Thứ 7, 20/04/2024 14:01:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 09:09, 25/05/2016 GMT+7

Vợ chồng xem lén điện thoại của nhau là phạm luật

Thứ 4, 25/05/2016 | 09:09:00 2,140 lượt xem

BP - Bộ luật Dân sự đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24-11-2015 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2016. So với Bộ luật Dân sự hiện hành (năm 2005), Bộ luật Dân sự 2015 có rất nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế cuộc sống của nhân dân và hội nhập quốc tế.

Cụ thể, tên của Điều 38 trong Bộ luật Dân sự năm 2005 là: Quyền bí mật đời tư. Và điều này có nội dung như sau: Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cũng quy định về quyền này và cũng trong Điều 38 nhưng trong Bộ luật Dân sự 2015 thì tên của điều này đã được sửa đổi, bổ sung như sau: Quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Và nội dung của điều này quy định: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, nội dung của Điều 38 trong Bộ luật Dân sự 2015 đã khẳng định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là quyền bất khả xâm phạm của mỗi công dân và được pháp luật bảo vệ. Đồng thời, luật cũng quy định rõ là các loại thông tin trong thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Và việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Điều này thể hiện sự bảo vệ của nhà nước đối với quyền về đời sống riêng tư, cũng như những bí mật đời tư của công dân.

Tuy nhiên, cũng theo quy định của bộ luật này thì những nội dung trên bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Và nội dung của luật không thể quy định được những chế tài đối với những hành vi vi phạm các quy định trong điều luật này. Mà các chế tài đối với những hành vi vi phạm điều này phải chờ Chính phủ ban hành nghị định và Bộ Tư pháp ban hành thông tư hướng dẫn thi hành. Và chắc chắn rằng, để đảm bảo tính nghiêm minh tuyệt đối của điều luật, việc xem lén điện thoại, thư tín, điện tín, email của vợ hoặc chồng hay của ông bà, cha mẹ và con cái... chắc chắn sẽ phải bị phạt.

N.V

 

  • Từ khóa
28307

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu