Thứ 6, 29/03/2024 15:35:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:03, 29/06/2015 GMT+7

Học Bác tấm lòng vì dân

Thứ 2, 29/06/2015 | 15:03:00 2,483 lượt xem
BPO - Đến con hẻm nhỏ hỏi thăm cụ Lê Kim Thọ (mẹ liệt sĩ, 90 tuổi, ngụ tại 307/30 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 1, quận Tân Bình), bà con ai cũng biết và cứ tấm tắc: “Bà cụ đẹp lão, nhân hậu và luôn sống hết lòng vì mọi người”…


Thiếu tướng Trương Văn Hai thăm hỏi, chúc thọ cụ Lê Kim Thọ nhân Ngày Người cao tuổi Việt Nam

Thấy đoàn khách đến nhà, mẹ cứ tay bắt mặt mừng, siết tay từng người như quen biết từ lâu rồi. Mẹ xuýt xoa: “Quý hóa quá, từng này tuổi, tôi vẫn có người của Đảng, nhà nước đến thăm”. Mẹ vừa nói vừa rưng rưng nước mắt khiến Thiếu tướng Trương Văn Hai, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM phải động viên: “Chúng con phải có trách nhiệm đến thăm và cảm ơn mẹ mới đúng chứ, vì mẹ đã suốt đời phục vụ cách mạng và hiến dâng đứa con trai thân yêu nhất cho Tổ quốc…”. Nhắc đến người con trai đã hy sinh, mẹ lau dòng nước mắt rồi tự hào kể: “Mới học xong cấp 3, nó đã xin phép mẹ tình nguyện đi bộ đội vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Rồi nó đi mãi không về khiến nỗi đau trong lòng mẹ không bao giờ nguôi”. Sự hy sinh của con trai mẹ thật đặc biệt, đó là sau khi anh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng xong Sài Gòn, trên đường trở về đơn vị để chuẩn bị ra Hà Nội thăm mẹ trong ngày vui đại thắng thì đến tỉnh Bình Thuận, đoàn quân của anh gặp bọn tàn quân thổ phỉ ngoan cố phục kích. Cả đơn vị chiến đấu quyết liệt tiêu diệt kẻ thù, nhưng sau trận chiến đó có 7 đồng chí đã anh dũng hy sinh, trong đó có con trai mẹ… Xót thương cái chết oai hùng của các anh giải phóng quân ngay sau  khi đất nước vừa thống nhất, bà con vùng cát trắng đã chôn cất các anh trong một ngôi mộ tập thể. Sau này, các gia đình định bốc hài cốt các anh về từng quê hương khác nhau nhưng cuối cùng ai cũng nghĩ rằng: “Đồng đội đã từng sống chết có nhau thì hãy để cho họ bên nhau mãi mãi”. Thế là cả 7 gia đình của các liệt sĩ đã để các anh vĩnh viễn nằm lại quê hương Bình Thuận và hàng năm ra đây thăm viếng.

Không chỉ hiến dâng đứa con trai yêu quý dứt ruột đẻ ra, những năm tháng chiến tranh ác liệt, mẹ đã thay chồng gánh vác việc nước việc nhà để chồng yên tâm công tác. Lúc còn công tác, mẹ nổi tiếng là cán bộ hội Phụ nữ giỏi, cán bộ Công đoàn tận tụy chăm lo đời sống cho những gia đình công nhân khó khăn. Khi đã nghỉ hưu, mẹ về khu phố tham gia làm Hội thẩm nhân dân suốt cả chục năm liền ở Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội. Từ khi theo con cháu vào TPHCM sinh sống, mẹ tích cực tham gia công tác tổ dân phố và các hoạt động từ thiện xã hội. Suốt nhiều năm nay, tháng nào mẹ cũng trích một phần tiền lương hưu để ủng hộ cho Quỹ Khuyến học, Quỹ Vì người nghèo. Giúp được ai thoát khỏi cảnh khổ, mẹ đều thấy vui hơn chính họ. Hỏi mẹ: “Suốt cả một đời gian khổ vất vả rồi sao mẹ không chịu nghỉ ngơi và sống cho bản thân mình đi?”. Mẹ đáp: “Tôi học Bác tấm lòng vì mọi người, điều đó đã thấm sâu vào máu thịt tôi rồi. Bác đã cả một đời vì nước, vì dân để dân tộc ta có ngày hòa bình, ấm no, hạnh phúc như hôm nay thì cớ sao ta không học Bác bằng tất cả tấm lòng biết ơn sâu sắc nhất. Học Bác phải bằng hành động cụ thể chứ không nói chung chung, tôi luôn dạy bảo con cháu luôn hết lòng vì mọi người như tấm gương đạo đức của Bác…”.

Nguồn SGGP

  • Từ khóa
1896

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu