Thứ 6, 19/04/2024 16:46:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:46, 13/12/2015 GMT+7

Kỷ niệm 95 năm Ngày sinh đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản (13-12-1920 - 13-12-2015)

Người bạn lớn, thân thiết, thủy chung của Việt Nam

Chủ nhật, 13/12/2015 | 16:46:00 1,320 lượt xem
BPO - Lịch sử đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam vốn đã đầy ắp những sự kiện, lại càng trở nên phong phú, sinh động hơn bởi trong đó chứa đựng cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản - Người bạn lớn, thân thiết, thủy chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản sinh ngày 13-12-1920 tại bản Na-xeng, huyện Khăm-thạ-bu-li, tỉnh Xa-vẳn-na-khệt. Sau khi học xong bậc tiểu học tại quê nhà, năm 1935, đồng chí sang Việt Nam học ở Trường Trung học Bưởi (nay là Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội). Năm 1943, đồng chí tốt nghiệp trung học, sau đó vào học tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Những năm tháng học tập trên đất Việt Nam đã giúp đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản có sự gắn bó mật thiết với đất nước, con người và nhân dân nơi đây.

Đầu năm 1946, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào, theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban công tác Lào - Việt được thành lập, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản làm việc tại cơ quan giữ vai trò đầu mối quan trọng này. Tháng 12-1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc diễn ra ở Việt Nam, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản cùng một số thanh niên yêu nước Lào rời Hà Nội lên căn cứ kháng chiến làm việc tại Ban Tuyên truyền khu X, khu XII trực thuộc sự lãnh đạo của các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Song Hào, Lê Trọng Tấn... Những ngày sống, làm việc trong Ban Tuyên truyền Khu X, Khu XII thực sự là thời gian quý báu để đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản có dịp tiếp xúc với những nhà hoạt động cách mạng của Việt Nam, để từ đây đồng chí hiểu rõ sự cần thiết của việc gắn kết cách mạng hai nước cũng như xác định việc củng cố đoàn kết liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung.


Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản tại Hà Nội năm 1966. Ảnh tư liệu

Đầu năm 1948, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định tổ chức Đội xung phong Bắc Lào nhằm bổ sung thêm lực lượng kháng chiến cho cách mạng Lào. Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản được giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng. Với những cống hiến không ngừng cho cách mạng Lào nói riêng và mối quan hệ Lào - Việt Nam nói chung, năm 1949, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản được vinh dự đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương.

Theo thời gian, cách mạng Lào ngày càng phát triển, được đánh dấu bằng Đại hội Mặt trận Lào kháng chiến (từ ngày 13 đến 15-8-1950). Tại đại hội này, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Lào Ít-xa-la và làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tiếp đó, tháng 2-1951, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản dẫn đầu đoàn đại biểu Lào tham dự Đại hội đại biểu lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Tại đại hội quan trọng này, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản được tiếp cận tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, đồng chí coi tác phẩm này là “cuốn sách gối đầu giường” của mình và khẳng định, chính “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa tôi đến với chủ nghĩa yêu nước và Chủ nghĩa Mác - Lê-nin”.

Đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cách mạng và thực hiện Nghị quyết Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương, sau một thời gian chuẩn bị, từ ngày 22-3 đến 6-4-1955, tại tỉnh Hủa Phăn diễn ra Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào. Đại hội bầu Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng gồm 5 đồng chí, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản được cử làm Bí thư Ban Chỉ đạo Trung ương và làm Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Pa-thét Lào.

Tháng 2-1972, Đảng Nhân dân Lào triệu tập Đại hội lần thứ hai, đổi tên Đảng Nhân dân Lào thành Đảng Nhân dân cách mạng Lào, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí còn tiếp tục làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, khóa IV và khóa V (1982, 1986 và 1991). Ngày 15-8-1991, đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Từ đây, trên cương vị vừa là Chủ tịch Đảng, vừa là Chủ tịch nước, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản tiếp tục đề ra chủ trương, quan điểm đổi mới toàn diện, có nguyên tắc, từng bước vững chắc, không nóng vội, có tính toán cẩn thận, không lấy ý chí chủ quan thay cho điều kiện thực tế ở Lào, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự hợp tác quốc tế, nhằm tạo sự thay đổi tích cực trong sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển. Giữa lúc sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước đang trên đà phát triển, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản qua đời ngày 21-11-1992 ở tuổi 72, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn thể nhân dân Lào.

Có thể nói, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã có nhiều cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng Lào, đối với việc củng cố tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt và dành nhiều tình cảm sâu đậm đối với đất nước, con người Việt Nam. Đồng chí từng nói: “Nhân dân Lào chúng tôi vô cùng hãnh diện khi có nhân dân Việt Nam anh hùng vừa là đồng chí vừa là anh em thân thiết của mình”. Khi đề cập đến tình đoàn kết liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam, đồng chí khẳng định: “Trong lịch sử cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt lâu dài và toàn diện như vậy”.

Đặc biệt, nhấn mạnh tính chất đặc biệt của quan hệ Việt Nam - Lào, trong dịp Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dẫn đầu sang thăm chính thức Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ngày 8-7-1989, trả lời phỏng vấn đặc phái viên Báo Nhân Dân về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản nhấn mạnh: “Khi thảo luận về mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, Bác Hồ và chúng tôi đều thấy rằng ngoài mối quan hệ giữa hai Đảng cùng chung lý tưởng cộng sản, giữa hai nước xã hội chủ nghĩa láng giềng, thì mối quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản, giữa nhân dân hai nước chúng ta còn có sự gắn bó thân thân thiết không giống bất cứ nước nào. Bác Hồ và chúng tôi cùng suy nghĩ. Bác Hồ gõ tay lên trán và nói chúng ta phải gọi là quan hệ đặc biệt. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với Bác vì đó là sự thật lịch sử”.

Với tất thảy những gì để lại, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản luôn là người bạn lớn, thân thiết, thủy chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đúng như phát biểu của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Lễ kỷ niệm lần thứ 40 Quốc khánh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (2-12-1975 - 2-12-2015) và 95 năm Ngày sinh Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản (13-12-1920 - 13-12-2015): “Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản không chỉ là nhà lãnh đạo xuất sắc, chiến sĩ cách mạng kiên cường của Đảng và nhân dân Lào mà còn là người bạn lớn, thân thiết, thủy chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam”.

Nguồn QĐND

  • Từ khóa
14579

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu