Thứ 6, 19/04/2024 17:20:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:11, 25/02/2016 GMT+7

ĐỐI PHÓ VỚI GIÁ MỦ CHẠM ĐÁY:

VRG tiếp tục giảm suất đầu tư và mở rộng thị trường

Thứ 5, 25/02/2016 | 07:11:00 242 lượt xem
BP - Năm 2016, dự báo thị trường cao su thiên nhiên tiếp tục khó khăn nên Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục giảm 15% suất đầu tư, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây cũng là vấn đề “sống còn” của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh cao su trong hoàn cảnh giá mủ đã chạm đáy.

TIẾP TỤC CẮT GIẢM SUẤT ĐẦU TƯ THÊM 15%  

Năm 2015, đối phó với giá mủ giảm sâu VRG đã có chủ trương cắt giảm những khoản đầu tư không cần thiết để giảm suất đầu tư tổng thể là 30% trở lên so với mặt bằng suất đầu tư hiện nay áp dụng tại các khu vực, vùng miền để hạ giá thành sản xuất và đã mang lại hiệu quả.

Công nhân Công ty cao su Phú Riềng thu gom mủ - Ảnh: B.LCông nhân Công ty cao su Phú Riềng thu gom mủ - Ảnh: B.L

Theo đó, các công ty cao su trực thuộc VRG đứng chân trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã khẩn trương rà soát để giảm mức đầu tư xuống còn hơn 70 triệu đồng/ha. Cụ thể, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng đã giảm suất đầu tư nông nghiệp của vườn cây kiến thiết cơ bản từ 103 triệu đồng/ha xuống còn 71 triệu đồng/ha. Tổng giám đốc công ty Lê Thanh Tú cho biết: Phú Riềng đã cắt giảm các hạng mục không cần thiết, đồng thời sử dụng cơ giới hóa tối đa nhằm giảm tiếp nhân công để giảm thêm mức đầu tư. Tương tự, Công ty cổ phần cao su Đồng Phú cũng giảm mức đầu tư từ 104 triệu đồng/ha xuống còn 74 triệu đồng/ha. Công ty TNHH MTV cao su Bình Long giảm từ 96,8 triệu đồng/ha xuống còn 73,8 triệu đồng/ha; Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh giảm còn 74 triệu đồng/ha so với đầu tư cũ là 103 triệu đồng/ha.

Những năm gần đây, các công ty cao su trực thuộc VRG đứng chân trên địa bàn Bình Phước đã linh động chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, giảm tỷ lệ mủ cốm 3L qua sản xuất mủ latex để cung ứng cho nhu cầu sản xuất các sản phẩm công nghiệp từ nguyên liệu cao su thiên nhiên trong nước. Đơn cử, Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh giảm tỷ lệ mủ cốm từ 80% xuống còn 40%, tăng chủng loại mủ latex, mủ tờ. Năm 2016, Lộc Ninh đã chế biến thành công sản phẩm mới RSS1 CV60 và xuất bán cho Công ty Veber (Đức).

Năm 2016, trước những dự báo không mấy lạc quan, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam Võ Sỹ Lực cho rằng: Cắt giảm khoản đầu tư không cần thiết để giảm giá thành sản xuất nhưng phải bảo đảm việc làm, thu nhập nhằm  giữ chân người lao động là vấn đề “sống còn” của công ty cao su trong hoàn cảnh hiện nay. Theo đó, năm 2016, VRG chỉ đạo các công ty tiếp tục giảm suất đầu tư thêm 15%. Cụ thể, không bón phân cho vườn cây kinh doanh. Với các công ty cân đối được có thể bón phân nhưng không quá 50% lượng phân năm 2015. Thực hiện triệt để chuyển chế độ cạo D4 để tăng năng suất lao động, đồng thời thí điểm cạo D5, D6 ở các công ty khu vực Đông Nam bộ... Năm 2016, VRG xây dựng giá thành sản xuất là 25 triệu đồng/tấn, giá bán 26 triệu đồng/tấn, giảm 5 triệu đồng/tấn so với năm 2015.

LINH HOẠT CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU SẢN PHẨM

Trong năm 2015, VRG cùng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã tập trung xây dựng thương hiệu ngành cao su Việt Nam và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đồng thời tiếp tục kiến nghị các cơ quan nhà nước áp dụng chính sách thuế và ưu đãi đầu tư để ngành cao su có điều kiện thông thoáng về sản xuất và xuất khẩu.

Mủ tờ - sản phẩm “độc” của cao su Lộc NinhMủ tờ - sản phẩm “độc” của cao su Lộc Ninh

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài còn cần những phương án đồng bộ ở cả tầm vĩ mô và sự nỗ lực của doanh nghiệp trong, ngoài nước. Trên cơ sở các chính sách của VRG, các đơn vị đã chủ động vận dụng linh hoạt và phù hợp với điều kiện đặc thù của mình để ứng phó hiệu quả với tình hình tiêu thụ cao su. Trong đó, tập trung chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong ngắn hạn, dài hạn trên cơ sở phân tích nhu cầu của khách hàng và lợi thế sản xuất của đơn vị cũng như hiệu quả kinh tế để vừa duy trì thị trường xuất khẩu vừa hướng đến mở rộng thị trường nội địa.
Năm 2015, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam ước đạt 1,1 triệu tấn, tăng 3% về lượng, giá trị ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm khoảng 10% so với năm 2014. Trong đó, VRG năm 2015 đã tiêu thụ 381.374 tấn cao su các loại, đạt 118% so với năm 2014 (tiêu thụ nội địa 226.600 tấn, xuất khẩu và ủy thác xuất khẩu 154.708 tấn). Giá bán bình quân 30,54 triệu đồng/tấn, doanh thu cao su toàn VRG đạt 10.707 tỷ đồng, bằng 87,1% năm 2014. 

Về hướng phát triển công nghiệp chế biến, năm 2015, Công ty cổ phần chỉ sợi cao su VRG SADO đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ là dấu ấn trong toàn ngành. Năm 2016, VRG sẽ tập trung vào sản phẩm nhúng để tận dụng lợi thế quy mô lớn về diện tích của cao su đại điền với chất lượng mủ tốt và ổn định. VRG tiếp tục chuyển đổi cơ cấu chủng loại cao su thiên nhiên và tăng tỷ lệ SVR 10, SVR 20 nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà chế biến sản phẩm cao su và lốp xe.

VRG phấn đấu đến năm 2020 giảm xuất thô (mủ sơ chế) xuống còn 50-60%. VRG tăng cường liên doanh - liên kết với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp từ nguyên liệu cao su thiên nhiên như chỉ thun, nệm mút, găng tay và đang nghiên cứu sản xuất vỏ xe mang thương hiệu cao su Việt Nam. VRG xây dựng khu công nghiệp có hạ tầng tốt để thu hút nhà đầu tư nước ngoài...

P. Hà

  • Từ khóa
92861

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu