Thứ 5, 25/04/2024 18:36:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 07:58, 18/09/2018 GMT+7

Vùng biển chịu nhiều gió bão

Thứ 3, 18/09/2018 | 07:58:00 237 lượt xem
BP - Trong các vùng biển của Việt Nam thì khu vực biển Đông Bắc là vùng có mùa đông lạnh, chịu nhiều gió bão nhưng lại mang đậm những dấu ấn lịch sử trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Vùng biển này kéo dài từ tỉnh Quảng Ninh đến đèo Ngang (Quảng Bình), trong đó có biển Vịnh Bắc bộ. Từ các điểm tương đồng, vùng biển này được chia thành 2 khu vực, từ Quảng Ninh đến Ninh Bình và từ Ninh Bình đến đèo Ngang.

TỪ QUẢNG NINH ĐẾN NINH BÌNH

Đây là vùng biển có rất nhiều đảo gần bờ, nhất là tỉnh Quảng Ninh. Từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Đồ Sơn (Hải Phòng) bờ biển chạy theo hướng đông bắc - tây nam, địa hình chia cắt khá phức tạp. Trong khu vực vịnh có khoảng 2.300 đảo đá ven bờ, trong đó có 26 đảo lớn. Đặc biệt là quần đảo Cát Bà có tổng diện tích 34.531 ha và quần đảo Cô Tô với tổng diện tích 3.850 ha. Đảo Bạch Long Vĩ là đảo lớn nhất và cách đất liền khoảng 110km. Phần ven lục địa, đáy biển bằng phẳng, thường có các bãi triều và rừng ngập mặn. Chất đáy vùng biển Móng Cái là bùn nhuyễn; vùng ngang khu vực Cửa Ông - Hòn Gai (Quảng Ninh) là cát nhỏ lẫn vỏ sò, đá sỏi; ven bờ từ cửa Bạch Đằng đến Ninh Bình là bùn phù sa. Vùng quanh các đảo có nhiều rạn đá với tổng diện tích khoảng 260km2, trong đó tập trung nhiều nhất ở Quảng Ninh.

Trong vùng biển này có Vịnh Bắc bộ, là một trong những vịnh lớn ở Đông Nam Á và thế giới, có diện tích khoảng 126.250km2. Vịnh do bờ biển của Việt Nam và Trung Quốc bao bọc, gồm bờ biển đông bắc Việt Nam, bờ biển phía nam tỉnh Quảng Tây, bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam (Trung Quốc). Chiều dài bờ biển phía Việt Nam khoảng 763km, còn phía Trung Quốc khoảng 695km. Vịnh có 2 cửa thoát là eo biển Quỳnh Châu nằm giữa bán đảo Lôi Châu - đảo Hải Nam và cửa chính của vịnh từ đảo Cồn Cỏ (Việt Nam) tới mũi Oanh Ca (đảo Hải Nam). Năm 2000, Việt Nam và Trung Quốc chính thức ký hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa và Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc bộ tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Để có được kết quả này, đàm phán Vịnh Bắc bộ đã kéo dài 27 năm với 5 cuộc đàm phán và rất nhiều thăng trầm trong quan hệ 2 nước.

BIỂN TỪ NINH BÌNH ĐẾN QUẢNG BÌNH

Bờ biển khu vực này chạy theo hướng gần Bắc - Nam, bờ cát thoai thoải dạng vòng cung. Phía ngoài bờ rải rác có các đảo đá phiến, đá hoa cương như Hòn Nẹ, Hòn Mê, Hòn Mắt, Hòn La, Hòn Nồm. Đường đẳng sâu 20m chạy cách bờ 3-5km, nhiều nơi chạy sát chân các mũi đá nhô ra. Khu vực này thích hợp với các loài hải sản ưa sống vùng cát, hang hốc và san hô. Vùng biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình thuộc chế độ nhật triều không đều với biên độ triều lớn khoảng 3-4m. Khu vực Thanh Hóa thuộc chế độ nhật triều không đều, biên độ thủy triều kỳ nước cường trung bình là 2,6m. Khu vực Nghệ An đến Quảng Bình có chế độ nhật triều không đều với biên độ lúc triều cường trung bình từ 2,9-3m.

Đặc biệt, vùng biển này thường phải chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới hình thành từ biển Đông và Thái Bình Dương. Thống kê cho thấy, trong hơn 120 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ vào miền Bắc 40 năm gần đây có 32 cơn đổ bộ vào Hải Phòng, Quảng Ninh (chiếm 24,1%), 65 cơn đổ bộ vào Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (chiếm 51,4%). Vịnh Bắc bộ còn phải chịu ảnh hưởng khá mạnh của các đợt gió mùa đông bắc kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, mỗi đợt thường từ 5-7 ngày, gây ra biển động, sóng lớn. Thời kỳ giao thoa giữa 2 mùa gió, vào khoảng tháng 4-6 biển lặng, thuận lợi cho nghề khai thác đánh bắt hải sản nhưng thời điểm này trên biển cũng thường xuất hiện những cơn giông cục bộ gây ra gió mạnh, rất nguy hiểm cho tàu đánh cá.

Trải 4.000 năm lịch sử, vùng biển Đông Bắc nói riêng và biển đảo Việt Nam nói chung luôn gắn bó mật thiết với mọi hoạt động sản xuất, đời sống của nhân dân ta. Ngày nay cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang hướng mạnh về biển để tăng cường tiềm lực kinh tế. Đây là hướng đi đúng đắn, bởi lẽ biển Việt Nam chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn. Vị trí chiến lược của biển nước ta là nhân tố đặc biệt của sự phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh.(*)

Đức Hồng
(*) Bài viết sử dụng tư liệu nguồn PetroTimes   

  • Từ khóa
111349

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu