Thứ 7, 20/04/2024 10:51:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:54, 04/06/2014 GMT+7

Vạch trần âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc

Thứ 4, 04/06/2014 | 07:54:00 1,740 lượt xem
BP - Lòng yêu nước, tinh thần tự chủ và bất khuất từ bao đời nay đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy đã tạo nên sức mạnh để nhân dân ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Ngày nay, Tổ quốc đã độc lập nhưng bờ cõi đất nước ở một số nơi vẫn chưa yên. Đặc biệt, trên biển Đông, nơi cửa ngõ của Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa đã bị đánh chiếm, quần đảo Trường Sa cũng đang bị tranh chấp, nhòm ngó và đe dọa. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 và một số lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự, máy bay đến vùng biển của Việt Nam là hành đồng vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp và thông lệ quốc tế... Hành động này đã và đang bị cả thế giới lên án, vạch trần âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.

CHIẾM CÁC ĐẢO BẤT HỢP PHÁP

Trong suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Tống Thần Công, Minh Thành Tổ... đến giữa thế kỷ XX (1951), tài liệu chính sử Trung Quốc chưa bao giờ cho thấy chủ quyền của họ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa) trên biển Đông của Việt Nam (họ gọi là biển Hoa Nam). Chỉ từ những năm giữa thế kỷ XX trở lại đây, Trung Quốc thay đổi thái độ và lên tiếng đòi hỏi chủ quyền “bất khả tranh nghị” đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà bước đầu tiên là khu vực biển đảo phía Bắc.

Trung Quốc hình thành yêu sách nhằm chiếm toàn bộ biển Đông với các mốc chủ yếu sau: Năm 1909 ra Hoàng Sa; năm 1946 vẽ đường “lưỡi bò” (chiếm khoảng 80% diện tích biển Đông, nhưng chỉ đến tháng 5-2009 mới chính thức đưa ra yêu sách này), đồng thời cho quân ra đánh chiếm nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình ở Trường Sa. Năm 1956, Trung Quốc ra đóng giữ phần phía Đông của Hoàng Sa; Đài Loan tái chiếm giữ đảo Ba Bình ở Trường Sa. Năm 1958, Trung Quốc ra tuyên bố chính thức yêu sách chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1974, đánh chiếm phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa. Năm 1988, đánh chiếm một số điểm trên quần đảo Trường Sa. Năm 1995, đưa quân chiếm thêm đảo Vành Khăn, phía Nam quần đảo Trường Sa. Ngày 14-3-1988, Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những vụ chiếm cứ này của Trung Quốc không mang tính hòa bình mà do sử dụng vũ lực mang tính xâm lược nên không bao giờ được luật pháp quốc tế công nhận. Do đó, những đảo mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm bằng vũ lực trên biển Đông là bất hợp pháp nên không bao giờ Trung Quốc có chủ quyền theo luật pháp quốc tế.(*)


Cận cảnh tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Cảnh sát biển Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam

Trong khi đó, Việt Nam đã chiếm cứ, quản lý, khai thác 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa công khai, liên tục, lâu dài từ thế kỷ XVII đến nay. Năm 1975, chính quyền Việt Nam cộng hòa sụp đổ, Hải quân Nhân dân Việt Nam tiếp quản đầy đủ các đảo do quân đội Việt Nam Cộng hòa cai quản trên biển Đông. Nhà nước Việt Nam thống nhất sau đó tiếp tục khẳng định chủ quyền của người Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ban hành nhiều văn bản hành chính, thành lập các huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như hoàn thiện việc quản lý hành chính trên các quần đảo này. Vì vậy, theo luật pháp quốc tế, Việt Nam có đủ điều kiện xác lập và hành xử chủ quyền của mình trên hai quần đảo này, kể cả các đảo đã bị cưỡng đoạt bằng vũ lực và đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp.

TRUNG QUỐC PHẢI RÚT GIÀN KHOAN HD981 RA KHỎI LÃNH HẢI VIỆT NAM

Căn cứ vào những tài liệu chính thức có giá trị pháp lý quốc tế, Trung Quốc đã ý thức được sự yếu kém của họ về cả 3 mặt: Pháp lý, địa lý và lịch sử. Do đó, họ không bao giờ dám công khai thảo luận về vấn đề tranh chấp chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các đảo khác trên biển Đông. Công ước về Luật Biển năm 1982 cho phép các quốc gia ven biển được hưởng quy chế thềm lục địa để thăm dò và khai thác tài nguyên. Đây là chủ quyền chuyên biệt, không tùy thuộc vào điều kiện phải có sự chiếm hữu, khai phá hay tuyên bố minh thị. Mọi sự tùy tiện chiếm cứ của nước ngoài dù có bằng vũ lực hay không đều bất hợp pháp và vô hiệu lực.

Về mặt địa lý, đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa chỉ cách Quảng Ngãi 135 hải lý và quần đảo Hoàng Sa chỉ cách lục địa Việt Nam 160 hải lý. Vì vậy, quần đảo Hoàng Sa nằm trong thềm lục địa của Việt Nam được quy định bởi Công ước về Luật Biển năm 1982. Việc ngày 2-5-2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm trái phép vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC). Ngày 27-5, giàn khoan Hải Dương 981 bắt đầu được dịch chuyển khoảng 23 hải lý so vị trí ban đầu, từ tọa độ 15-29.58 độ vĩ bắc và 111-12.06 độ kinh đông đến tọa độ 15-33.38 độ vĩ bắc và 111-34.62 độ kinh đông, ở khu vực gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hiện nay, giàn khoan Hải Dương 981 đã ở cách đảo Tri Tôn khoảng 25 hải lý về phía Đông Nam. Mặc dù đã được dịch chuyển nhưng giàn khoan này vẫn nằm sâu trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Trong một tháng qua, các lực lượng chấp pháp Việt Nam đã kiên quyết, khôn khéo đấu tranh hòa bình trên thực địa, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cùng các loại tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam. Cùng với lực lượng đấu tranh trên thực địa, toàn thể dân tộc Việt Nam đoàn kết, tạo thành sức mạnh triệu người như một. Cùng với đó là sự ủng hộ của quốc tế, những tiếng nói chính nghĩa từ các diễn đàn, nhất định Trung Quốc phải đưa giàn khoan cùng các loại tàu ra khỏi lãnh hải Việt Nam, đồng thời từ bỏ vĩnh viễn âm mưu độc chiếm biển Đông.   

Đức Hồng (tổng hợp)
          (*) Tham khảo biendong.vn

  • Từ khóa
11272

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu