Thứ 6, 29/03/2024 07:18:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 10:17, 04/04/2014 GMT+7

Vòng quanh mùa lễ hội rực rỡ tháng 4

Thứ 6, 04/04/2014 | 10:17:00 650 lượt xem

Tháng  3 âm lịch (năm nay rơi vào tháng 4 dương lịch) là thời điểm thời tiết ấm áp, khô ráo, khi những cơn mưa phùn đã ngừng và cái nồm ẩm đã không còn, người dân trên khắp cả nước lại có dịp tham gia vào những lễ hội đặc sắc trên khắp mọi miền của tổ quốc.

1. Giỗ tổ Hùng Vương

Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương (Lễ hội Đền Hùng) là một trong những lệ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Việt Nam. Người dân trên khắp cả nước đều đổ dồn về đây để tưởng nhớ những vị vua đầu tiên trong lịch sử dân tộc. 

Lễ hội được tổ chức hàng năm vào mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, lễ hội thực chất đã diễn ra từ hàng tuần trước đó với những phong tục như đâm đuống (đánh trống đồng) của dân tộc Mường, hành hương tưởng niệm các vua Hùng, và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với lễ rước kiệu và dâng hương trên đền Thượng. 

Lễ hội đền Hùng hiện được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nâng lên thành giỗ quốc Tổ tổ chức lớn vào những năm chẵn.

Đặc điểm của lễ hội đền Hùng đó là phần lễ thường nặng hơn phần hội. Phần lễ bao gồm lễ rước kiệu và lễ dâng hương, được tổ chức đồng thời vào ngày chính hội. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc. Đó là những cuộc thi hát xoan (tức hát ghẹo), những cuộc thi vật, thi kéo co, hay thi bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh luyện chiến.

2. Lễ hội điện Hòn Chén (Huế)

Lễ hội điện Hòn Chén được tổ chức vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch (lần lượt là xuân tế và thu tế) hàng năm tại sườn núi Ngọc Trản, làng Ngọc Hồ, thị các Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Điện Hòn chén là nơi suy tôn thành mẫu Thiên Y A Na, là Thần Mẹ Xứ Sở theo truyền thuyết Chăm, là thần đã sáng tạo ra đất đai, cây cối, rừng gỗ quý, lúa, bắp và dạy dân cách trồng trọt.

Lễ hội Hòn Chén diễn ra rất sôi nổi và mang đậm những màu sắc của lễ hội truyền thống. Từ lễ tế đến lễ rước đều được tổ chức rất long trọng, với những hoạt động thâu đêm, khiến con sông Hương vốn yên bình lại trở sôi nổi với âm nhạc, những cuộc hầu đồng, hầu bóng.

Lễ hội giống như một festival về văn hóa dân gian trên sông Hương, tấp nập những chiếc “bằng” (thuyền kết đôi) với cờ phướn, hương án đủ màu sắc, hành hương về điện Hòn Chén, nơi thờ Thánh Mẫu.

3. Lễ hội đua voi (Tây Nguyên)

Hội đua voi là lễ hội mang đậm màu sắc truyền thống của đồng bào các dân tộc ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Diễn ra 2 năm một lần vào tháng 3 âm lịch và chỉ tổ chức trong đúng một ngày, hội đua voi là hoạt động bạn không nên bỏ qua nếu ghé thăm miền đất đỏ Tây Nguyên vào thời gian này.

Theo người dân ở đây, tháng 3 âm lịch là thời điểm thời tiết khô ráo, nắng đẹp, là tháng của những con ong rừng đi lấy mặt và là khởi đầu cho một mùa nương rẫy, là thời điểm đẹp nhất cho một lễ hội sôi động.

Tuy chỉ tổ chức trong một ngày, nhưng hội đua voi còn bao gồm rất nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc khác như: lễ cúng bến nước, lễ cúng sức khỏe cho voi, lễ ăn trâu mừng mùa (lễ đâm trâu), lễ cúng lúa mới (lễ mừng mùa), văn hóa cồng chiêng... để cầu mong cho sự bắt đầu của một mùa vụ mới tốt tươi, đạt năng suất cao, mang lại no ấm cho buôn làng. 

Hội đua voi được tổ chức nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tài nghệ thuần dưỡng voi của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, với rất nhiều các cuộc đua sôi động như: voi chạy tốc độ, voi bơi vượt sông Sêrêpốk, voi đá bóng. Số lượng tham gia từ 15 – 18 con voi.

4. Lễ hội Cố đô Hoa Lư

Lễ hội Cố đô Hoa Lư thường diễn ra trong ba ngày từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 3 âm lịch hàng năm tại khu di tích đền vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. 

Tham gia vào lễ hội cố đô Hoa Lư, bạn chắc chắn không thể bỏ qua lễ thả hoa đăng trên sông Sào Khê, hay trực tiếp chứng kiến những lễ tế đậm chất truyền thống, xem những cuộc thi đấu vật sôi động, hay trực tiếp hòa mình vào đêm khai hội để được xem vở kịch về hai vị vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành, đồng thời tái hiện khung cảnh cờ lau tập trận nổi tiếng.

Trong không gian của lễ hội, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hai đền thờ đã có hàng trăm năm lịch sử của vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành, cũng như nghe những vị cao niên kể những câu truyện truyền kì về cuộc đời của hai vị hoàng đề tài năng này. Bên cạnh đó bạn có thể leo lên ngọn nũi Mã Yên để thăm khu lăng mộ và ngắm nhìn khung cảnh tuyệt vời của non nước Hoa Lư, Ninh Bình.

5. Lễ hội Đền Mẫu (Hưng Yên)

Đền Mẫu, tên gọi khác là Hoa Dương Linh Từ hay đền Mậu Dương nằm ở phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên, nằm trong khu di tích Phố Hiến. Ngôi đền thờ bà Dương Quý Phi - vợ vua Tống (Trung Quốc thế kỷ 13), là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn.

Để giữ trọn khí tiết, lòng thủy chung với vua và trung thành với tổ quốc, bà đã nhảy xuống biển tự tận khi bị giặc Nguyên Mông truy đuổi. Xác của bà không trôi theo dòng nước mà lại chảy ngược dòng và trôi dạt vào vùng Phố Hiến, được nhân dân ở đây chôn cất và lập miếu thờ.

Lễ hội đền Mẫu được diễn ra từ ngày 10 đến ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm. Trong hội thường diễn ra các hoạt động văn hoá dân gian như; rước kiệu, múa lân, múa rồng, rước nước... rất long trọng và được diễu qua nhiều đường phố tạo nên một không khí tưng bừng mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.

Nguồn Depplus

  • Từ khóa
87954

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu