Thứ 7, 20/04/2024 07:05:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:05, 13/09/2014 GMT+7

Vì sao sông Sài Gòn bị ô nhiễm?

Thứ 7, 13/09/2014 | 08:05:00 790 lượt xem
BP - Hầu hết người dân sinh sống dọc sông Sài Gòn thuộc địa phận xã Minh Tâm (Hớn Quản) đều sử dụng nước sông để sinh hoạt. Thế nhưng những năm gần đây, cuộc sống của người dân bị đảo lộn bởi ô nhiễm từ việc xả thải của một số công ty ra sông Sài Gòn.

XẢ NƯỚC THẢI CHĂN NUÔI, XÁC HEO RA SÔNG

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó ban điều hành ấp 4, xã Minh Tâm cho biết, sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm nặng. Chúng tôi chịu đựng đã lâu nhưng không biết kêu ai để giải quyết... Ông Tân nhờ cha con anh Hồ Văn Cò sống ở xóm ngụ cư gầm cầu Sài Gòn chở chúng tôi bằng thuyền gỗ đến những điểm xả nước thải ra sông của Công ty TNHH Nông sản Việt Phước. Công ty Việt Phước nằm trên địa bàn ấp 2, xã Minh Tâm. Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là nuôi heo sinh sản, heo thịt... Công ty hoạt động hơn 2 năm nhưng trong vòng chưa đầy 3km bờ sông có tới 3 đường ống, rãnh thoát nước đen kịt từ khuôn viên công ty chảy ra sông.

Nước thải đen kịt từ đường cống của Công ty Việt Phước xả thẳng ra sông Sài Gòn

Một công nhân Công ty Việt Phước cho biết: “Công ty có lò đốt để xử lý heo bệnh, heo chết nhưng thực tế thiêu chỉ một phần nhỏ, vứt xuống sông thì nhiều”. Một người dân nói: “Chúng tôi nhiều lần chứng kiến nhân viên công ty mang heo chết vứt xuống sông. Vào những ngày nước sông dâng cao, xác heo nhanh chóng bị cuốn đi nhưng gặp ngày nước cạn xác nằm lại bốc mùi khó chịu”. 

Anh Hồ Văn Cò (39 tuổi) ở tổ 3, ấp 4 cho biết: “Nhà ở gần Công ty Việt Phước, nhiều năm nay, gia đình tôi phải sống chung với mùi hôi thối từ việc xả nước phân heo và xác heo của công ty. Suốt 2 năm qua, chúng tôi phải cam chịu tình trạng này chứ không thể di dời đến nơi khác”.

CUỘC SỐNG BỊ ĐẢO LỘN

Sông Sài Gòn không chỉ cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân mà còn là nơi mưu sinh của những cư dân vạn chài sống dọc hai bên bờ. Anh Nguyễn Văn Hiền (40 tuổi) ở tổ 8, ấp 1 cho biết: “Các công ty xả thải ra sông, khiến nguồn nước bị ô nhiễm, cá chết, chúng tôi không thể đánh bắt, nguồn thu nhập bị giảm hẳn. Đã vậy, chúng tôi vẫn phải dùng nước sông để sinh hoạt”.

Theo ông Hoàng Vĩnh Cư (63 tuổi) ở tổ 5, ấp 9, buổi trưa là thời điểm hôi nhất. Những lúc như vậy, gia đình ông không thể nghỉ trưa mà phải lánh đi nơi khác, khổ nhất là trẻ em. Để có nguồn nước sinh hoạt, gia đình phải tận dụng nước mưa chứ không dám sử dụng nước từ sông Sài Gòn.  

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đoạn cầu Sài Gòn đến ngã ba sông là điểm giao giữa 3 tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh tại địa phận xã Tân Hiệp (Hớn Quản). Tại đây còn có một số trại chăn nuôi, nhà máy chế biến tinh bột mì xả thải trực tiếp ra sông Sài Gòn. Do vậy, nước sông đã chuyển sang màu đen, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Người dân địa phương mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện sớm có biện pháp yêu cầu các doanh nghiệp là thủ phạm gây ô nhiễm sông Sài Gòn khắc phục tình trạng trên. Nếu không, sông Sài Gòn đoạn chảy qua xã Minh Tâm sẽ trở thành dòng sông chết.   

CÔNG NHÂN CÔNG TY VIỆT PHƯỚC ĐÌNH CÔNG

Chiều ngày 23-8, trên 30 công nhân Công ty TNHH Nông sản Việt Phước (Hớn Quản) đình công trước cổng công ty đòi gặp ban giám đốc để được trao đổi về việc công ty bất ngờ tăng giờ làm vào hai ngày thứ Bảy, Chủ nhật mà chưa thông báo hay thỏa thuận trước với công nhân.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hơn 2 năm trước, kể từ ngày Công ty Việt Phước đi vào hoạt động, công nhân làm việc từ 7 giờ sáng đến 11 giờ và từ 13 giờ đến 17 giờ. Riêng ngày thứ Bảy và Chủ nhật, công nhân phải làm 7 tiếng, tức đến 16 giờ thì được nghỉ. Tuy nhiên, ngày 23-8, nhân viên văn phòng của công ty thông báo: “Từ hôm nay, ngày thứ Bảy, Chủ nhật, công nhân phải làm đủ 8 tiếng, tức đến 17 giờ mới được nghỉ nhưng không nói gì đến chế độ lương, thưởng. Hơn nữa thông báo của công ty không có chữ ký của lãnh đạo công ty... nên công nhân đề nghị được gặp ban giám đốc để thỏa thuận. Thế nhưng, giám đốc công ty đề nghị nếu ai không đồng ý với yêu cầu của công ty thì tự nghỉ việc. Bức xúc với cách làm trên, trên 30 công nhân đã nhờ chính quyền địa phương, Liên đoàn lao động huyện can thiệp.     

Ông Bùi Đình Lợi, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hớn Quản cho biết, ngay khi có thông tin sự việc xảy ra tại Công ty Việt Phước, chúng tôi và các ngành chức năng của huyện đã vào cuộc giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đến nay, tất cả công nhân đã trở lại làm việc bình thường. Liên đoàn lao động huyện đã yêu cầu công ty xem xét lại hợp đồng lao động. Thời gian làm việc phải được thực hiện theo Luật Lao động, mỗi tuần công nhân được nghỉ 1 ngày, nếu làm việc vào ngày nghỉ, công ty phải trả lương gấp đôi...

 K.L

  • Từ khóa
92481

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu