Thứ 6, 19/04/2024 08:36:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:52, 29/08/2019 GMT+7

Vừa chậm vừa lạc hậu

Thứ 5, 29/08/2019 | 08:52:00 217 lượt xem
BP - Tại cuộc họp báo ngày 27-8, đại diện Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân Bộ Tài chính cho biết: Bộ Tài chính đã thống kê số liệu và đang chuẩn bị báo cáo Chính phủ sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế thu nhập cá nhân.

Đại diện Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân cũng cho biết thêm, Luật Quản lý thuế năm 2019 có một số nội dung mới có lợi hơn cho người nộp thuế, như tiền thuế phát sinh phải nộp hằng năm sau quyết toán nếu từ 50 ngàn đồng trở xuống sẽ được miễn, hay tạo điều kiện cho người nộp thuế được lùi thời hạn quyết toán thêm 1 tháng. Thế nhưng, Luật Quản lý thuế 2019 tới ngày 1-7-2020 mới có hiệu lực thi hành và những nội dung có lợi này không thấm vào đâu, không tác động liên quan nhiều, không che lấp được những bất hợp lý trong thực thi Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Trong 6 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2013 đến 2018 lần lượt tăng 6,03%, 4,09%, 0,63%, 2,66%, 3,53%, 3,54%, tổng cộng là 20,48%. Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 quy định phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20%. Như thế, theo luật, từ ngày 1-1-2019 phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân. Song cho đến hôm nay mới “đã thống kê số liệu và đang chuẩn bị báo cáo Chính phủ” sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế.

Điều này khá khó hiểu khi trong khoảng từ ngày 25 đến 31-12 hằng năm cơ quan chức năng đều công bố chỉ số giá tiêu dùng của mỗi năm. Thậm chí chỉ số giá tiêu dùng được công bố hằng tháng, đồng thời có dự báo cho tháng sau. Vì thế, nếu có trách nhiệm, đồng thời là nhiệm vụ của cơ quan tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ thì phải cập nhật kịp thời cũng như có phương án trình cơ quan thẩm quyền ngay sau khi chạm ngưỡng quy định. Bởi nếu không triển khai có thể coi là phạm luật và ảnh hưởng tới hàng triệu người đang nộp thuế trong cả nước. Đặc biệt trong trường hợp này việc điều chỉnh tác động nhiều nhất tới đối tượng đóng thuế ở bậc thấp nhất - là đối tượng có thu nhập mới chỉ cao hơn chút đỉnh so với mức chưa phải đóng thuế, tức người có thu nhập vừa qua ngưỡng trung bình chứ không phải là người khá giả hay thu nhập cao.

Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân có thu nhập là 9 triệu đồng/người, người phụ thuộc 3,6 triệu đồng/người, đều đã quá lạc hậu. Ở thành thị, mức này chi trả những nhu cầu tối thiểu như ăn ở, đi lại, học tập đã khó, chưa nói tới nộp thuế thu nhập. Còn với người phụ thuộc, 3,6 triệu đồng/tháng không thấm vào đâu nếu là trẻ em. Đó là chưa tính tới những phát sinh trong cuộc sống, đặc biệt khi lạm phát tăng mạnh, giá cả hàng hóa tăng, các dịch vụ, tiện ích cho cuộc sống thay đổi chóng mặt. Bên cạnh đó, rất nhiều chi phí cơ bản cho cuộc sống hằng ngày hiện không được tính vào giảm trừ, nhất là các dịch vụ giáo dục, y tế, các loại phí...

Nếu ai chưa đóng thuế tháng trước thì sẽ bị cộng dồn cho tháng sau và phải chịu mức cao hơn nếu chuyển sang khung khác. Điều này là hoàn toàn phù hợp, như một hình phạt để pháp luật được thực thi nghiêm minh. Nay đã qua 8 tháng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế vẫn chưa được điều chỉnh, thì khi điều chỉnh sẽ áp dụng từ thời điểm nào? Nếu áp dụng tại thời điểm ban hành quy định mới, trường hợp đã đóng thuế từ ngày 1-1-2019 có bị “mất oan” tiền thuế hay không? Nếu hoàn thuế ngược trở lại cho đến ngày 1-1-2019 hẳn phải qua một “rừng” giấy tờ thủ tục. Những câu hỏi và những hệ lụy này phải phạt ai, phạt cơ quan nào, không khó nhìn ra và có lẽ ai cũng thấy.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu