Thứ 6, 29/03/2024 06:08:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:17, 07/12/2015 GMT+7

Đổi mới ở Bình Tân

Thứ 2, 07/12/2015 | 08:17:00 2,152 lượt xem
BP - Về xã Bình Tân (Phú Riềng) những ngày này chúng tôi dễ dàng nhận thấy sự đổi thay của miền quê từng một thời nghèo khó của huyện Bù Gia Mập cũ qua những con đường liên thôn, liên xã được thảm nhựa dài tít tắp, rộng rãi, sạch đẹp. Đời sống người dân được nâng cao. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên thay cho nhà tranh tre vách nứa. Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến hạt điều hoạt động tấp nập… Để có được diện mạo nông thôn hôm nay là nhờ sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân toàn xã.

GIAO THÔNG ĐI TRƯỚC

Là xã thuần nông, vì vậy ngay từ đầu năm 2010, Đảng ủy xã Bình Tân đã xác định phát triển giao thông nông thôn là một trong những việc làm cơ bản và phải đi trước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trước đây, các tuyến đường liên thôn, xã đa phần là đất sỏi với những lằn, rạch và ổ voi, rất khó đi lại vào mùa mưa. Việc vận chuyển, buôn bán hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2010, thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bù Gia Mập lần thứ X, Đảng ủy xã đã có kế hoạch phát triển hệ thống giao thông nông thôn với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm (nhà nước 70%, nhân dân đóng góp 30%). Xã tập trung đầu tư vào những trục đường chính và nơi có sự đóng góp của nhân dân để làm đường nhựa theo định hướng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Mô hình trồng lan cho thu nhập cao của gia đình chị Phạm Thị Hà, thôn Phước Hòa, xã Bình TânMô hình trồng lan cho thu nhập cao của gia đình chị Phạm Thị Hà, thôn Phước Hòa, xã Bình Tân

Để công trình giao thông nông thôn thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hằng năm vào đầu quý 2, HĐND và UBND xã thành lập tổ kiểm tra, khảo sát một số tuyến đường trọng điểm. Tuyến đường nào được nhân dân đồng tình, hưởng ứng thì làm trước. Mức đóng góp do khu dân cư họp bàn, thống nhất sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế các hộ. Để thu tiền minh bạch, Ban điều hành thôn đã thành lập ban giám sát bao gồm cả người dân trực tiếp thu tiền. Số tiền thu được quản lý qua Kho bạc Nhà nước để sau này thực hiện quyết toán. Ông Võ Phong Đà, Trưởng ban giám sát làm đường thôn Phước An cho biết: “Đối với những hộ khó khăn, chúng tôi cho đóng thành nhiều đợt. Riêng hộ nghèo thì có thể miễn hoặc giảm một phần tùy vào sự đồng thuận của người dân khu vực thi công tuyến đường”.

Với chủ trương đúng đắn, phù hợp và được nhân dân ủng hộ nên từ năm 2010 đến nay, xã Bình Tân đã làm được 6km đường nhựa, trong đó huy động sức dân đóng góp 2,3 tỷ đồng. Ngoài các tuyến đường đặc thù nhà nước và nhân dân cùng làm thì một số khu dân cư còn tự huy động đóng góp làm đường bê tông các tuyến đường xương cá, liên hộ. Ngoài ra, người dân còn góp thêm 520 triệu đồng bê tông hóa 1,18km đường liên hộ tại các thôn Bình Hiếu, Phước Thịnh, Phước Lộc và Phước Hòa.

KINH TẾ TIẾP BƯỚC THEO SAU

Song song với làm đường giao thông nông thôn, Bình Tân chú trọng phát triển kinh tế hộ, nâng cao đời sống người dân. Ông Đinh Xuân Trợ, Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân cho biết: “Trước năm 2010, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 2,2% số dân toàn xã. Để giúp người dân giảm nghèo bền vững, xã phối hợp với hội nông dân, khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho người dân, trung bình 6 lớp/năm. Nhờ đó, họ biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc vườn cây, góp phần tăng năng suất lao động”.

Trước năm 2010, toàn xã có 7 tuyến đường liên thôn với tổng chiều dài 11,2km, trong đó có 3km đường nhựa, còn lại 8,2km đường đất. Đường liên xã 19,2km, trong đó có 13,9km nhựa và 5,3km đường đất sỏi. Đường ngõ xóm 13,28km. Phấn đấu đến năm 2020, Bình Tân có 100% thôn có trục đường nhựa, 50% đường liên hộ được nhựa hóa, bê tông hóa.

Hộ ông Dương Có ở thôn Bình Hiếu là điển hình về áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Hiện ông Có đã thực hiện thành công trang trại kinh tế vườn - ao - chuồng, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng. Năm 2014, ông được UBND tỉnh khen thưởng nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi. Ông Có cho hay: “Mới đầu tôi chưa biết trồng cây, nuôi con gì. Sau khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi và tham quan các mô hình kinh tế giỏi, tôi áp dụng vào vườn cây gia đình, thấy năng suất cao hơn hẳn nên rất phấn khởi”.

Xã còn khuyến khích hộ dân phát triển kinh tế gia đình bằng cách chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa bàn. Trước nhiều hộ làm kinh tế không hiệu quả nay đã thay thế bằng những mô hình cho lợi nhuận cao. Hộ ông Phạm Đình Chương, ở thôn Phước Tân, tận dụng 0,7 ha bàu nước làm ao nuôi cá. Hằng năm, gia đình ông xuất bán khoảng 6 tấn cá các loại, trừ chi phí cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Hộ chị Phạm Thị Hà ở thôn Phước Hòa nhờ mạnh dạn trồng lan kiểng nên có cuộc sống khá sung túc. Chị Hà là thợ trang điểm cô dâu. Đa số các cặp đôi đều chọn đặt lan với vẻ đẹp quý phái và đủ màu sắc. Vì vậy, năm 2013 sau khi tham quan mô hình trồng lan ở Bình Dương, chị Hà dành 17m2 đất vườn để trồng lan. Đến nay, vườn lan của chị đang phát triển tốt, đã cho thu hoạch bông và bán cây. Tới đây, gia đình chị tiếp tục nhân rộng mô hình, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bằng những giải pháp hay, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của xã luôn đạt 10% trở lên. Thu nhập bình quân tăng đáng kể, năm 2013 đạt 24,054 triệu đồng/người/năm, năm 2014 tăng lên 26,8 triệu đồng/người/năm, năm 2015 là 29,7 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 70%, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ 30%. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 giảm còn 1,7% (32 hộ). Thu ngân sách đạt 100% chỉ tiêu huyện giao. Xây dựng nông thôn mới hiện đạt 10/19 tiêu chí.

Nhờ kinh tế ổn định, đời sống tinh thần người dân nâng lên. Y tế đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Công tác giáo dục, đào tạo ở xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Mạng lưới trường học được đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên từng bước chuẩn hóa. Tình trạng học sinh bỏ học ở các bậc học giảm so với nghị quyết đề ra. Năm học 2012-2013 có 0,7% học sinh bỏ học thì đến năm học 2014-2015 giảm còn 0,4%. Công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục luôn giữ vững. Các chính sách an sinh xã hội được xã quan tâm nhiều hơn.

Thùy Hương

  • Từ khóa
1268

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu