Thứ 4, 24/04/2024 15:37:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 07:30, 05/06/2013 GMT+7

Vì sao trường THCS Tân Bình không nhận lại học trò?

Thứ 4, 05/06/2013 | 07:30:00 2,497 lượt xem

Năm học 2012-2013 kết thúc, ngành giáo dục gặt hái những thành công, song đây đó vẫn còn vương lại những hạt “sạn”. Hạt “sạn” bắt nguồn từ căn bệnh thành tích, hạt “sạn” gợn buồn cho cả… niêu cơm.

ĐÔN ĐÁO TÌM TRƯỜNG

Tháng 10-2012, chuẩn bị cho giải Việt dã chinh phục đỉnh cao Bà Rá 2013, 15 vận động viên (VĐV) điền kinh (đang là học sinh trường THPT Đồng Xoài, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và THCS Tân Bình) thuộc Trung tâm Thể dục - thể thao tỉnh (TTTDTT) đã xin chuyển hồ sơ lên các trường ở thị xã Phước Long để học tập và rèn luyện. Tháng 1-2013, giải đấu kết thúc, các huấn luyện viên (HLV) đưa học trò trở về thị xã Đồng Xoài. Theo đó, hồ sơ, học bạ của 15 VĐV này lại được đưa về thị xã Đồng Xoài.

trường THCS Tân Bình
Ngôi trường này đã “chê” học sinh là các vận động viên vì lý do giữ vững danh hiệu chuẩn quốc gia

Hai đơn vị: Trường THPT Đồng Xoài, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh tiếp nhận 5 VĐV về học tiếp học kỳ 2, năm học 2012-2013. Riêng trường THCS Tân Bình không nhận lại 10 học trò là các VĐV từ TTTDTT. Quyết định này đã làm các HLV môn điền kinh và Phòng Quản sinh của TTTDTT lao đao, chạy đôn, chạy đáo tìm trường cho học trò của mình.

Tại lễ tổng kết hoạt động của ngành thể thao Bình Phước diễn ra vào tháng 3 vừa qua, HLV trưởng môn điền kinh Bùi Lương không giấu được bức xúc. Ông nói: Học trò của chúng tôi mang thành tích về cho thể thao tỉnh. Nhưng sau giải, các em bơ vơ, không biết đi đâu, về đâu?

Ông Lương phân tích: Ngành giáo dục dạy chữ, dạy kiến thức, giúp các em tiếp cận tri thức khoa học, xã hội, đó là vốn quý. Chúng tôi đào tạo, rèn luyện các em năng khiếu. Cả tri thức và năng khiếu đều giúp ích cho xã hội. Vậy mà giành giải trở về, các em không được trường THCS Tân Bình nhận lại. Các em bị thiệt thòi quá! Nếu tình trạng này còn tiếp tục tái diễn, thể thao đỉnh cao Bình Phước làm sao có thể phát triển?

Ông Võ Dũng, Trưởng phòng Huấn luyện TTTDTT chia sẻ: Trung tâm luôn tạo điều kiện để các VĐV rèn luyện chuyên môn và học tập kiến thức ở trường. Các em đăng ký tạm trú tại trung tâm, thuộc phường Tân Bình. Trường THCS Tân Bình không nhận lại các em và nếu không có trường nào chịu nhận thì học trò của chúng tôi phải đứng trước hai lựa chọn: Hoặc là rời bỏ thể thao, năng khiếu, niềm đam mê hoặc là phải bỏ học. Lựa chọn nào các em cũng bị thiệt thòi!

VÌ TRƯỜNG CỐ GIỮ CHUẨN

Khi tìm hiểu nguyên nhân vì sao trường THCS Tân Bình không nhận lại học trò là các VĐV, Hiệu trưởng Đinh Thị Lệ Thu cho biết: Giáo viên trong trường đã rất khổ sở, vất vả với những học sinh trở về từ TTTDTT. Các em thường xuyên đi học trễ, ngủ gật trong lớp, ý thức và học lực chưa tốt gây ảnh hưởng đến thành tích chung của trường. “Nếu nhận lại các học sinh này, nhà trường khó giữ được danh hiệu trường chuẩn quốc gia”, cô Thu thẳng thắn.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trương Thành Phụng, chuyên viên phụ trách thể thao khối trường học (Sở Giáo dục - Đào tạo) cho biết: Nếu TTTDTT thông báo việc trở về của các VĐV, sở sẽ có công văn chỉ đạo đến trường THCS Tân Bình. Như thế sẽ không có chuyện trường không nhận học trò như đã xảy ra.

Tuy nhiên qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, các VĐV này luôn có ý thức tốt, nếu được nhận lại cũng không làm ảnh hưởng đến thành tích chung của nhà trường. Thầy Nguyễn Bình Khiêm, Hiệu trưởng trường THCS Tân Thiện - nơi đón nhận các VĐV vào học cho biết: Các em phải rèn luyện năng khiếu nên thời gian đầu tư học tại trường ít hơn các bạn. Tuy nhiên, kết thúc năm học, các em đều có ý thức đạo đức tốt, không quậy phá, đánh nhau, gây mất đoàn kết làm ảnh hưởng đến thành tích chung của nhà trường.

 Một câu hỏi được đặt ra: Nếu trường nào cũng cố gắng giữ “chuẩn quốc gia”, chê học sinh là VĐV vì đào tạo các em quá khổ như quan điểm của trường THCS Tân Bình, thì ai sẽ là người giáo dục, đào tạo những học sinh cá biệt, học sinh yếu, kém? Nếu các cơ sở giáo dục tiếp tục chê học trò là VĐV thể thao, thì thể thao đỉnh cao Bình Phước sẽ về đâu? Đã đến lúc hai ngành thể thao và giáo dục nên có sự phối kết hợp chặt chẽ, tạo điều kiện cho học sinh là VĐV vừa luyện tập năng khiếu, vừa học tập, trau dồi kiến thức. Sự kết hợp này đâu phải là quá khó(?).

T. Linh

  • Từ khóa
82616

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu