Thứ 3, 23/04/2024 23:21:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:25, 04/07/2019 GMT+7

Việt Nam có cần phải thoát ly Trung Quốc?

Thứ 5, 04/07/2019 | 08:25:00 799 lượt xem

BP - Mặc dù dự án đường cao  tốc Bắc - Nam chưa chính thức bán hồ sơ mở thầu, song rất nhiều “anh hùng bàn phím” đã và đang tích cực ra sức lu loa, kêu gào rằng đây là công trình giống như cái gông cùm sẽ khiến Việt Nam mãi mãi trở thành nô lệ cho ngoại bang. Vì vậy, nhiều kẻ cho rằng Việt Nam phải thoát ly Trung Quốc thì mới “quốc thái dân an”. Nhân câu chuyện này, thử luận bàn xem Trung Quốc có giống như “con ngáo ộp” mà những chiếc “loa di động” đó đang ra rả phát sóng? Và Việt Nam có cần thiết phải thoát ly Trung Quốc không? Câu trả lời là không bao giờ, bởi vì:

Thứ nhất, không ai hiểu mình bằng chính mình. Từ thuở hồng hoang lập quốc cho đến nay, từ các triều đình phong kiến năm xưa đến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam ngày nay đều biết rõ mình cần gì, phải làm như thế nào. Thoát ly hay phụ thuộc vào một quốc gia nào đó là việc liên quan đến an nguy của Tổ quốc, tồn vong của chế độ, hạnh phúc của nhân dân. Và vấn đề là công việc nội bộ của dân tộc Việt Nam, do Việt Nam tự quyết định, chứ không phải là chuyện để các thế lực thù địch, phản động, mấy “anh hùng bàn phím” lên mặt dạy đời.

Thứ hai, về mặt địa lý tự nhiên, Việt Nam - Trung Quốc là 2 quốc gia núi liền núi, sông liền sông, có chung đường biên giới, vì thế, không phải hôm nay nói “không thích Trung Quốc, ly khai Trung Quốc” là ngay ngày hôm sau lập tức mang được lãnh thổ Việt Nam sang đặt cạnh một quốc gia khác. Đây là một thực tế và không phải dễ dàng như những kẻ bỏ quê hương đào tẩu hoặc làm đơn xin qua quốc gia khác tị nạn chính trị là xong.

Thứ ba, về mặt lịch sử, không ai hiểu Trung Quốc bằng Việt Nam, cũng không ai hiểu Việt Nam hơn Trung Quốc. Là 2 quốc gia láng giềng, quan hệ giữa Việt Nam, Trung Quốc trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, song cả 2 đều luôn cần có nhau, dựa vào nhau để tồn tại và phát triển. Trải qua 1.000 năm Bắc thuộc, nhưng ta vẫn là ta, là Việt Nam mà không hề bị người anh em khổng lồ phương Bắc đồng hóa. Hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, tổ tiên ta đã khiến cho nhiều triều đại có tư tưởng bành trướng phương Bắc phải “ôm hận thiên thu” bằng những bản hùng ca như: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa... oai hùng. Vì vậy, với một dân tộc có truyền thống bất khuất “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” như Việt Nam thì không có lý do gì để chúng ta phải run sợ mà tìm mọi cách nhằm né tránh, “thoát ly” Trung Quốc.

Thứ tư, Việt Nam có hướng đi của riêng mình, chúng ta luôn có chiến lược, sách lược ngoại giao sáng tạo, uyển chuyển, đúng đắn, tài tình, biết khi nào phải “hợp tác”, khi nào cần “đấu tranh” với không chỉ riêng Trung Quốc. Chính đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” đã giúp Việt Nam tồn tại và phát triển. Vì vậy, ta cứ đường ta ta đi, mặc kệ kẻ xấu gièm pha, kích động.

Thứ năm, trong một giai đoạn mà tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường như hiện nay, các quốc gia vừa hợp tác vừa cạnh tranh, đấu tranh gay gắt với nhau thì việc độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, xác định cho đúng đối tượng, đối tác là vấn đề có ý nghĩa quyết định sự an nguy của dân tộc, sự tồn vong của chế độ. Và thế giới đang trong thời đại toàn cầu hóa rộng lớn, lôi kéo, thậm chí là bắt buộc mọi quốc gia phải tham gia nếu như không muốn bị diệt vong. Vì vậy, với Trung Quốc, chúng ta phải tích cực hợp tác, đồng thời luôn luôn đề cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không nên xa lánh, kỳ thị, né tránh, thoát ly vì như thế là ta đã tự mình loại mình ra khỏi cuộc chơi “toàn cầu hóa”, điều đó đồng nghĩa với đói nghèo, lạc hậu, tụt hậu, thậm chí diệt vong.

Thứ sáu, dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam chúng ta chưa bán hồ sơ mở thầu, vì vậy chưa biết nhà đầu tư quốc tế nào sẽ trúng thầu. Mặt khác, khi đã gia nhập sân chơi toàn cầu, là thành viên của hầu hết các định chế, tổ chức, hiệp ước kinh tế quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Thương mại thế giới, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương... thì Việt Nam phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc, luật pháp quốc tế. Vì vậy, nếu tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam có mở thầu mà các nhà đầu tư Trung Quốc có đầy đủ hồ sơ, đủ năng lực tài chính trúng thầu thì chúng ta vẫn sẵn sàng để họ thi công. Cái chính quyết định ở đây là chúng ta quyết không đánh đổi lợi ích chính trị để lấy lợi ích kinh tế, chúng ta phải kiểm duyệt, kiểm soát chặt chẽ quá trình thi công, không để xảy ra các tiêu cực dẫn đến kém chất lượng, chậm tiến độ...

Tóm lại, tổ tiên và ông cha chúng ta đã chung sống và tồn tại, đến đời chúng ta càng phải tích cực, chủ động chung sống và phát triển thịnh vượng bên cạnh một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh. Sự đan xen về lợi ích, sự ràng buộc lẫn nhau về kinh tế là xu thế bắt buộc trong giai đoạn hiện nay, ngay cả cường quốc như Hoa Kỳ vẫn không thể quay lưng lại với Trung Quốc, vậy tại sao chúng ta phải đi ngược lại tiến trình đó? Việc đẩy câu chuyện cao tốc đường bộ Bắc - Nam với hình ảnh “con ngáo ộp Trung Quốc” lên cao trào, từ đó ra sức cổ xúy cho xu hướng “ngả Mỹ - bài Trung” chỉ là âm mưu thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động nhằm phá hoại sự phát triển bền vững của Việt Nam mà thôi.

Thanh Quang

  • Từ khóa
2853

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu