộ, nhân viên của Hạt kiểm lâm là 60 người. Ngoài ra còn có khoảng 300 người dân tham gia bảo vệ rừng đóng ở 10 chốt. Trang thiết bị phục vụ tuần tra phòng, chống cháy rừng đã được đầu tư khá đầy đủ như: máy định vị, xe chữa cháy rừng, hồ chứa nước. Hệ thống đường giao thông phục vụ tuần tra bảo vệ rừng được xây dựng khá hoàn chỉnh. Đường ranh giới của toàn bộ rừng cấm đã được xác lập rõ ràng, góp phần thuận lợi cho tuần tra, bảo vệ. Vườn đã xây dựng dự án di dời và ổn định dân trong vùng lõi. Từ dự án này, đã tạo điều kiện ổn định về đất canh tác cho 212 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với diện tích 294 ha.

Với lực lượng đủ mạnh như hiện nay đã đáp ứng được công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ vậy, số vụ vi phạm về khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã ở VQG năm sau giảm so với năm trước cả về số vụ và mức độ vi phạm. Từ năm 2012 đến nay, vi phạm về lâm luật giảm đáng kể, chủ yếu các vụ nhỏ lẻ xâm nhập rừng trái phép và đã được ngăn chặn kịp thời. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được vườn đặc biệt quan tâm. Năm 2004 và 2005, xảy ra các vụ cháy rừng trên diện rộng tới 40 ha, năm 2009 xảy ra 1 vụ trên diện tích 2 ha nhưng những năm gần đây nhờ làm tốt phòng cháy, chữa cháy nên các vụ cháy đã được phát hiện, khoanh vùng và dập tắt kịp thời, không ảnh hưởng đến rừng.

VƯỢT QUA KHÓ KHĂN

Từ năm 2003 đến nay, VQG đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư và các lực lượng vũ trang, đồn biên phòng. Năm 2003, diện tích giao khoán 2.600 ha và chỉ có 2 đơn vị tham gia, đến nay diện tích giao đã là 25 ngàn ha với 13 đơn vị nhận khoán. Số hộ nhận khoán có thu nhập bình quân từ 1,7-2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, theo chương trình hỗ trợ của Chính phủ, hằng năm, cộng đồng các thôn vùng đệm của vườn được trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng để tu sửa nhà văn hóa, mua cây - con giống phát triển mô hình sản xuất tập thể.

Trạm kiểm lâm số 9 tại Đắk Bô, thuộc Hạt kiểm lâm VQG Bù Gia Mập

Đến tham quan và tìm hiểu tại VQG Bù Gia Mập, chúng tôi nhận thấy, đời sống của những người giữ rừng nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Họ thường xuyên phải sống và làm việc trong rừng nên bệnh sốt rét và các bệnh do côn trùng xâm hại vẫn còn, ảnh hưởng đến sức khỏe rất lớn. Phó giám đốc VQG Bù Gia Mập Vương Đức Hòa vạch áo cho chúng tôi xem dày đặc các nốt do ve rừng cắn khi anh đi tuần tra cùng anh em. Một kiểm lâm viên cho biết, vắt thì không đáng sợ, nếu gặp trúng một ổ ve cám coi như mấy tháng liền không chịu nổi các vết cắn của chúng. Vùng da bị ve cắn không thể nào lành, thỉnh thoảng lại tái phát ngứa ngáy rất khó chịu.

Bí thư chi bộ, Phó giám đốc VQG Bù Gia Mập Cao Ngọc Long cho rằng: Hiện nay do đời sống kinh tế người dân vùng đệm còn gặp rất nhiều khó khăn. Trình độ canh tác, sản xuất của nhân dân lạc hậu, hầu hết chỉ độc canh cây điều, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu nên khi mất mùa, họ lâm vào cảnh thiếu đói, từ đó phải vào rừng kiếm sống. Đây là một trong những khó khăn của đơn vị phải tìm cách giải quyết. Những năm qua, VQG đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đồng thời phối hợp với địa phương hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, nhờ làm tốt tuyên truyền, nhiều đoàn viên, thanh niên là đồng bào dân tộc thiểu số đã hăng hái xung phong vào các tổ nhận khoán. Từ đó, lực lượng này được trẻ hóa, có sức khỏe, đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Anh Điểu Dương, một thành viên tổ nhận khoán thôn Bù Lư, xã Bù Gia Mập cho biết, khi đi tuần tra, nếu gặp trường hợp vi phạm, chúng tôi có biện pháp xử lý kịp thời. Bảo vệ rừng để rừng nuôi lại mình nên phải làm hết trách nhiệm.

Quản lý, bảo vệ tốt VQG Bù Gia Mập là bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá cho đất nước. Đó là nhiệm vụ, đồng thời cũng là trọng trách lớn lao của những người giữ rừng nơi đây. Mặc dù còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng cán bộ, nhân viên của vườn, hạt kiểm lâm và các tổ nhận khoán hiểu rất rõ công việc của mình trước khu rừng quý hơn vàng của quốc gia. Với những thành tích đạt được, năm 2013, VQG Bù Gia Mập vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Nhiều năm liền vườn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh tặng bằng khen, cờ thi đua. Giám đốc vườn vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Hà Thanh

  • Từ khóa
46724

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu