Thứ 6, 29/03/2024 01:07:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:57, 03/03/2018 GMT+7

Vững vàng nơi gian khó

Thứ 7, 03/03/2018 | 07:57:00 1,600 lượt xem

BP - “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây, súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống...”. Xin phép được mượn những lời thơ trong bài Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng để nói về đường đến Đồn biên phòng Đắc Bô, Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước và những người lính nơi đây. Từ trung tâm huyện Lộc Ninh, con đường tuần tra biên giới hơn 150km quanh co, gập khúc, lúc lên cao, lúc đổ dốc thăm thẳm, bên núi cao, bên vực sâu đã dẫn chúng tôi đến nơi đóng quân của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắc Bô, địa điểm cuối cùng của biên giới Bình Phước tiếp giáp tỉnh Đắk Nông.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắc Bô tích cực tăng gia sản xuất

 

Lọt thỏm trong cánh rừng già của Vườn quốc gia Bù Gia Mập, mái nhà tạm đơn sơ ghép bằng những mảnh gỗ và tấm tôn mỏng hiện lên trước mắt chúng tôi. Vừa thấy có khách, Thượng tá Phạm Văn Đoàn, Đồn trưởng Đồn biên phòng Đắc Bô vồn vã ra bắt tay, chào hỏi. Qua câu chuyện anh cho biết, đồn thành lập từ năm 2004, ngoài nhiệm vụ quản lý và bảo vệ 20,5km đường biên giới, hệ thống 12 cột mốc phụ, đơn vị còn được giao nhiệm vụ bảo vệ 1.200 ha rừng thuộc Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Vì vậy, việc tổ chức các buổi tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Đơn vị còn phối hợp các lực lượng chức năng trong bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia. Vì đoạn biên giới đơn vị quản lý, bảo vệ nằm trong rừng thuộc Vườn quốc gia Bù Gia Mập nên việc tuần tra không ít gian truân. “Ở đây chỉ có lối mòn nhỏ vào các cột mốc, cọc dấu, chứ đi tuần tra dọc biên giới là phải “chẻ” rừng mà đi. Mỗi lần đi tuần đều phải dựa vào 3 yếu tố là kinh nghiệm, bản đồ giấy và bản đồ phương vị cài sẵn trong điện thoại” - Đại úy Nguyễn Hữu Chính, Đội trưởng Đội kiểm soát hành chính cho biết.

“Đề nghị các đồng chí tắt hết các thiết bị sử dụng điện nhé” - tiếng của Trung úy Võ Quốc Tường, nhân viên thông tin vang lên. Đồn trưởng Đoàn tếu táo với chúng tôi: Đến giờ của “ngài” rồi đấy. Đồn biên phòng Đắc Bô cũng như các đồn biên phòng tuyến biên giới Bù Gia Mập đều chưa có điện lưới. Mặc dù có chạy máy phát điện, sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời song vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Khi cần in văn bản hoặc thu, phát thông tin, cơ yếu đều phải tắt tất cả thiết bị sử dụng điện để ưu tiên công việc chính. Nhiều hôm đang ăn cơm thì điện tắt, anh em phải dùng tạm ánh sáng của điện thoại để tiếp tục bữa cơm.

Câu chuyện đang dở thì một chiến sĩ trẻ chạy tới báo cáo sự việc. Đồn trưởng Đoàn nhanh chóng bước vào căn phòng của một cán bộ. Quân y đang chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. “Sốt rét em à. Ở đây vẫn còn sốt rét nhiều lắm, nhất là thời điểm giao mùa” - Đồn trưởng Đoàn giải thích với chúng tôi. Vừa chăm sóc đồng đội đang lên cơn sốt rét, Trung úy Cao Văn Phương, nhân viên quân y chia sẻ: Để chống chọi với sốt rét, ngoài thường xuyên ăn nhiều rau xanh, ớt, tỏi, ngủ mùng, anh em trong đơn vị luôn tích cực hoạt động thể lực như tăng cường thể dục thể thao, tăng gia sản xuất. Càng hoạt động nhiều, càng đổ mồ hôi thì càng đỡ phát bệnh, nếu phát bệnh cũng nhanh khỏi. Thấy vẻ e ngại của tôi, Đồn trưởng Đoàn cười: “Khó khăn không chỉ vậy đâu em. Còn nhiều...”. Chỉ vào những vết thương trên cánh tay, anh Đoàn giải thích: “Ve cám đốt đấy. Mùa khô ve cám nhiều lắm, ở đây chẳng có ai không có vết ve đốt nhưng được cái đi lại thì dễ dàng. Còn mùa mưa khó khăn hơn bởi cây cối um tùm, đường trơn trượt, lại thêm muỗi và vắt nhiều”.

Để minh chứng thêm về đảm bảo nguồn rau xanh, Thượng tá Phạm Văn Đoàn dẫn chúng tôi đi ra con suối trước cổng đồn. Đi chừng 500m thì hiện lên trước mắt tôi là vườn rau xanh mướt. “Mùa mưa nước suối dâng cao, diện tích trồng rau ít chứ mùa này thì vô tư, đầy đủ loại rau, đơn vị ăn không hết...” - Đồn trưởng Đoàn tự hào khi giới thiệu về vườn rau của đơn vị. Thật vậy, theo quan sát của chúng tôi, trong vườn có đầy đủ các loại rau dền, bầu, bí, rau ngót, dưa leo và cả loại rau khó trồng như xà lách. Chính dòng nước của con suối Đắk Bô mang phù sa bồi đắp cho vườn rau xanh mướt. Con suối cũng cung cấp nguồn nước sinh hoạt, ăn uống của cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Gặp một chiến sĩ đang nhổ cỏ trong vườn rau, tôi lại gần bắt chuyện. Đó là binh nhất Hồ Anh Tuấn (1990), nhà ở Lộc An (Lộc Ninh). Tuấn cười tươi: “Cũng đôi lần dính sốt rét, nhưng em vẫn quyết tâm bám trụ lại đây. Ở đây cán bộ, chiến sĩ coi nhau như anh em ruột thịt. Các chú, các anh gần gũi, động viên, cùng chia buồn, chia vui. Thấy được khó khăn, vất vả thì em lại càng cố gắng thực hiện thật tốt nhiệm vụ được giao để gia đình tự hào về em”.

Nói chuyện với các anh, hiểu thêm về cuộc sống của người lính nơi rừng sâu này, tôi càng thêm khâm phục. Ở nơi xa trung tâm lại không điện, không nước, anh em luôn phải đối mặt với những cơn sốt rét rừng, với những vết thương do ve cám, vắt cắn để lại. Thế nhưng vượt lên tất cả các anh vẫn hiên ngang vững tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Tổ quốc.

Hồng Ánh

  • Từ khóa
4246

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu