Thứ 6, 29/03/2024 21:17:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:59, 14/01/2018 GMT+7

Việt Nam đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS

Nguồn QĐND
Chủ nhật, 14/01/2018 | 13:59:00 2,920 lượt xem
BPO - Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn dành sự ưu tiên đặc biệt trong triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS); đồng thời hỗ trợ họ thực hiện quyền bình đẳng, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, tiến tới trình độ phát triển chung của cả nước.

Đổi thay kỳ diệu ở Ea Tul

Trong chuyến công tác tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế- xã hội của đồng bào các DTTS sinh sống tại Tây Nguyên, chúng tôi có dịp đến những địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk. Sau nhiều năm trở lại, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự phát triển, đổi thay của các địa phương nơi đây.

Công trình văn hóa của xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk được xây dựng khang trang, hiện đại.

Chúng tôi đến xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk vào thời điểm bà con đang thu hoạch cà phê. Con đường nhựa phẳng lì chạy từ trung tâm huyện về xã Ea Tul tạo cho chúng ta cảm giác quãng đường như ngắn lại. Diện mạo xã Ea Tul hiện ra trước mắt chúng tôi với hệ thống đường bê tông, những ngôi nhà mới mọc lên san sát; trường học, trạm xá được đầu tư xây dựng mới. Tiếp chúng tôi tại trụ sở Đảng ủy xã, đồng chí Lê Công Bất, Phó bí thư Đảng ủy xã Ea Tul phấn khởi nói: Thực hiện Nghị quyết của Đảng và các chương trình phát triển kinh tế- xã hội của Chính phủ, địa phương được trên quan tâm đầu tư thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ nên cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Xã cũng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2017 thu nhập bình quân đầu người của xã Ea Tul đạt gần 35 triệu đồng/người/năm. Hiện trên địa bàn xã không còn nhà tạm, dột nát. Năm 2017, xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dành khá nhiều thời gian trao đổi với chúng tôi về đời sống bà con, già làng Y Riu A Drơng, buôn Knia, xã Ea Tul bộc bạch: Ngày trước chưa có đường giao thông, bà con đi lại vất vả lắm, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi. Trường học ở xa, nên nhiều trẻ em bỏ học. Bà con có bệnh chỉ ở nhà cúng thần linh chứ không ra bệnh viện chữa trị vì xa xôi. Bây giờ trường học, trạm y tế ở gần, giao thông thuận tiện nên bà con ai cũng vui cái bụng. Sự phát triển của buôn hôm nay, tôi cứ ngỡ như một giấc mơ.

Theo báo cáo tại hội nghị tổng kết năm 2017 của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, năm qua với sự nỗ lực của các ngành địa phương trong quản lý, điều hành, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội, kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên tiếp tục đạt được những kết quả tích cực: Tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn năm 2017 ước đạt 165.472 tỷ đồng (tăng 8,09%); cơ cấu GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực. GDP bình quân đầu người năm 2017 đạt gần 41,6 triệu đồng, tăng 5,02%.

Tái hiện Lễ hội lấp lỗ (còn gọi là Chỉa lúa) của người dân tộc Bru - Vân Kiều (Quảng Bình) tại Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Cùng với khu vực Tây Nguyên, năm 2017, kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc, Tây Nam Bộ cũng có sự phát triển rõ rệt. Đời sống của nhân dân tại các địa bàn này không ngừng được cải thiện; quốc phòng - an ninh được bảo đảm; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố kiện toàn; công tác dân tộc, tôn giáo thực hiện có hiệu quả…. Năm 2017, vùng Tây Bắc đạt được nhiều kết quả tích cực mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, ước đạt 8,43%; thu nhập bình quân đầu người đạt 30,75 triệu đồng/năm, tăng 2,25 triệu đồng so với năm 2016. Năm 2017 có thêm 106 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.  Lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm. Công tác giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến rõ nét, nhiều chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội được triển khai hiệu quả. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong vùng từng bước được nâng lên.

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống

Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện chủ trương xây dựng nền văn hóa thống nhất, đa dạng trong cộng đồng các dân tộc; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc. Hình thức sinh hoạt văn hóa của các DTTS kết hợp giữa văn hóa truyền thống và hiện đại trong xu thế giao lưu, hội nhập, phát triển. Người DTTS ở tất cả các vùng miền được tham gia hoạt động văn hóa mang bản sắc các dân tộc. Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc những năm qua được cải thiện rõ rệt và nâng cao.

 
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang được bảo tồn và phát huy.

Nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các DTTS được bảo tồn, phát triển, được công nhận là di sản văn hóa thế giới như: “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, “Thánh địa Mỹ Sơn”, “Cao nguyên đá Đồng Văn”. Còn tại các tỉnh Nam Bộ, “Ngày hội Văn hóa- Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ” được tổ chức định kỳ 3 năm/lần, luân phiên trên địa bàn các tỉnh, thành trong khu vực. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào các DTTS trên cả nước. Hoạt động này cũng khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ, qua đó giới thiệu, quảng bá để thu hút du khách đến với các tỉnh, thành Nam Bộ.

Việc bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết cho các DTTS là vấn đề được ưu tiên trong chính sách giáo dục của Nhà nước Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 82/2010/NĐ-CP quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hợp tác với UNICEF thí điểm thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tại 3 tỉnh Lào Cai, Trà Vinh, Gia Lai, bước đầu đạt kết quả tốt.

Cùng với những thành tựu đạt được trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS, hiện nay chất lượng cuộc sống của người DTTS đang từng bước được cải thiện. Trong lĩnh vực y tế, 100% xã vùng đồng bào DTTS có trạm y tế và cán bộ y tế; 100% số huyện có trung tâm y tế và bác sỹ; nhiều chính sách ưu tiên khám chữa bệnh miễn phí, bảo hiểm y tế cho người DTTS ở vùng khó khăn được thực hiện. Thực hiện Quyết định số 198/2007/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 134/2004/QĐ-TTg, đã có 373.400 hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ về nhà ở, 71.713 hộ được hỗ trợ về đất ở, 83.563 hộ được hỗ trợ về đất sản xuất, 214.466 hộ được giải quyết nước sạch. Từ năm 2012, 100% xã đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều nơi đạt chuẩn phổ cập THCS. Hiện nay, tất cả các tỉnh có đông đồng bào DTTS đều có trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, dạy nghề…

Có thể nhận thấy, những thành tựu đạt được trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam và sự đoàn kết, chung tay xây dựng đất nước của đồng bào các dân tộc. Thành tựu này cũng là minh chứng sinh động cho những vấn đề được quy định rõ tại Điều 5, Hiến pháp 2013: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

  • Từ khóa
2732

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu