Thứ 5, 28/03/2024 23:32:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:17, 11/09/2018 GMT+7

Vị tướng vĩ đại

Thứ 3, 11/09/2018 | 09:17:00 726 lượt xem
BP - Trong lịch sử triều đại nhà Trần vào giai đoạn đầu, người nắm thực quyền không phải vua, mà là Thái sư Trần Thủ Độ, người có công lớn nhất đối với nhà Trần khi ép nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng mới 7 tuổi phải nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh mới 8 tuổi, từ đó lập ra nhà Trần. Sau khi Trần Cảnh lên ngôi lấy hiệu là Trần Thái Tông, quyền lực nhà Trần khi đó thực chất vẫn trong tay Trần Thủ Độ cho đến khi ông mất vào năm 1264.

Trần Cảnh lên ngôi phong Lý Chiêu Hoàng là Chiêu Thánh hoàng hậu, năm 15 tuổi sinh hoàng tử Trần Trịnh  nhưng không may chết yểu, sau đó hoàng hậu Chiêu Thánh không thể mang thai lại được nữa. Năm 1237, vua Trần Thái Tông mãi vẫn chưa có con, điều này khiến nhiều tôn thất lo lắng hậu vận nhà Trần không có người nối dõi. Lúc này anh ruột của vua Trần Thái Tông là Trần Liễu có vợ là bà Thuận Thiên đang mang thai 3 tháng. Trần Thủ Độ ép bà Thuận Thiên phải làm vợ của vua Trần Thái Tông, tức ép vua phải lấy chị dâu khi đang mang thai. Sự việc này khiến nhà vua và anh mình là Trần Liễu đều phản đối kịch liệt, không tuân thủ theo. Nửa đêm, nhà vua cùng 2 cận thần trốn lên núi Yên Tử, gặp Quốc sư Phù Vân là bạn của mình ngỏ ý muốn nương nhờ cửa Phật. Quốc sư trả lời rằng: Trên núi không có Phật, mà Phật ở ngay trong tâm ta.

Minh họa: S.H

Lúc này Trần Thủ Độ dẫn quân đi tìm vua và cuối cùng gặp được nhà vua trên núi Yên Tử. Tuy nhiên, nhà vua nhất quyết không chịu trở về cung. Trần Thủ Đội nói rằng: “Xa giá ở đâu tức là triều đình ở đó”, rồi ra lệnh xây ngay cung điện trên núi nơi vua ở. Sợ mất sự yên tĩnh nơi tu hành trên núi Yên Tử, Quốc sư Phù Vân khuyên vua trở lại kinh thành và nhờ vậy, vua Trần Thái Tông cùng mọi người quay trở lại hoàng cung. Trần Liễu uất ức vì bị mất vợ, nhân lúc Trần Thủ Độ dẫn quân đi tìm vua liền đem quân của mình đến đánh chiếm kinh thành. Thế nhưng Trần Thủ Độ đã đề phòng có biến nên dặn dò, sắp đặt trước mọi việc cho các tướng lĩnh giữ thành. Vì thế, quân của Trần Liễu chưa kịp tới kinh thành đã bị bao vây. Không đủ sức chống lại quân triều đình, Trần Liễu bỏ chạy. Biết rằng khó thoát tội chết, lại nghĩ rằng bây giờ chỉ có vua Trần Thái Tông mới cứu được mình, Trần Liễu liền hẹn vua ở sông Cái, rồi đem thân đầu hàng trước vua.

Tới khi gặp Trần Thủ Độ, nhà vua đem thân mình che chở bảo vệ anh trai khiến Trần Thủ Độ không làm gì được. Trần Thủ Độ tức lắm ném gươm xuống sông và nói: Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịch thế nào? Trần Liễu được tha nhưng quân tướng đi theo ông thì bị xử tội chết hết cả. Sau sự việc này, anh em Trần Liễu và Trần Cảnh đã xóa hiềm khích. Tuy nhiên Trần Liễu vẫn giấu mối hận trong lòng, nhất là vợ mình là Thuận Thiên trở thành vợ vua ngoài sinh được Trần Quốc Khang còn sinh ra Trần Hoảng (sau này là vua Trần Thánh Tông), Trần Quang Khải, Trần Nhật Vĩnh, Trần Ích Tắc.

Trần Liễu có người con thứ ba là Trần Quốc Tuấn rất khôi ngô tuấn tú. Trần Liễu hy vọng đứa con này sau này có thể rửa mối hận cho mình. Vì thế, ông từ sớm đã đưa Quốc Tuấn đến thành Thanh Long ăn học ở nhà em gái mình là Thụy Bà công chúa, tìm thầy giỏi về dạy học cho Quốc Tuấn. Nhờ đó, ngay từ thời trẻ Trần Quốc Tuấn đã giỏi võ và thông thạo binh pháp. Trước khi qua đời, Trần Liễu trăn trối với Trần Quốc Tuấn rằng: Con không vì cha mà lấy được thiên hạ thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được. Trước khi 50 vạn đại quân Nguyên - Mông sang xâm lược Đại Việt lần thứ 2, rất nhiều binh lính và tôn thất nhà Trần dao động, không biết nên đánh hay hòa. Nhưng lúc này vua Trần vẫn tin tưởng và quyết định trao chức vụ quan trọng nhất trong triều đình lúc bấy giờ là Quốc Công Tiết chế (tức tổng chỉ huy quân đội) cho Trần Quốc Tuấn.

Lời bàn:

Trước khi Trần Quốc Tuấn được bái tướng thì 1 năm trước, người anh cùng cha khác mẹ của ông là Trần Doãn đã mang cả gia quyến chạy trốn sang nhà Tống. Hơn thế nữa, trước đó giữa vua Trần Thái Tông và thân sinh của Trần Hưng Đạo là Trần Liễu có sự hiềm khích lớn. Nhưng tất cả điều đó vẫn không ngăn cản được việc vua Trần Thái Tông trọng dụng ông và kiên quyết đặt trọn niềm tin vào Trần Quốc Tuấn. Thế mới biết sự độ lượng của Trần Thái Tông khi ấy không ai bằng và đó là quyết định dũng cảm, sáng suốt bậc nhất trong cuộc đời Trần Thái Tông. Bởi tình hình đất nước khi ấy, nếu vua Trần Thái Tông chọn nhầm người trao quyền thì không những cơ đồ nhà Trần mất mà có khi Trần Thái Tông còn gặp họa sát thân.

Nhưng thật may mắn cho nhà Trần khi đó có được một vị tướng soái kiệt xuất trong lịch sử nhân loại. Cả cuộc đời vẻ vang của Trần Quốc Tuấn gắn liền với những chiến công hiển hách của dân tộc, đó là kết quả của quá trình rèn luyện, cống hiến suốt đời. Giả thử ông mải mê tận hưởng cuộc sống vương hầu mà gạt việc rèn binh luyện tướng, liệu sử sách có thể ghi danh ông với chiến công 3 lần dẫn dắt quân dân nhà Trần đánh tan đế quốc hùng mạnh Nguyên - Mông? Nếu Trần Quốc Tuấn dốc lòng theo đuổi vinh hoa mà bỏ qua lẽ phải, đạo làm người, liệu hậu thế có mãi tôn xưng ông là Đức thánh Trần và thờ phụng muôn đời? Thông qua giai thoại về Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, hậu thế ngày nay ắt hẳn dễ dàng nhận ra rằng, muốn thành công thì mỗi người phải gạt bỏ thói quen hưởng thụ, không ngừng cố gắng.

N.D

  • Từ khóa
110089

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu