Thứ 6, 19/04/2024 06:35:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:01, 16/06/2013 GMT+7

Vì sao tình hình an ninh trật tự ở Long Hà phức tạp?

Chủ nhật, 16/06/2013 | 13:01:00 3,877 lượt xem

Xã Long Hà (Bù Gia Mập) từ nhiều năm qua là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự. Số vụ việc vi phạm pháp luật ngày càng tăng. Các đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa. Thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, liều lĩnh, coi thường luật pháp. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

TỘI PHẠM GIA TĂNG

Tiếp chúng tôi với tập hồ sơ, sổ sách dày cộp ghi lại những vụ án lớn nhỏ trên địa bàn xã xảy ra trong thời gian qua, đại úy Phan Xuân Ninh, Trưởng công an xã cho biết, từ năm 2000 đến nay, Long Hà có 348 đối tượng mang tiền án, tiền sự với các tội danh khác nhau và chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 18 đến 32. Các đối tượng tụ tập nhiều ở thôn 4, thôn 6, thôn 10, riêng thôn 7 có 182 đối tượng. Toàn xã hiện có trên 100 đối tượng phạm tội đang cải tạo tại các trại giam, trong đó thôn 7 có 48 đối tượng.


Thôn 7, xã Long Hà có đời sống kinh tế phát triển nhưng thiếu sân chơi lành mạnh dẫn đến các đối tượng phạm tội ngày càng gia tăng

Năm 2012, Long Hà xảy ra 63 vụ phạm pháp hình sự với 84 đối tượng. Từ đầu năm 2013 đến nay đã có 49 vụ phạm pháp hình sự với 51 đối tượng, trong đó 26 đối tượng biết danh tính, còn lại đang tiếp tục điều tra làm rõ. Các vụ phạm tội chủ yếu là cướp giật (1 vụ), trộm cắp tài sản (13 vụ, trong đó chuyển công an huyện thụ lý 5 vụ - 6 đối tượng), cố ý đánh người gây thương tích (9 vụ), đánh bạc (6 vụ)... Công an huyện đang truy nã 1 đối tượng giết người ở thôn 7 và 1 đối tượng cướp giật ở thôn 8. Vừa qua, công an xã đã triệt phá thành công vụ cưỡng đoạt bảo kê lô cao su (Nông trường 6, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng) do Lê Xuân Thấu (1982), ngụ thôn 4 cầm đầu, hiện đã giao công an huyện thụ lý. Đây là vụ án mang tính băng nhóm (4 đối tượng), các đối tượng liều lĩnh sẵn sàng chống trả khi có người truy đuổi.

ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?

Bà Vũ Thị Như Hà, Phó chủ tịch UBND xã và đại úy Phan Xuân Ninh cùng cho rằng: Nguyên nhân là do địa bàn xã có diện tích rộng (9.329 ha), chủ yếu là dân nhập cư từ miền Bắc và miền Trung vào lập nghiệp. Khi đến định cư, mỗi vùng miền sống biệt lập thành từng khu dân cư với phong tục, tập quán, lối sống khác nhau, nên khó quản lý và thường xảy ra bất đồng giữa các thôn. Điển hình như ở thôn 7 (tháng 7-2012 tách ra thành hai thôn 6 và 7) hiện có 246 hộ với 1.117 người, dân chủ yếu nhập cư từ huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây cũ vào lập nghiệp. 800 ha đất của thôn nằm cách biệt với các thôn khác, lại xa trung tâm nên người dân sống theo kiểu “ngăn sông cấm chợ”, không giao lưu, tiếp xúc với bên ngoài nên khi có người thân hoặc người trong thôn phạm tội thì họ thường bao che.

Đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa và gia tăng, nguyên nhân một phần là do gia đình thiếu trách nhiệm trong giáo dục, quản lý con em. Khi con em vi phạm thì họ bao che, chạy tội, đổ lỗi, thậm chí nhiều trường hợp còn thách thức cơ quan pháp luật. Ở địa bàn các thôn còn thiếu sân chơi lành mạnh, cũng như tổ chức các phong trào sinh hoạt tập thể để thu hút thanh niên tham gia. Nhiều năm qua, chính quyền, đoàn thể xã, thôn đã kết hợp mở các lớp hướng nghiệp, đào tạo nghề cho thanh niên nhưng lại chưa giải quyết được việc làm cho họ.

Mặt khác, hệ thống chính trị từ trên đến thôn, ấp chưa mạnh mẽ vào cuộc, chưa thực sự là chỗ dựa vững chắc cho phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và công tác đấu tranh phòng chống, tố giác các loại tội phạm.

Công an xã hiện có 23 cán bộ, chiến sĩ, thì 6 người có chuyên môn, còn lại chưa và thiếu nhiệt tình trong công việc. Các tổ an ninh nhân dân hoạt động cầm chừng, chỉ khi có công việc của thôn mới tập trung, kế hoạch hoạt động cụ thể hầu như không có...

LÀM GÌ ĐỂ “HẠ NHIỆT”?

Thôn 7 có 246 hộ nhưng còn 9 hộ nghèo do thiếu đất sản xuất hoặc quá tuổi lao động. Còn lại hộ nào cũng có trên 2 ha đất sản xuất. Nhưng theo hồ sơ các vụ án thì thôn 7 có nhiều đối tượng phạm tội nhất trong toàn xã (chiếm gần 50%). Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng thôn 7 cho biết, các đối tượng phạm pháp không phải vì thiếu ăn, thiếu mặc mà chủ yếu là lười lao động, ham cờ bạc, thường thực hiện các hành vi đá nóng xe máy, trộm chó... mang tính chuyên nghiệp từ nhiều năm qua.

Theo ông Tiến, để giảm bớt tình trạng này, cơ quan công an cần lập thêm chốt an ninh, tăng cường tuần tra ban đêm. Những tụ điểm đánh bạc trong vườn rẫy cần xử lý dứt điểm, vì đây là nguồn gốc của phạm tội. Đặc biệt các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội các trường hợp vi phạm, tránh trường hợp chạy án, coi thường luật pháp. Dẫn chứng về vấn đề này, ông Tiến cho rằng ở đây có nhiều trường hợp ra vào tù từ 3 đến 4 lần nhưng do xử lý chưa nghiêm nên ngựa quen đường cũ, ra tù rồi lại tiếp tục phạm tội. Điển hình như đối tượng Chu Văn Tốn (1982) chuyên trộm cắp xe máy đã ra vào tù 4 lần, em trai là Chu Văn Tiến vào tù 2 lần.

Ngoài việc phải xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, các cấp chính quyền, đoàn thể cần bám sát dân, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của dân để có phương pháp kết hợp tuyên truyền, vận động hợp lý. Xây dựng sân chơi lành mạnh, tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể ở xã, thôn để thanh thiếu niên được vui chơi, giao lưu văn hóa - thể thao, tạo không khí đoàn kết giữa các thôn ấp. Vận động lực lượng thanh niên, đặc biệt là những đối tượng có tiền án, tiền sự vào các tổ chức hội, đoàn thể cũng như tạo việc làm cho họ để dần thay đổi cách nghĩ, cách làm. Đưa phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đến mọi tầng lớp nhân dân, biểu dương những quần chúng tố giác tội phạm và đối tượng hoàn lương chấp hành tốt luật pháp...  

 Vũ Thuyên

  • Từ khóa
92236

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu