Thứ 6, 29/03/2024 20:51:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:35, 16/05/2019 GMT+7

Vợ chồng mù nuôi con học giỏi

Thứ 5, 16/05/2019 | 14:35:00 241 lượt xem

BP - Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cả cha lẫn mẹ đều bị mù nên mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do em Nguyễn Thanh Tâm, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Nguyễn Du, thành phố Đồng Xoài đảm nhận. Không để con thua thiệt bạn bè, hằng ngày vợ chồng anh La Hiểu Lâm - chị Nguyễn Thị Loan (ba mẹ Tâm) dắt nhau đi bán từng cây chổi kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Để phụ giúp ba mẹ, ngoài thời gian đến trường, Tâm còn làm thêm đủ nghề như: bán vé số, phụ hồ, phụ quán cà phê, quán ăn… Cuộc sống khó khăn là thế, nhưng Tâm luôn cố gắng vượt qua, 12 năm học em luôn đạt học sinh khá, giỏi của trường.

Bán chổi nuôi con

Những năm qua, hình ảnh đôi vợ chồng mù dắt nhau qua từng con phố, ngõ hẻm bán chổi kiếm sống đã trở nên quá quen thuộc với người dân ở Đồng Xoài và các vùng lân cận. Chị Nguyễn Thị Loan (SN 1967), quê Thừa Thiên - Huế theo gia đình vào sinh sống tại phường Tân Thiện (Đồng Xoài) từ năm 1980. Do hoàn cảnh khó khăn nên chị Loan vừa phụ ba mẹ làm rẫy vừa nhặt ve chai kiếm sống. Năm 1982, trong một lần nhặt phế liệu, không may chị Loan bị mìn nổ làm mù mắt và mất một cánh tay. Còn anh La Hiểu Lâm sinh ra tại xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập. Lên 10 tuổi, anh Lâm bị sốt, gia đình không có tiền chạy chữa dẫn đến biến chứng mù cả hai mắt. Hiện vợ chồng chị Loan đều sống dựa vào nguồn trợ cấp dành cho người khuyết tật 800 ngàn đồng/tháng/người.

Kể về cuộc đời bất hạnh, chị Loan hồi tưởng lại ngày định mệnh đã cướp đi cánh tay và đôi mắt của mình. Từ một người lành lặn, chị Loan trở thành người tàn phế, sống phụ thuộc vào gia đình, xã hội khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Chị Loan cho biết: Từ khi bị mù, cuộc sống của tôi trở nên bế tắc. Với khiếm khuyết của bản thân nên tôi chưa một lần nghĩ tới chuyện lập gia đình. Mãi đến năm 2000, khi được người thân giới thiệu anh Lâm để làm quen. Sau vài lần gặp gỡ, chúng tôi tiến tới hôn nhân rồi ra ở riêng tạo dựng cuộc sống mới. Để có tiền chi tiêu sinh hoạt hằng ngày, vợ chồng tôi nhận chổi đót, chổi xương đi bán dạo. Cuộc sống cứ thế trôi qua và đến năm 2001, chị Loan sinh một bé trai đặt tên là Nguyễn Thanh Tâm.

Các nhà hảo tâm trao học bổng “Chắp cánh ước mơ” cho em Nguyễn Thanh TâmCác nhà hảo tâm trao học bổng “Chắp cánh ước mơ” cho em Nguyễn Thanh Tâm

Chị Loan kể: Từ ngày mang bầu cháu, vợ chồng tôi vừa mừng vừa lo bởi không biết lấy gì để nuôi con. Những tháng đầu sinh con, bà ngoại chăm sóc cháu nên vợ chồng tôi cũng yên tâm. Hết cữ, vợ chồng tôi làm quen cách sống với con. Cứ làm từ từ từng việc, cuối cùng vợ chồng tôi cũng nuôi con khôn lớn, học hành chăm ngoan.

Vượt khó học giỏi

Thấu hiểu hoàn cảnh cơ cực của ba mẹ nên ngay từ nhỏ, Tâm đã ý thức phải nỗ lực học thật giỏi để sau này tìm được công việc ổn định. Tâm chia sẻ: Ngày nhỏ đi học, em tủi thân lắm. Các bạn ai đến trường cũng được ba mẹ đưa rước, còn em phải tự đi một mình. Dần dần lớn lên em hiểu hoàn cảnh nên càng thương ba mẹ nhiều hơn. Ngày nào ba mẹ cũng đẩy xe đi bán chổi khắp nơi để kiếm tiền nuôi em ăn học. Có những hôm ba mẹ đón xe buýt mang chổi qua tận thị xã Bình Long bán mấy ngày mới về. Thương ba mẹ vất vả nên sau những buổi học ở trường, em tranh thủ đi bán vé số. Thời gian nghỉ hè, em xin vào làm việc tại các quán cà phê hoặc đi phụ hồ để có thêm tiền trang trải sinh hoạt gia đình.

Cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng Tâm chưa một lần than vãn, ngược lại, em càng quyết tâm học thật giỏi. 12 năm học, em luôn là học sinh khá, giỏi của trường. Năm 2017, Tâm được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tặng học bổng dành cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Tâm cho biết: Ước mơ lớn nhất của em là được theo học chuyên ngành Điện tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Trước hoàn cảnh khó khăn của Tâm, vừa qua, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước phối hợp VNPT và Sở GD-ĐT đã kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay tổ chức chương trình “Chắp cánh ước mơ”. Từ chương trình đã vận động và trao học bổng “Chắp cánh ước mơ” cho em Tâm 154,7 triệu đồng. Số tiền này gia đình Tâm đã gửi tiết kiệm 135 triệu đồng để trang trải chi phí cho Tâm sau này, số còn lại để trả nợ. Thầy Hà Tuấn Kiệt, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết: Biết hoàn cảnh khó khăn của Tâm, trường đã vận động thầy cô, học sinh và các cựu học sinh quyên góp, trao tặng em hơn 40 triệu đồng. Hy vọng với sự giúp đỡ này, sẽ tạo động lực giúp Tâm cố gắng hơn trong học tập và đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. 

Thùy Hương

  • Từ khóa
88538

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu