Thứ 6, 19/04/2024 23:35:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 12:11, 09/11/2017 GMT+7

Vị vua ham học

Thứ 5, 09/11/2017 | 12:11:00 312 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vua Lê Thánh Tông sinh năm 1442 và mất năm 1497; tên thật là Tư Thành, lúc nhỏ được gọi là hoàng tử Hiệu. Ông là con thứ 4 của vua Lê Thái Tông và là hoàng đế thứ 5 của nhà Lê sơ. Ông trị vì từ năm 1460-1497, tổng 38 năm, là vị hoàng đế trị vì lâu nhất thời Lê sơ, đồng thời cũng là vị vua cai trị trong thời kỳ hòa bình lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Lê Thánh Tông được xem là một vị hoàng đế anh minh thời hậu Lê. Trong thời kỳ cầm quyền của ông, nhà nước Đại Việt quật khởi mạnh mẽ thực sự, phát triển rực rỡ ở mọi phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và quân sự. Ông cũng mở rộng đáng kể lãnh thổ Đại Việt sau nhiều cuộc chiến với các nước xung quanh như Chiêm Thành, Ai Lao và Bồn Man. Các thành tựu về nội trị và đối ngoại của Lê Thánh Tông đã đưa Đại Việt trở thành cường quốc lớn mạnh trong khu vực Đông Nam Á, cũng như đã đưa nền quân chủ Việt Nam đạt đến đỉnh cao hoàng kim, trước và sau không có thời vua nào của Việt Nam đạt được sự thịnh vượng như thời này. Và không chỉ được đánh giá là vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử nước nhà, Lê Thánh Tông còn nổi tiếng là người hiếu học hiếm có.

Minh họa: S.H

Năm Thái Hòa thứ 3 (1445), Lê Tư Thành được phong làm Bình Nguyên vương, làm phiên vương vào ở Kinh sư, học cùng các vương khác ở Kinh diên. Các quan ở Kinh diên như Trần Phong thấy Bình Nguyên vương dáng điệu đường hoàng, thông minh hơn hẳn người khác nên họ cho ông là bậc khác thường. Bình Nguyên vương lại càng sống kín đáo, không lộ vẻ anh minh ra ngoài, chỉ vui với sách vở cổ kim, nghĩa lý thánh hiền, ưa điều thiện, thích người hiền, chăm chẵm không biết mệt mỏi. Bình Nguyên vương được thái hậu Nguyễn Thị Anh yêu mến như con đẻ và được Lê Nhân Tông coi như người em hiếm có.

Cũng theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vua có “thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước”. Ngay từ nhỏ, hoàng tử Hiệu đã bộc lộ rõ tư chất thông minh hơn người. Ông không chỉ học hành sáng dạ mà còn rất chịu khó, sớm tối không rời việc đọc sách. Đức tính ham học đã theo ông suốt cuộc đời. Ngay cả khi ông đã lên ngôi, phải lo toan nhiều vấn đề quốc gia đại sự, nhà vua vẫn không ngừng học, giống như câu thơ do chính ông viết: Trống dời canh còn đọc sách/Chiều xế bóng chửa thôi chầu.

Nhà sử học Vũ Quỳnh từng nhận xét: “Vua võ giỏi, văn hay mà thánh học rất chăm, tay không lúc nào bỏ quyển sách. Sách gì cũng thông, văn thơ hay hơn cả các quan văn học”. Và không chỉ có thế, vua Lê Thánh Tông còn nổi tiếng là ông vua gần gũi nhân dân. Trong những dịp lễ, tết, ông thường xuyên cải trang đi vi hành để “mục sở thị” cuộc sống của trăm họ. Nhiều lần, vua ban cho những người bần hàn câu đối để họ chơi tết.

Theo sách “Những tấm gương hiếu học”, trong một lần vi hành chơi tết, đến một hàng trầu nước, thấy không có câu đối tết, nhà vua đã viết hộ một câu đối như sau: Nếu giàu quen thói kinh cơi, con cháu nương nhờ vì ấm/ Việc nước ra tay chuyển bát, Bắc Nam đâu đấy lai hàng. Sau đó, câu đối này được phao truyền tới tận triều đình, các vị đại thần đều kinh ngạc và ra lệnh điều tra xem người ra câu đối là ai mà chẳng những tả đúng một cửa hàng trầu nước, lại còn ngụ ý kinh bang tế thế, khí phách lớn lao. Nhưng, họ điều tra mãi mà không có kết quả. Sau khi câu chuyện được truyền đến vua Lê Thánh Tông, ông chỉ mỉm cười.

Cùng với việc xây dựng thiết chế mới, Lê Thánh Tông rất chú trọng mở mang giáo dục, bồi dưỡng nhân tài. Triều đình thời ông có Hàn lâm viện, Đông các viện, Quốc sử viện, Quốc Tử Giám, Nhà thái học là những cơ quan chuyên phụ trách văn hóa - giáo dục trong nước. Tháng 10 âm lịch năm 1484, Lê Thánh Tông cho sửa sang, mở rộng Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ông còn ra lệnh cho các phủ hằng năm phải làm lễ tế ở văn miếu của địa phương mình vào các ngày thượng tuần tháng 2, tháng 8 (âm lịch).

Lời bàn:

Vạn vật trong vũ trụ luôn luôn vận động, biến đổi nên nếu con người không học thì sẽ không bao giờ nắm bắt được quy luật phát triển của nó. Vì thế người xưa mới có câu rằng “Bể học vô bờ”, điều này cũng có nghĩa là kho tàng kiến thức của nhân loại là vô tận và không một ai có thể nắm, biết hết tất cả. Vậy nên, học tập là công việc vô cùng quan trọng đối với cuộc đời mỗi con người. Nếu không học tập, chúng ta sẽ chỉ là người vô dụng. Và thực tế nhân loại đã chứng minh, trên con đường bước tới đài vinh quang của mỗi cá nhân, dân tộc hay nhân loại, chẳng bao giờ có dấu chân của kẻ lười biếng trong học tập.

Cách đây gần 600 năm, nhưng vua Lê Thánh Tông đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học nên ngay khi còn nhỏ, ông đã nổi tiếng là người có tinh thần hiếu học hiếm có và đức tính ham học đã theo ông suốt cuộc đời. Ngay cả khi ông đã lên ngôi, phải lo toan nhiều vấn đề quốc gia đại sự, nhà vua vẫn không ngừng học. Vua Lê Thánh Tông cũng là người nổi tiếng coi trọng sự nghiệp giáo dục - đào tạo nhân tài cho đất nước. Chính ông đã cho mở Nhà thái học để lấy chỗ học tập, lập Bí thư các (thư viện) để chứa sách. Ông cho tổ chức các khoa thi để tuyển chọn người tài cho đất nước. Và chính trong thời gian ông trị vì, Thân Nhân Trung đã viết câu danh ngôn muôn thuở “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

N.D

  • Từ khóa
109980

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu