Thứ 6, 19/04/2024 20:55:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:30, 08/07/2018 GMT+7

Vụ án “béo” và “gầy”

Chủ nhật, 08/07/2018 | 14:30:00 894 lượt xem

BP - Trộm cắp là một trong những tệ nạn của thời đại và nó diễn ra trong mọi thời đại xã hội. Và để ngăn chặn loại tội phạm này, trong Chương “Đạo tặc” của Bộ luật Hồng Đức, tội trộm cắp tài sản được quy định về hình phạt chỉ sau các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm con người như các tội mưu làm phản, tội mưu đại nghịch, tội phản nước theo giặc, tội giết người, tội làm người bị thương, tội hiếp dâm. Như vậy, theo cách sắp xếp này, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội trộm cắp tài sản chỉ thấp hơn các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm con người.

Minh họa: S.H

Mặc dù vậy, nhưng dưới thời Lê trung hưng đã xảy ra một vụ trộm, cướp nổi tiếng vào bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Đó là vụ án “bò béo, bò gầy”. Đây là vụ án cướp của giết người đặc biệt nghiêm trọng, kéo dài trên 20 năm, với số người bị chém, bị giết không thể tính hết. Vụ án nổi tiếng này xảy ra tại hang Địch Lộng thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình và được phá án vào triều vua Lê Hy Tông (1694).

Trong sách “Đại Nam nhất thống chí”, ở mục tỉnh viết về vùng đất Ninh Bình, tại phần “Sông núi” có đoạn ghi lại vụ việc này như sau: Vào thời Lê trung hưng, cạnh núi Địch Lộng có bọn dân ác xã Đa Giá Thượng cùng nhau lập khoán ước riêng, đặt điếm canh tuần và giết hại hành khách, lấy của rồi vứt xác vào hang núi, trải hơn 20 năm làm tai hại cho biết bao khách vô tội qua đường...

Làng Đa Giá Thượng ở phía nam bến đò Khuốt, trên đường thiên lý bắc - nam, ngay dưới chân dãy núi đá vôi trùng điệp, hiểm trở. Có một bọn trộm cướp hung đồ, khống chế được tất cả chức sắc của các làng trong một vùng rộng lớn cùng theo, dần dần hình thành cả một làng ăn cướp, có quy định khoán ước với nhau rất chặt chẽ. Vì vậy, hoạt động phạm pháp của cả làng này kéo dài trên 20 năm mà không hề lọt ra ngoài. Chúng lập ra một nhà trạm trên đường thiên lý với “vỏ bọc” là một nghề kinh doanh ăn uống và nghỉ trọ. Chủ quán lúc nào cũng cung cấp đầy đủ rượu ngon có pha thuốc mê, chuốc cho khách no say. Khi khách đang ăn thì có người đi qua hỏi chủ quán:

- Nhà hàng mai có bò không, cho chúng tôi mượn với nhé! Có. Bò béo hay bò gầy? Bò béo! Khách nghe thế không ngờ rằng đó là ám hiệu của bọn cướp với nhau. Bò béo tức là khách giàu có. Bò gầy là khách nghèo. Bọn cướp căn cứ vào ám hiệu của chủ quán mà quyết định hành động hay không. Đêm đến, khách đang say giấc nồng thì chúng xông vào, trói giật cánh khuỷu, nhét giẻ vào miệng, lôi lên núi đá. Trên núi có một cái hang rất sâu gọi là Kẽm Trống, chúng xô khách xuống hang rồi lấy của về chia nhau.

Dưới thời vua Lê Hy Tông, quyền hành nằm trong tay chúa Trịnh Căn. Hôm ấy xa giá của chúa đi qua cửa Đại Hưng thì gặp một người phụ nữ, đầu đội một lá đơn, sụp lạy trước kiệu. Thấy vậy, quân lính xua đuổi mãi nhưng người phụ nữa kia nhất quyết không chịu lùi. Chúa liền cho dừng kiệu rồi sai người dẫn người này tới hỏi chuyện thì mới biết chồng nàng đã bị bọn cướp giết, còn nàng bị bắt về làm vợ một tên tướng cướp rồi sau 2 năm mới trốn ra được. Khi nghe xong câu chuyện và xem đơn, ngay sau đó, chúa lập tức sai Thạc quận công Lê Thì Hải đem 2.000 quân tiến thẳng về Gia Viễn, bí mật áp sát làng Đa Giá Thượng.

Chiều hôm ấy, có một thầy lang đi qua đò Khuốt rồi vào làng Đa Giá Thượng. Ăn xong, khách nằm lăn ra ngủ. Nửa đêm hôm đó, bọn cướp xông vào. Khách bị trói giật cánh khuỷu, nhét giẻ vào miệng rồi bị dẫn lên hang núi. Nhưng, bọn cướp chưa kịp ra tay thì những tiếng hô vang trong đêm tối làm chấn động cả núi rừng. Tiếng reo hò của 2.000 quân sĩ đồng loạt nổi lên, vây bọc toàn bộ làng Đa Giá Thượng. Gần 300 tên tội phạm đã bị bắt. Người ta xác định được trong băng đảng trộm cướp này có 52 tên đầu sỏ. Tất cả chúng đều bị khép vào tội tử hình. Số còn lại là tòng phạm thì bị bắt đày.

Lời bàn:

Triều Lê từ sau triều đại Lê Thánh Tông đã quá tàn tệ không còn đủ sức để khôi phục vị thế tập quyền của vương triều mình như trước đây nữa. Và trong thời buổi hỗn loạn đó, triều đình vua Lê muốn tồn tại được phải nhờ cậy vào thế lực của chúa Trịnh. Ngược lại, chúa Trịnh muốn tiêu diệt được các đối thủ của mình cũng phải dựa vào “cái bóng” của vua Lê. Nói một cách công bằng, cả 2 tập đoàn phong kiến này đều cần đến nhau để tồn tại. Song, chính trong hoàn cảnh vua chẳng ra vua, chúa không ra chúa nên trăm họ rơi vào cảnh lầm than, nạn trộm cướp hoành hành khắp hang cùng ngõ hẻm. Và giai thoại này là một minh chứng.

Tuy nhiên, điều muốn nói ở đây là trong xã hội suy tàn ấy đã tạo cơ hội cho 2 loại kẻ cướp gặp nhau. Đó là kẻ cướp đêm và kẻ cướp ngày. Và câu ca dao: “Con ơi nhớ lấy câu này; Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”, được ra đời vào thời điểm này. Cướp đêm là những kẻ còn biết sợ bị phát giác và bị pháp luật trừng trị, còn cướp ngày thì không sợ gì cả vì chúng nắm pháp luật và quyền bính trong tay, nên không phải lén lút, không cần giấu giếm. Chính vì thế cho nên vụ án “bò béo, bò gầy” kéo dài đến 20 năm và đã có biết bao sinh linh vô tội phải chết oan. Thế mới hay rằng, kẻ cướp đêm sống với kẻ cướp ngày thì quả là đại họa.

N.D

  • Từ khóa
110061

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu