Thứ 6, 26/04/2024 00:02:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:10, 11/05/2017 GMT+7

Vũ khí tinh thần sắc bén

Thứ 5, 11/05/2017 | 16:10:00 2,613 lượt xem
BPO - Công tác Đảng, công tác chính trị vốn được xem như một vũ khí tinh thần sắc bén, đồng hành cùng lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Cục Chính trị, Bộ Tư Lệnh Bộ đội Biên phòng để vượt qua mọi gian lao trong thời chiến cũng như thời bình, "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua…".

Trang sử hào hùng

Cục Chính trị Công an nhân dân vũ trang, nay là Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP), ra đời chỉ một tháng sau ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (24-3-1959). Đây là cơ quan chuyên trách tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng về công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT). Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị BĐBP nhớ lại: “Tôi giữ cương vị chỉ huy chính trị của lực lượng BĐBP từ năm 1993, nhưng cả đời gắn bó, say mê cống hiến cho CTĐ, CTCT. Nhìn lại gần sáu thập kỷ, CTĐ, CTCT của BĐBP đã có sự thay đổi căn bản về cơ chế lãnh đạo trong từng thời kỳ lịch sử. Nhưng tựu trung lại, thời kỳ nào cũng có những cán bộ tốt, những gương điển hình xuất hiện từ những phong trào thi đua. Xây dựng điển hình tiên tiến, chế độ khen thưởng động viên kịp thời là chìa khóa mở ra cánh cửa tư duy nhạy bén trong công tác chính trị. Có như vậy mới nuôi dưỡng được ý chí và ổn định tư tưởng đạo đức cho cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn gian khổ, coi đồn là nhà, biên giới là quê hương như Bác Hồ từng căn dặn”.

Đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh BĐBP, Cục Chính trị BĐBP thăm, chúc Tết gia đình chính sách ở biên giới. Font Size:     |  Đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh BĐBP, Cục Chính trị BĐBP thăm, chúc Tết gia đình chính sách ở biên giới.

Lật giở lại trang lịch sử để thấy, Cục Chính trị luôn đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn. Qua mỗi thời kỳ, Cục Chính trị lại xác định nội dung trọng điểm để tham mưu, đề xuất, củng cố, tổ chức triển khai lực lượng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ biên giới, giới tuyến, bờ biển. Không thể không nhắc tới vai trò tham mưu của Cục Chính trị trong hướng dẫn chỉ đạo CTĐ, CTCT trong các nhiệm vụ: bảo vệ biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời…, bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng yếu, các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước ta; công tác chính trị đấu tranh chống gián điệp biệt kích, chống chiến tranh phá hoại, chống chiến tranh tâm lý của Mỹ- ngụy, làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Lào, chi viện cho An ninh vũ trang miền nam và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

Thiếu tướng Lê Như Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị khẳng định: CTĐ, CTCT, là một mặt công tác quan trọng, được xem là vũ khí tinh thần sắc bén giúp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Cục Chính trị luôn kiên định, vững vàng, nhạy bén, chủ động bám sát nhiệm vụ chính trị, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, hy sinh, gian khổ, đồng hành cùng toàn lực lượng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

Vững bước đi lên

Thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về “Xây dựng BĐBP trong tình hình mới”, Cục Chính trị đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất xây dựng lực lượng về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Cục Chính trị tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 15 "Về tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng an ninh ở các xã, phường biên giới, hải đảo"; Chỉ thị số 01 "Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới". Hướng dẫn triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, như: phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”; Bến bãi an toàn; Bám biển bảo vệ biển đảo quê hương, từ đó thu hút nhân dân khu vực biên giới, hải đảo tham gia, hình ảnh người lính mang quân hàm xanh đã đi vào tâm thức, tình cảm của đồng bào các dân tộc vùng biên giới, hải đảo. Ở đâu có các anh, những người lính Cụ Hồ, bộ mặt vùng cao biên giới được cải thiện rõ rệt. Cũng từ những tâm huyết của cán bộ, lực lượng Cục Chính trị, ý tưởng đưa 308 cán bộ biên phòng về tăng cường cho các xã ở vùng sâu, vùng xa đã trở thành hiện thực. Nhiều chiến sĩ biên phòng trở thành các cán bộ chủ chốt ở các xã đặc biệt khó khăn như bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch xã. Từ đó, góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo tiền đề phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc, xây dựng "thế trận lòng dân", nền biên phòng toàn dân vững chắc.

Đằng sau hàng nghìn “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, những đề án: Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc Chứt ở bản Rào Tre (Hà Tĩnh), tộc người Đan Lai ở khu vực biên giới Nghệ An và dân tộc La Hủ ở Mường Tè, Lai Châu của lực lượng biên phòng trong công tác an sinh - xã hội đều chất chứa những trăn trở để có thể tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh những vấn đề đúng, trúng mà xã hội nói chung, nhân dân vùng biên giới, hải đảo, dân tộc thiểu số nói riêng đang cần. Trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”, đến nay BĐBP đã nhận đỡ đầu nuôi dưỡng gần ba nghìn học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với kinh phí 500.000 đồng/em/tháng. Trong đó, có hàng trăm em học sinh là người Cam-pu-chia, Lào, hàng chục cháu nhỏ trở thành những đứa con được các đồn biên phòng đón về trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc trong đơn vị.

Trước yêu cầu hội nhập của đất nước, việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, Cục Chính trị đã tham mưu và chỉ đạo, hướng dẫn Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố biên giới đất liền tổ chức kết nghĩa lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng và kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Đến nay đã có 148 cặp cụm dân cư hai bên biên giới và 141 cặp đơn vị giữa Bộ đội Biên phòng Việt Nam với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng tổ chức ký kết hợp tác, kết nghĩa. Đây là một hoạt động ngoại giao nhân dân có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước ta, được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá công tác đối ngoại biên phòng là điểm sáng trong công tác đối ngoại quốc phòng.

Soi mình vào những tấm gương

Bước vào thời kỳ mới, nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia của Bộ đội Biên phòng rất nặng nề, phức tạp, nhiệm vụ CTĐ, CTCT đòi hỏi phải toàn diện hơn. Thiếu tướng Lê Như Đức cho biết thêm: Vấn đề con người, nguồn nhân lực ở thời kỳ nào cũng phải được ưu tiên hàng đầu, bởi lẽ chất lượng lãnh đạo chỉ huy, chất lượng và ý chí của toàn lực lượng tốt đến đâu cũng phải khởi nguồn từ công tác cán bộ. Công tác này không chỉ dừng lại ở việc tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ không ngừng nỗ lực phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, tác phong công tác, năng lực chuyên môn mà còn phải làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho họ.

Các đơn vị BĐBP đóng quân trên những địa bàn khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với biên giới, Cục Chính trị tham mưu, đề xuất Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác chăm lo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là đối với các đồn biên phòng. Từ năm 2013, BĐBP là một trong ba lực lượng của toàn quân tham gia thí điểm giai đoạn 1 thực hiện Bảo hiểm y tế quân nhân tại ngũ. Tất cả các đồn hiện được sử dụng bếp lò hơi cơ khí, nhiên liệu sạch. Các đơn vị từ Thừa Thiên - Huế trở ra được tắm nước nóng vào mùa lạnh, áp dụng các biện pháp chống gió lùa mùa đông, cán bộ, chiến sĩ được mặc ấm hơn, nhà cửa, doanh trại, cảnh quan đơn vị được đầu tư tu sửa, nâng cấp, 100% số đồn biên phòng không còn tình trạng xập xệ, dột nát.

Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, Cục Chính trị tham mưu Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp các địa phương giải quyết hàng nghìn suất đất ở cho cán bộ. Đây là hoạt động nhân văn, thiết thực động viên bộ đội yên tâm công tác. Đến nay, BĐBP xây dựng được 1.375 ngôi nhà. Tức là một tỷ lệ khá lớn các đồng chí trong diện vùng sâu, vùng xa, khó khăn về nhà ở đã được giải quyết. Đây là chính sách có tác động rất tích cực đến tâm lý bộ đội, cho nên khi luân chuyển, điều động cán bộ đến công tác ở vùng biên giới thuận lợi hơn trước rất nhiều. Nhờ làm tốt CTĐ, CTCT, cán bộ, chiến sĩ hăng hái thi đua lập thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thật sự coi “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường, đấu tranh chống tội phạm của BĐBP đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm như các Anh hùng liệt sĩ: Nguyễn Cảnh Dần, Và Bá Giải, Phạm Xuân Phong (BĐBP Nghệ An), Phạm Văn Điền (Hải đội 2 BĐBP Thừa Thiên - Huế), Lù Công Thắng (BĐBP Sơn La)… đã quên mình vì bình yên cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân. Mỗi khi “soi mình” vào những tấm gương đồng đội đã anh dũng hy sinh, Trung tá Nguyễn Đức Trịnh, Trưởng ban Chính trị, Cục Chính trị BĐBP lại tự nhủ lòng mình: “Được rèn luyện và trưởng thành trong Cục Chính trị BĐBP, phải luôn ý thức kế thừa xứng đáng truyền thống của các thế hệ cha anh, luôn thể hiện tinh thần khắc phục khó khăn, dũng cảm trong chiến đấu, tận tụy, sáng tạo trong công tác, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc; góp phần bảo vệ, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”.

Nhờ có chủ trương đúng, với nhiều hình thức, biện pháp sáng tạo, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng những năm qua đã góp phần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong BĐBP, góp phần quan trọng đưa Cục Chính trị trở thành đơn vị lá cờ đầu của lực lượng BĐBP, nhiều năm được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Thật vinh dự và tự hào cho lực lượng Cục Chính trị khi đúng vào dịp kỷ niệm 58 năm Ngày thành lập, Cục Chính trị đã được nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước do Đảng, Nhà nước trao tặng.

  • Từ khóa
2617

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu