Thứ 3, 19/03/2024 16:13:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 07:36, 14/05/2017 GMT+7

Trung tâm xử lý bom, mìn Binh đoàn 16: Tất cả vì sự bình yên của nhân dân

Chủ nhật, 14/05/2017 | 07:36:00 1,225 lượt xem
BP - Chiến tranh đã lùi xa nhưng những loại bom, mìn, vật nổ sót lại vẫn là hiểm họa về nhiều mặt đối với đất nước và con người Việt Nam. Vì vậy, dò tìm, xử lý và khắc phục hậu quả do bom, mìn, vật nổ gây ra là một yêu cầu vừa cấp thiết vừa lâu dài, đồng thời là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó lực lượng quân đội đóng vai trò nòng cốt.

Được thành lập theo Quyết định số 1048/QĐ-BQP ngày 21-3-2016 của Bộ Quốc phòng, ngày 2-1-2017, Trung tâm Xử lý bom, mìn Binh đoàn 16 chính thức tập trung thực hiện nhiệm vụ sau khi cán bộ, nhân viên của đơn vị đã hoàn thành khóa đào tạo nhân viên, đội trưởng xử lý bom mìn, vật nổ tại Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật Công binh.

Nghề không “rút kinh nghiệm”

Đại tá Từ Viết Cường, Giám đốc trung tâm cho biết: Hiện nay, ngoài 50 cán bộ, nhân viên được đào tạo bài bản về rà phá bom, mìn, trung tâm còn được trang bị các loại máy móc, thiết bị dò tìm hiện đại của Đức. Đơn vị thường xuyên tập trung huấn luyện ở các địa hình, độ sâu khác nhau để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là động tác nghe tín hiệu, phân biệt tín hiệu ở độ nông sâu, mìn hoặc bom hay chỉ là cọng sắt. Nếu không phân biệt được, công việc sẽ rất vất vả bởi chỉ phát hiện một cọng sắt chúng ta cũng phải đào lượng đất, đá rất lớn để tìm kiếm, còn không phải cọng sắt mà bỏ sót lại một quả mìn lại là việc làm vô cùng nguy hiểm. Do vậy, thực hành, huấn luyện thành thục để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ trên thực địa là yêu cầu tiên quyết. Tuy mới đi vào hoạt động, trung tâm đã thực hiện thành công nhiều dự án, trong đó nổi bật là rà phá bom, mìn, vật nổ thành công trên diện tích 28,3 ha của Nhà máy chế biến mủ cao su Nghĩa Trung, Công ty TNHH MTV cao su Sông Bé.

Cán bộ Trung tâm Xử lý bom, mìn Binh đoàn 16 huấn luyện rà, phá bom, mìn trên thực địa

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bom, mìn, Đạt tá Từ Viết Cường nói: “Khó khăn nhất với lực lượng là các loại mìn bộ binh như M18 của Đức, 652A của Trung Quốc... do cường độ tín hiệu thu được rất thấp vì lượng sắt gắn trên mìn quá nhỏ. Hay các loại dễ nổ, nhạy nổ như đạn M79, bom bi, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng dễ dàng phát nổ. Những lúc như thế, người lính công binh phải biết vận dụng sáng tạo những kiến thức đã học và kinh nghiệm của bản thân để xử lý. Do đó, trong quá trình huấn luyện, đơn vị phải học cách rà, phá mấy trăm loại bom, mìn và liên tục ôn luyện cả lý thuyết lẫn thực hành.

Hay với những loại bom, mìn của Mỹ nằm dưới đất lâu ngày, vỏ đã rỉ sét, mất hết số hiệu, ký hiệu nên không biết loại nào. Trong đó có các loại bom rất nguy hiểm, như phốt pho, hóa học, chỉ cần một sơ suất nhỏ trong tác nghiệp cũng có thể gây hậu quả khó lường. Thậm chí khi bom, mìn phát hiện đã đưa lên mặt đất, nhưng quá trình phân loại và vận chuyển không bảo quản kỹ để lớp đất và rỉ sét bong ra cũng gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, trung tâm thường xuyên nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ thật cẩn trọng trong tác nghiệp.

Đang cùng đồng đội huấn luyện trên địa hình đồi dốc dưới cái nắng như đổ lửa của ngày đầu tháng 5, Đại úy Cao Ích Hiền, Đội trưởng Đội xử lý bom, mìn trên cạn chia sẻ: “Cán bộ, nhân viên rà phá bom, mìn đều phải qua quá trình đào tạo bài bản, nghiêm khắc. Nghề này không có cơ hội để rút kinh nghiệm mà kinh nghiệm được trả bằng xương máu. Khi thực hiện nhiệm vụ ngoài thực địa, đòi hỏi chiến sĩ mà trực tiếp là người đội trưởng phải bình tĩnh, tập trung suy nghĩ, vận dụng những kiến thức đã học và kinh nghiệm bản thân, thực hiện hết sức cẩn thận từng động tác mới xử lý thành công những quả bom, đạn còn sót lại dưới đất, đem lại bình yên cho nhân dân”.

Đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn

Bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh đã tác động tiêu cực về xã hội, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và an ninh trật tự, an toàn xã hội; làm ô nhiễm môi trường trên diện rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; gây tổn thất lớn về kinh tế, thu hẹp diện tích đất sinh hoạt, canh tác, phát triển sản xuất; thiệt hại nhiều tài sản, thiết bị thi công, các công trình...  Thực tiễn của công tác dò tìm, xử lý bom, mìn, vật nổ cũng cho thấy, đây là lĩnh vực rất khó khăn, tiềm ẩn sự nguy hiểm, đòi hỏi phải có lực lượng chuyên trách, được tổ chức chặt chẽ, có trang bị chuyên dùng và trình độ nghiệp vụ chuyên ngành cao, đủ khả năng thực hiện hiệu quả cả trước mắt và lâu dài.

Đồng chí Đinh Trọng Bắc, nhân viên Đội rà phá số 1 cho biết: “Ngoài trang bị các loại thiết bị, máy móc hiện đại, người lính công binh còn phải có lập trường tư tưởng vững vàng và bản lĩnh trong thực hiện nhiệm vụ. Trên thực địa, trong mọi tình huống phải dũng cảm và phục tùng tuyệt đối mệnh lệnh cấp trên. Khi phát hiện bom, mìn trên hiện trường phải báo ngay cho chỉ huy trực tiếp để có phương hướng xử lý cụ thể. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đang tích cực luyện tập về chuyên môn và nắm bắt đặc thù của công tác rà phá bom, mìn để khi xử lý đạt hiệu quả cao hơn”.

Đại tá Từ Viết Cường cho biết thêm: Theo số liệu khảo sát của Trung tâm Hành động bom, mìn quốc gia Việt Nam, ước lượng trên cả nước có khoảng từ 350-800 ngàn tấn bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Theo tính toán, phải mất hàng trăm năm mới khắc phục hết hậu quả của chúng. Bình Phước không chỉ trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ mà còn chiến đấu chống phát xít Nhật và bè lũ Pôn Pốt nên lượng bom, mìn, vật nổ của ta và địch sử dụng còn sót lại trong lòng đất rất lớn. Đã có không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra do người dân phát hiện bom, mìn còn sót lại không khai báo ngành chức năng. Rất mong các cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền để người dân nhận thức rõ tác hại của các loại bom, mìn, vật nổ còn sót lại. Đồng thời khi phát hiện có bom, mìn phải báo ngay cho chính quyền và ngành chức năng để thu gom, xử lý kịp thời.

Lâm Phương

  • Từ khóa
32821

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu