Thứ 6, 29/03/2024 16:30:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:57, 08/03/2018 GMT+7

Vì sao việc cấp “sổ đỏ” đất lâm nghiệp giao về địa phương chậm tiến độ?

Thứ 5, 08/03/2018 | 14:57:00 709 lượt xem
BP - Thời gian qua, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp giao về địa phương sau quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh khi rà soát còn hơn 159.704 ha. Tuy nhu cầu cấp GCNQSDĐ của người dân sau chuyển đổi tăng cao nhưng tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Những kết quả đạt được

Thời gian qua, các huyện, thị trong tỉnh đã tập trung huy động mọi nguồn lực cho công tác cấp GCNQSDĐ, ưu tiên kinh phí phục vụ đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính với tổng diện tích hơn 627.151 ha, chiếm 91,27% so với diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường cán bộ văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất về xã xét duyệt hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho tổ chức, người dân. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã cấp 417.930 GCNQSDĐ với diện tích 566.067,5 ha, đạt 93,25% diện tích cần cấp. Trong đó có 6.496 sổ của các tổ chức với diện tích 262.972,8 ha và 411.434 sổ của hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích 303.094,7 ha. Đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cho biết, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ lần đầu cho người sử dụng đất, gồm cả tổ chức và hộ gia đình, cá nhân.

Người dân ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (Đồng Phú) phấn khởi, an tâm phát triển kinh tế gia đình khi chính thức được làm chủ phần đất lâm phần đã giao về địa phương (ảnh minh họa)

Như vậy, tỷ lệ cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình đạt hơn 90%, cho tổ chức đạt hơn 98%. Việc đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho cá nhân, tổ chức đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị và giảm tranh chấp, khiếu kiện về đất đai trên địa bàn tỉnh.

Tiến độ cấp GCNQSDĐ tách khỏi lâm phần chậm

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cấp GCNQSDĐ cho người dân vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến tỷ lệ trễ hạn, đang giải quyết hồ sơ tồn còn cao. Riêng năm 2017, số lượng hồ sơ đất đai hộ gia đình, cá nhân cần giải quyết trên địa bàn tỉnh là 220.249 hồ sơ và đã giải quyết 210.567 hồ sơ. Trong đó, thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, thị xã 13.677 hồ sơ, đã giải quyết đúng hạn 11.239 hồ sơ, còn lại là trễ hạn và đang xem xét. Hồ sơ thuộc thẩm quyền của các chi nhánh văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đang tiếp tục giải quyết 1.558/155.440 hồ sơ đã nhận. Sở TN-MT tiếp nhận 51.132 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 43.089 hồ sơ; còn lại là trễ hạn và đang giải quyết. Lý giải vấn đề này, lãnh đạo Sở TN-MT cho biết: Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết của hộ gia đình, cá nhân ở các huyện, thị đã thực hiện theo đúng quy định. Tuy nhiên, do người dân tách thửa, phân lô bán nền thời gian qua diễn ra nhiều nên hồ sơ tăng đột biến, nhất là ở thị xã Đồng Xoài và 2 huyện Chơn Thành, Đồng Phú, dẫn đến việc xử lý, thẩm định hồ sơ không kịp tiến độ.

Cũng theo lãnh đạo Sở TN-MT, ngay sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 09/2016/NQ-HĐND, ngày 17-10-2016, UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng Quyết định số 08/2017/QĐ-UBND, ngày 9-2-2017 quy định về chính sách đối với quỹ đất nông nghiệp tách ra khỏi lâm phần theo quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Quyết định số 08). Sở TN-MT đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã thực hiện việc cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, tiến độ cấp giấy chứng nhận còn thấp, chỉ đạt 41,99% trên tổng diện tích đất cần cấp (104.433,4 ha). Trong đó, cấp theo Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND ngày 6-5-2013 của UBND tỉnh Bình Phước và Quyết định số 52/2009/QĐ-UBND ngày 4-11-2009 của UBND tỉnh Bình Phước trước đây là 40%, cấp theo Quyết định số 08 mới thực hiện được 1,99%. Cụ thể, tại huyện Bù Gia Mập (tính cả Phú Riềng mới tách) giao về 38.906 ha và diện tích cần cấp GCNQSDĐ là 19.423,2 ha, nhưng chỉ gần 7.481 ha đã cấp GCNQSDĐ; huyện Bù Đăng được giao 36.579 ha, nhưng đến nay tỷ lệ cấp GCNQSDĐ mới đạt 37,64%, tương đương 10.456 ha; huyện Đồng Phú có tổng diện tích đất lâm nghiệp giao về địa phương sau khi quy hoạch 3 loại rừng cao nhất (39.030 ha) cũng chỉ cấp GCNQSDĐ theo Quyết định số 08 được gần 393 ha...

Việc chậm trễ này có nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do người dân sống trên đất lâm phần đời sống còn khó khăn, không đủ khả năng tài chính để đảm bảo chi phí làm thủ tục cấp GCNQSDĐ. Một số hộ đủ điều kiện nhưng không làm thủ tục theo đúng quy định mà chờ đợi chủ trương của Nhà nước để làm sao có lợi nhất cho chủ đất. Ngoài ra, khi triển khai Quyết định số 08 và qua kiểm tra tại các huyện, thị có diện tích đất được giao về đã nảy sinh nhiều vướng mắc cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền giải quyết (Bộ TN-MT). Từ đó dẫn đến việc chuyển từ “sổ xanh” sang “sổ đỏ” cho hộ dân, cá nhân chưa đúng quy trình, thủ tục theo quy định.

Ngày 5-12-2017, Bộ TN-MT đã ban hành Thông tư số 33 để tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp “sổ đỏ” diện tích đất lâm nghiệp giao về địa phương sau quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Song Đoàn, Phó giám đốc Sở TN-MT cho hay: Đơn vị tư vấn đã khảo sát, thu thập số liệu và đang hoàn thiện dự thảo Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh do không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng”. Hiện nay, UBND các xã có diện tích được giao đang xét duyệt hồ sơ đăng ký đất đai và nội dung xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được quy định chi tiết tại Điều 3, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT.

Như vậy, khi có chủ trương chuyển từ “sổ xanh” sang “sổ đỏ”, người dân sản xuất trên diện tích đất lâm nghiệp được giao về địa phương sẽ rất phấn khởi, bởi họ chính thức được làm chủ phần đất mấy chục năm qua sinh sống, canh tác và còn mở ra cơ hội để người dân được tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, cải thiện đời sống.

Thanh Thúy

  • Từ khóa
93503

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu