Thứ 6, 29/03/2024 22:13:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:53, 23/09/2016 GMT+7

Vua sáng, ắt có tôi hiền

N.D
Thứ 6, 23/09/2016 | 14:53:00 273 lượt xem

BP - Cũng trong chuyên mục này, ở kỳ trước đã nhắc đến chuyện gặp bất ngờ giữa vua Trần Anh Tông và nho sinh Đoàn Nhữ Hài. Sau khi hiểu rõ sự tình của nhà vua lúc đó, Đoàn Nhữ Hài cùng với nhà vua chèo thuyền về Thiên Trường. Dọc đường Đoàn Nhữ Hài làm tờ biểu dài 2.000 chữ tạ tội. Nhưng thượng hoàng vẫn còn giận, không cho vào. Hai người phải quỳ ở ngoài. Các quan liếc nhìn tờ biểu, thấy văn hay truyền nhau đọc. Thượng hoàng nghe được hỏi: Văn ở đâu mà hay như vậy?

Nghe vậy, các quan tâu rằng đó là bài biểu tạ tội của nhà vua. Lúc đó, thượng hoàng mới cho truyền: Đưa vào đây! Ý thượng hoàng muốn nói rằng đưa bài biểu vào, nhưng các quan hiểu lầm đưa cả vua và Đoàn Nhữ Hài cùng vào. Thượng hoàng thấy sự đã rồi, đành tiếp biểu xem, thấy lời văn điêu luyện, thống thiết, bèn xá tội cho vua Trần Anh Tông. Ngài phán rằng: Ta đang cần một thiếu niên anh tài phụ tá cho con ta. Nay gặp tiên sinh tại đây thực là may mắn.

Sau đó, Đoàn Nhữ Hài trình bày việc gặp hòa thượng ở chùa Diên Hựu, được hòa thượng đoán trước sự việc. Nghe xong, thượng hoàng phán: Khoa tử vi do Hoàng Bính truyền sang Đại Việt, khoa này đâu có truyền ra ngoài dân dã? Hòa thượng xem tử vi cho tiên sinh chính thị là sư phụ của ta, tức Tuệ Trung Thượng Sĩ đó. Đoàn Nhữ Hài nghe xong hoảng sợ, nghĩ mình nếu gây với hòa thượng thì ốm đòn rồi! Bởi Tuệ Trung là một võ học danh gia đời Trần. Sau đó, thượng hoàng hỏi số của Đoàn Nhữ Hài rồi phán: Số của tiên sinh đúng là số của bậc tể thần. Sau này làm nên sự nghiệp hiển hách. Nhưng tiếc rằng đào hồng cư nô thì thế nào cũng xảy ra một chuyện bất chính trong tình trường, lại thêm tham hình nữa thì thế nào cũng vì má đào mà sự nghiệp tan vỡ, chết vì nghiệp tình, đáng tiếc thay!

Vua Trần Anh Tông nghe vậy thì tâu rằng: Nhi thần nghe nói căn cứ vào khoa tử vi có thể cải được số mệnh. Nhi thần thỉnh cầu phụ hoàng có cách nào cứu được Đoàn tiên sinh không? Nghe xong, thượng hoàng bèn xé tờ bìa cuốn Kinh Kim Cương viết mấy chữ: Tứ Đại Giai Không, miễn tử rồi trao cho Hài. Tứ đại giai không là 4 chữ lấy trong Kinh Kim Cương: Vô nhân tướng, vô ngã tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng. Tứ đại giai không có nghĩa là không có hình tượng của người, của ta, của chúng sinh, không có cái gì lâu dài cả. Bốn cái đều là hư ảo.

Thượng hoàng phán: Ta xem số thấy cái vạ vì má đào của tiên sinh sắp tới. Nay ta trao cho tiên sinh mảnh giấy này, khi bị nạn có thể dùng nó để cứu mạng. Muốn giải nạn hồng đào hình tham thì phải dùng đến quyền. Nay ta viết chữ miễn tử tức là dùng quyền rồi, phụ với hóa quyền đồng cung với tham lang. Muốn giải hạn thiên hình thì phải dùng không vong. Ta dùng bìa cuốn Kinh Kim Cương, tức là dùng cái không của đạo Phật. Như vậy mong có thể cứu được tiên sinh.

Trở về Thăng Long, vua Trần Anh Tông phong cho Đoàn Nhữ Hài làm Ngự sử Trung tán. Đây là lần đầu tiên một người không đỗ đạt gì, mới 20 tuổi đã được làm Ngự sử Trung tán. Vì thế, người thời đó ganh ghét có làm thơ diễu rằng miệng của Trung tán Đoàn Nhữ Hài còn hôi sữa! Ba năm sau tiểu vận của Đoàn Nhữ Hài vào cung Tý gặp đào hồng tham quyền, thiên thương tại cung Nô, triều đình khám phá ra mối tình của Đoàn Nhữ Hài với một cung nữ của vua Trần Anh Tông. Thời đó, khi ngoại tình xảy ra thì gian phu bị tử hình, dâm phụ tùy người chồng tha hay không. May nhờ có thủ bút của thượng hoàng viết trên bìa cuốn Kinh Kim Cương nên cả 2 đều được miễn tử. Về sau, vua Trần Anh Tông đã truyền gả cung nữ cho Đoàn Nhữ Hài.

Lời bàn:

Từ thượng cổ cho đến ngày nay, muốn nhận xét, đánh giá đúng về một con người thì thực sự phải dựa vào việc làm của họ. Nhưng để chọn ra người có thể đảm đương được những công to việc lớn trong tương lai, một thủ lĩnh cần phải có “con mắt xanh” để nhận biết rõ “anh hùng đoán giữa trần ai”. Đó không phải cách nhìn vu vơ hay vô cớ, mà là trên cơ sở những cảm nhận ban đầu qua câu nói, cách ứng xử đời thường. Với Thượng hoàng Trần Nhân Tông lại còn có cái nhìn khác người ở chỗ ông thấy rõ được hậu vận của người mình cần dùng, để rồi có giải pháp khắc phục cái nhược của Đoàn Nhữ Hài về sau. Và chính vì những vị minh quân thời Trần như vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông... đã có được “con mắt xanh” tinh đời, vì thế mà dưới thời họ trị vì, nhiều anh hùng cùng những nhân sĩ tài ba đã quy tụ về triều đình, góp phần làm nên sự nghiệp hiển hách.

Thế nhưng, cổ nhân có câu rằng “Người định nhưng còn trời quyết”. Với Đoàn Nhữ Hài vì nhờ có bút tích của Thượng hoàng Trần Nhân Tông mà ông thoát tội chết, nhưng sau đó không lâu thì ông lại bị tử trận bởi quân Ai Lao. Ngày nay, tại nơi ông tử trận, nhân dân địa phương đã lập đền thờ gọi là đền Cửa Rào, thuộc xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Và di tích lịch sử - văn hóa đền Pu Nhạ Thầu, thuộc xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn cũng là nơi nhân dân địa phương thờ Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài. Tương truyền, đây là vị trí ông chọn làm đại bản doanh, nơi luyện tập binh sĩ, tập kết quân - lương và quan sát sự di chuyển của quân giặc. Thế mới hay rằng, nhân dân ta thật công bằng, thủy chung với những con người yêu nước, thương dân, sẵn sàng xả thân vì sự an nguy của đất nước, vì cuộc sống của muôn dân!  

  • Từ khóa
109838

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu