Thứ 6, 29/03/2024 12:12:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:44, 01/08/2015 GMT+7

Vua phải “ngơ ngác”

Thứ 7, 01/08/2015 | 13:44:00 141 lượt xem

BP - Theo sách “Dư địa chí Thừa Thiên Huế”, bà Huyện Thanh Quan có tên thật là Ngô Thị Hinh (các tài liệu trước đây ghi là Nguyễn Thị Hinh), quê làng Nghi Tàm, huyện Từ Liêm, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội. Bà kết duyên với ông Lưu Nguyên Ôn (Lưu Nghi), người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, làm Tri huyện Thanh Quan (nay là huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) thời nhà Nguyễn, nên bà thường được gọi theo chức vụ của chồng là bà Huyện Thanh Quan.

Cho đến nay, dân gian vẫn lưu truyền giai thoại giữa vua Minh Mạng với người phụ nữ nổi tiếng đương thời, đó là bà huyện Thanh Quan về một chiếu chỉ của ông. Trong thời kỳ làm Cung Trung Giáo tập, bà Thanh Quan do tài làm thơ và đức độ dạy học nên rất được hoàng đế Minh Mạng tin dùng, quý mến. Vì thế, bà thường được nhà vua đàm luận thơ văn.

Theo giai thoại văn học Việt Nam của Hoàng Ngọc Phách, nhân dịp chúc mừng một vị quan lớn của triều đình, vua Minh Mạng ban ơn bằng cách viết tặng hai chữ đại tự theo nghệ thuật thư họa. Viết xong, nhà vua đưa cho bà Huyện Thanh Quan và hỏi: Được không? Ngắm nét chữ “rồng bay phượng múa” của nhà vua, bà Huyện Thanh Quan trả lời: Tâu bệ hạ, phúc tối hậu, thọ tối trường (nghĩa là phúc rất dày, thọ rất dài).

Ban đầu, vua hơi ngơ ngác vì không hiểu ý nhưng sau khi nhìn kỹ lại, ông bèn mỉm cười gật đầu. Thì ra nhà vua đã viết chữ Phúc béo phục phịch và chữ Thọ lại dài lêu khêu. Bà Huyện Thanh Quan tuy ngầm ý chê chữ viết của Minh Mạng nhưng lời chê thật khéo léo và văn vẻ.

Cùng hôm đó, theo sách chuyện kể chuyện các vua Nguyễn, hoàng đế Minh Mạng có bộ chén kiểu của Trung Quốc mới đưa sang, chén vẽ sơn thủy Việt Nam và có đề thơ Nôm cũng như một số đồ sứ kiểu thời đó, nên vua đưa khoe với những người xung quanh. Mọi người đã yêu cầu bà Huyện Thanh Quan làm một bài thơ chữ Nôm. Bà làm ngay hai câu thơ rằng: Như in thảo mộc trời Nam lại; Đem cả sơn hà đất Bắc sang. Nghe xong, vua Minh Mạng đã rất thích thú với lời thơ của bà Huyện Thanh Quan.

Trong cuốn sách “Mười phụ nữ huyền thoại Việt Nam”, còn có thêm vài cuộc đối đáp, đàm luận thi phú giữa bà Huyện Thanh Quan với vua Minh Mạng.

Và chuyện kể lại rằng, lúc ông huyện Thanh Quan (Lưu Nghi) đi vắng, có một cô gái tên là Nguyễn Thị Đào đã đệ đơn lên trình bày rằng chồng đã ruồng bỏ cô để xin được ly dị, lấy chồng khác. Vì thương cảm cô gái nên bà Huyện Thanh Quan đã thay chồng phê đơn bằng mấy câu thơ: Phó cho con Nguyễn Thị Đào; Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai? Chữ rằng: Xuân bất tái lai; Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già! Biết được chuyện này, chồng cô Đào kiện quan trên. Quan trên ăn của đút nên đã giáng chức ông huyện Thanh Quan.

Cũng với chuyện “xử án”, một ông đỗ hương cống tới xin mổ trâu để làm giỗ cha. Lúc bấy giờ, triều đình đã ban lệnh hạn chế mổ trâu, để phát triển việc canh nông. Cảm động trước hiếu hạnh của ông này mà chồng thì đi vắng, bà Huyện Thanh Quan đã cầm bút phê vào đơn câu thơ: Người ta thì chẳng được đâu; Ừ thì ông Cống làm trâu thì làm.

Biết rõ là bà huyện dùng chữ nghĩa để lỡm mình, nhưng vì được việc nên ông cũng vui vẻ ra về.

Lời bàn:

Ngày nay, thơ của bà Huyện Thanh Quan để lại được chính thức công nhận có 6 bài, gồm: Qua đèo ngang, Chùa Trấn Bắc, Thăng Long hoài cổ, Cảnh chiều hôm, Chiều hôm nhớ nhà, Cảnh thu. Và mặc dù vậy, nhưng không phải đến ngày nay, mà ngay từ đương thời, trong giới danh sĩ của triều đình nhà Nguyễn đã phải tôn vinh bà Huyện Thanh Quan là nữ sĩ kiệt xuất của dòng thơ Nôm. Bởi vì cả 6 bài thơ trên đều điêu luyện, chuẩn mực về niêm luật, hàm súc và giàu nhạc điệu. Nhận xét về thơ của bà, cố giáo sư Phạm Thế Ngũ đã viết: Thơ của bà Huyện Thanh Quan là đại biểu cho cái tinh thần tao nhã nho sĩ kết tinh lại và cùng với tinh túy của bài Đường thi trong ngôn ngữ Hán Việt đã hoàn toàn Việt hóa... Thơ Đường trước bà người ta đã làm vô số, sau bà người ta cũng còn làm vô số . Nhưng trước cũng như sau, có lẽ không ai vượt được nữ sĩ Thanh Quan.

Những ai hiểu được rằng tương lai nằm trong quá khứ thì chắc chắn người đó sẽ càng thêm thấu hiểu và kính trọng nữ sĩ khi đọc lại những dòng thơ chứa đầy tâm sự của bà. Bởi chính những bài thơ ấy đã giúp ích cho người đọc hướng về tương lai khi đã biết nhớ thương, yêu mến những di sản của cha ông. Và bao thế hệ yêu thơ ngày nay đã và sẽ mãi mãi bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tri ân một nữ sĩ đoan trang đầy tài năng và đức hạnh trong dòng văn học Việt Nam.

N.D

  • Từ khóa
109691

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu