Thứ 7, 20/04/2024 08:38:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 16:22, 20/11/2012 GMT+7

Vì sao các khu công nghiệp thiếu lao động?

Thứ 3, 20/11/2012 | 16:22:00 645 lượt xem

ĐIỂM NHẤN TỪ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển chung của cả nước, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bình Phước đã quy hoạch 16 KCN và 1 khu kinh tế cửa khẩu. Hiện có 6/16 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút 101 dự án đăng ký đầu tư. Trong đó có 56 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đây được xem là bước khởi đầu quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kích thích các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển. Năm 2011, những dự án trong các KCN, khu kinh tế của tỉnh đã tạo ra gần 50% giá trị sản xuất công nghiệp và trên 17,26% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Bên cạnh đó còn góp phần giải quyết việc làm cho trên 12 ngàn lao động trong và ngoài tỉnh.

Công nhân Công ty World Tec Vina thuộc Khu công nghiệp Chơn Thành

Tuy nhiên trên thực tế, nguồn lao động trong doanh nghiệp tại các KCN lại thường xuyên biến động theo xu hướng thiếu hụt. Theo đánh giá của các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, một trong những nguyên nhân khiến Bình Phước khó thu hút các nhà đầu tư là do thiếu nguồn lao động. Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần KCN Cao su Bình Long cho rằng, thực trạng thiếu lao động hoặc lao động chưa qua đào tạo đã làm cho Bình Phước đánh mất nhiều cơ hội thu hút các nhà đầu tư có quy mô lớn.

NGUYÊN NHÂN THIẾU LAO ĐỘNG

Hiện nay, lực lượng lao động trong doanh nghiệp ở các KCN trên địa bàn tỉnh có tới trên 90% là lao động phổ thông. Đây là nguồn nhân lực và là lực lượng trực tiếp tham gia xây dựng giá trị thương hiệu, tạo ra giá trị vật chất cho các doanh nghiệp và của cải cho xã hội. Thế nhưng những vấn đề phụ trợ như y tế, giáo dục, nhà ở cho công nhân hiện còn rất thiếu. Vì thế, một lượng lớn công nhân của Bình Phước chuyển dịch về các KCN Bình Dương, Đồng Nai hay Thành phố Hồ Chí Minh để tìm việc làm và có điều kiện sống tốt hơn.

Ông Trần Văn Tài, Trưởng phòng Tổ chức tổng hợp công ty World Tec Vina cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2012, giá trị sản phẩm của công ty làm ra chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm trước. Lao động trong công ty cũng giảm từ 2.000 xuống còn 890 công nhân. Một trong những nguyên nhân khiến nhiều lao động bỏ việc, bỏ nhà máy là do chế độ tiền lương quá thấp, công nhân không thể tích lũy từ đồng lương. Ngoài chế độ tiền lương, các chế độ phụ trợ khác như tiền tăng ca, tiền hỗ trợ ăn trưa trong một số doanh nghiệp hiện còn thấp. Đặc biệt là chế độ hỗ trợ tiền ăn trưa của một số doanh nghiệp không đủ cho công nhân tái tạo sức lao động.

Theo tổ chức Công đoàn Công ty World Tec Vina cho biết, mức lương bình quân của công nhân trong công ty hiện dao động từ 1,7 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. “Nếu cộng cả tiền tăng ca thì mức lương bình quân mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ chế độ ăn trưa 10.500 đồng cho mỗi suất ăn/công nhân. Với giá thị trường hiện nay, mức hỗ trợ trên không thể bảo đảm sức khỏe cho công nhân. Mặc dù công nhân đã nhiều lần kiến nghị lên ban giám đốc nhưng chất lượng bữa cơm vẫn chưa được cải thiện”, ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết.

CẦN CÓ GIẢI PHÁP THU HÚT NGUỒN LAO ĐỘNG

Bình Phước hiện đã quy hoạch 16 KCN, 1 khu kinh tế cửa khẩu và đang đi vào hoạt động. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy trung bình cho 6 KCN hiện chỉ đạt gần 35%. Theo ước tính của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân, nếu các nhà đầu tư lấp đầy diện tích tại 6 KCN trên địa bàn toàn tỉnh thì phải cần ít nhất 40 ngàn lao động. Điều đó cho thấy, mỗi năm Bình Phước phải thu hút 1.000-3.000 lao động mới đáp ứng yêu cầu từ các doanh nghiệp. Thế nhưng tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề đang diễn ra trầm trọng. Theo ông Nguyễn Hữu Tú, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần KCN Cao su Bình Long, để giải được bài toán thiếu hụt nguồn lao động cho các doanh nghiệp, các trường đào tạo cần phối hợp trực tiếp với doanh nghiệp để đào tạo nghề theo địa chỉ, đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Điều đó không chỉ giúp các trường dạy nghề hay các cơ sở đào tạo giảm bớt chi phí mà còn đáp ứng được nguồn lực cho nhà đầu tư.

Bên cạnh việc linh động mở rộng các hình thức đào tạo nghề, công tác chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân cũng là một trong những yếu tố then chốt để tạo sức hấp dẫn thu hút lao động. Đặc biệt là công tác quy hoạch nhà trọ, trường mầm non cũng như các thiết chế văn hóa khác để phục vụ nhu cầu thiết yếu của công nhân. Bởi đây là một trong những điều kiện để công nhân lựa chọn nơi dừng chân lập nghiệp.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
92161

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu