Thứ 5, 28/03/2024 20:29:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 13:33, 11/04/2018 GMT+7

Vì sao nông dân chưa giàu?

Thứ 4, 11/04/2018 | 13:33:00 132 lượt xem

BP - Bình Phước có khoảng 80% số dân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm qua, Đảng bộ và chính quyền các cấp trong tỉnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Trọng tâm là phát triển nông nghiệp đi liền với khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, gắn với giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới, như cao su, điều, trái cây... Đặc biệt, ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều giải pháp trong quy hoạch sản xuất, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất... Do đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp tỉnh vẫn còn bộc lộ những yếu kém, như phát triển chưa bền vững, tốc độ tăng trưởng thấp, sức cạnh tranh giảm, chưa phát huy hiệu quả nguồn lực cho phát triển sản xuất. Mặt khác, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất phân tán, nhỏ lẻ; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng thấp... Nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch do kết cấu hạ tầng còn yếu... dẫn đến một bộ phận người dân có mức sống thấp, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng chưa bền vững, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa.

Tuy đã được định hướng, nhưng do thiếu nguồn lực nên nông dân trong tỉnh chủ yếu chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tự phát, thiếu liên kết nên điệp khúc “trồng - chặt, chặt - trồng” liên tục diễn ra. Còn nhớ những tháng đầu năm 2015, nhận thấy giá mủ cao su không có dấu hiệu phục hồi, lại bị “choáng” bởi giá hồ tiêu cao ngất ngưởng ngay giữa mùa thu hoạch nên nông dân đua nhau trồng tiêu. Khi ấy, trên khắp nẻo đường ở Bình Long, Hớn Quản, Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù Gia Mập... đâu đâu cũng thấy cảnh người dân ồ ạt xuống giống hồ tiêu, bất chấp cảnh báo của ngành chức năng. Và đến nay, khi “cung” lớn hơn “cầu”, giá tiêu liên tục lao dốc, dẫn đến thu không đủ bù chi, nhiều gia đình không còn nguồn đầu tư chăm sóc đã phó mặc vườn tiêu cho thiên nhiên. Hậu quả là tiêu chết hàng loạt ở các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập mặc dù vẫn chưa bước vào cao điểm mùa khô. Tình trạng nêu trên khiến nhiều gia đình “tán gia bại sản”.

Tại hội nghị đối thoại với nông dân chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới”, diễn ra ngày 9-4 tại tỉnh Hải Dương, đại diện nông dân cả nước đã chia sẻ về tình trạng thừa, ế nông sản xảy ra ở nơi này, nơi kia, thậm chí phải nhổ bỏ do giá quá rẻ mạt. Sau khi chia sẻ với người dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đã đến lúc cần xây dựng quy hoạch sản xuất theo vùng, để làm sao sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương chứ không phải làm ào ào. Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý: “Trước khi gieo hạt xuống phải tính tới việc sản xuất bao nhiêu, bán cho ai”. Đây không chỉ là mong muốn của Thủ tướng đối với ngành nông nghiệp cả nước nói chung và Bình Phước nói riêng trong định hướng phát triển bền vững lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà còn là lời nhắn nhủ bà con nông dân khi muốn làm giàu từ sản xuất nông nghiệp.

Lâm Phương

 

  • Từ khóa
108851

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu