Thứ 6, 29/03/2024 23:04:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:30, 12/06/2019 GMT+7

Vì sao dự án cấp điện nông thôn triển khai chậm?

Thứ 4, 12/06/2019 | 06:30:00 1,970 lượt xem

BP - Dự án “Cấp điện nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013-2020” được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1153/QĐ-UBND ngày 4-6-2014. Dự án có quy mô: Đường dây trung thế 609,98km, đường dây hạ thế 1.192,33km; tổng dung lượng trạm biến áp 16.355kVA, đầu tư trên địa bàn 85 xã với dự kiến 15.952 hộ dân hưởng lợi. Tổng mức đầu tư của dự án 676,725 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương, vốn vay ODA (85%) khoảng 575,216 tỷ đồng; ngân sách tỉnh đối ứng (15%) khoảng 101,509 tỷ đồng. Dự án thực hiện từ năm 2013, do Sở Công Thương làm chủ đầu tư. Từ tháng 4-2017 đến nay, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, nay là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư để tiếp tục triển khai thực hiện.

GIẢI QUYẾT BÀI TOÁN THIẾU ĐIỆN               

Đường điện dài hơn 5km ở thôn 10, xã Bom Bo (Bù Đăng) là một trong những công trình cấp điện nông thôn tỉnh được hoàn thành và đưa vào vận hành cuối năm 2018. Sau nhiều năm sinh sống tại đây, người dân thôn 10 rất vui khi được Nhà nước quan tâm đầu tư điện lưới quốc gia về tận thôn. Bà Trần Thị Ba, Phó thôn 10 cho biết: Trước đây, khi chưa có điện lưới quốc gia, để phục vụ sinh hoạt, nhân dân trong thôn phải tự kéo điện. Do đường dây quá dài, chi phí hao hụt lớn nên giá 1kW điện lên đến 7.000-8.000 đồng. Riêng gia đình tôi, trước đây mỗi tháng phải trả 900 ngàn đến 1,2 triệu đồng tiền điện. Cuối năm 2018, sau khi có điện lưới quốc gia, mỗi tháng tôi chỉ phải trả tiền điện từ 200-250 ngàn đồng.

Công nhân ngành điện đấu nối, sửa chữa đường dây điện trước mùa mưa - Ảnh minh họa: Sỹ Hòa

Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013-2020 đã làm thay đổi diện mạo nông thôn. Với 253 hộ dân thôn 6, xã Long Tân (Phú Riềng), từ năm 2016 được sử dụng điện lưới quốc gia, đời sống người dân đã có sự thay đổi rõ rệt. Có điện, các hộ mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt như tivi, tủ lạnh... đời sống vật chất, tinh thần nâng cao. Ông Nguyễn Hữu Chúc, Chủ tịch UBND xã Long Tân cho biết: Cơ sở hạ tầng một số thôn ở Long Tân còn nhiều khó khăn, nhất là điện lưới quốc gia. Thời gian qua, được hưởng dự án cấp điện nông thôn nên nhiều hộ dân ở vùng sâu, xa của xã đã có điện sử dụng. Tính đến cuối năm 2018, toàn xã có 97% hộ được sử dụng điện. Tuy nhiên, chỉ có 70% hộ sử dụng điện an toàn từ điện lưới quốc gia, còn lại sử dụng theo kiểu chắp nối. Xã rất mong ngành điện và các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm đầu tư để Long Tân sớm hoàn thành tiêu chí về điện trong năm 2019.

Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Bình Phước đã thực sự giúp địa phương giải quyết một phần bài toán thiếu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi, việc đầu tư điện lưới quốc gia đến tận thôn, ấp vùng sâu lâu nay vẫn gặp khó khăn do chi phí đầu tư lớn, khả năng thu lợi từ kinh doanh điện năng thấp nên ngành điện không mạnh dạn đầu tư. Nếu không có dự án này thì nhiều ấp vùng sâu, xa như ấp Sắc Xi, xã Tân Phước (Đồng Phú) người dân sẽ không có điện lưới quốc gia để sử dụng.

Ông Hồng Văn Khánh, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Sắc Xi cho biết: Năm 2016, ấp được đầu tư đường điện trung hạ thế dài hơn 10km, tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ đồng. Công trình do Công ty TNHH Cẩm Xuyên đảm nhiệm thi công. Sau 3 tháng, công trình hoàn thành sớm hơn dự kiến 1 tháng để phục vụ nhu cầu sử dụng của nhân dân. Từ khi có điện, nhiều hộ dân đầu tư mua các thiết bị máy móc phục vụ tưới tiêu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó nâng cao thu nhập. Ban điều hành ấp cũng đã vận động người dân đóng góp tiền lắp đặt đèn đường.

Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, để thực hiện dự án phù hợp tình hình thực tế theo phân bổ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của Trung ương, vốn vay ODA, ban đã lập các tiểu dự án tương ứng với nguồn vốn được phân bổ và dựa trên dự án được phê duyệt. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 2 tiểu dự án cụ thể:Tiểu dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Bình Phước sử dụng vốn ngân sách Trung ương, giai đoạn 2013-2020”; giá trị tổng mức đầu tư được phê duyệt 152 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương 125 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đối ứng 27 tỷ đồng). Tiểu dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2018-2020 - vốn ODA do EU tài trợ”, thuộc chương trình “Hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo” sử dụng vốn ODA không hoàn lại do EU tài trợ; giá trị tổng mức đầu tư được phê duyệt 70,588 tỷ đồng. (vốn ngân sách Trung ương huy động từ nguồn tài trợ của EU (vốn ODA) 60 tỷ đồng (chiếm 85%); vốn đối ứng địa phương 10,588 tỷ đồng (chiếm 15%)).

Và những khó khăn vướng mắc

Ông Dương Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: Dự án “Cấp điện nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013-2020” được phê duyệt với tổng mức đầu tư 676,725 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án mới được phê duyệt theo nguồn vốn để thực hiện (gồm cả vốn ngân sách Trung ương, vốn ODA do EU tài trợ và vốn đối ứng địa phương) với tổng mức đầu tư 222,588 tỷ đồng, chiếm 32,89% tổng mức đầu tư toàn dự án. Trong khi đó, tổng vốn ngân sách Trung ương được cấp hằng năm để thực hiện lũy kế đến hết năm 2018 là 50 tỷ đồng, vốn ODA từ nguồn tài trợ của EU chưa được cấp để thực hiện. Như vậy, với thời gian thực hiện dự án chỉ còn chưa đầy 2 năm (2019-2020) thì tiến độ hoàn thành khó khả thi, do thiếu nguồn vốn bố trí để thực hiện. Cụ thể, đối với Tiểu dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Bình Phước sử dụng vốn ngân sách Trung ương, giai đoạn 2013-2020”, tổng vốn còn thiếu 81,788 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương thiếu 75 tỷ đồng. Đối với Tiểu dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Bình Phước giai đoạn 2018-2020 - vốn ODA do EU tài trợ”, tổng vốn ODA do EU tài trợ còn thiếu chưa được bố trí là 60 tỷ đồng.

Nhân viên điện lực Đồng Xoài sửa đường dây điện tại khu phố Suối Cam, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài - Ảnh minh họa: Ngân Hà

Ngoài ra, dự án cũng gặp không ít trở ngại do thực hiện trên địa bàn dân cư phân tán, có nhiều cây công nghiệp giá trị kinh tế cao như: cao su, điều, cà phê... Do vậy, các tuyến đường điện được đầu tư đi qua vườn cây gây khó khăn trong quá trình vận động nhân dân tự nguyện giải phóng mặt bằng phục vụ thi công công trình. Từ đó, làm kéo dài thời gian thi công và nghiệm thu đóng điện tại một số tuyến được đầu tư phục vụ nhu cầu cấp điện của nhân dân.

Đức Hiến

  • Từ khóa
94561

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu