Thứ 6, 29/03/2024 04:47:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:16, 27/10/2016 GMT+7

Giáo dục tinh thần vì nước, vì dân

Diệp Viên
Thứ 5, 27/10/2016 | 07:16:00 941 lượt xem

BP - Trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân ta thường xuyên phải đương đầu với thiên tai khắc nghiệt và đặc biệt là các thế lực ngoại xâm có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn mạnh và cũng dã man, tàn ác vào bậc nhất, nhì thế giới trong từng thời đại. Ví như, thời kỳ trung đại là quân Tống - Nguyên - Mông - Thanh từ phương Bắc, rồi đến thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở thời kỳ cận và hiện đại... Mặc dù vậy, tổ tiên và cha ông chúng ta đã luôn biết phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện “Cử quốc nghênh địch”, nghĩa là cả nước cùng đánh giặc hay “Bách tính giai binh”, nghĩa là mọi người dân đều là lính cùng chống kẻ thù xâm lược, giành thắng lợi vẻ vang.

PHÁT HUY SỨC MẠNH TRUYỀN THỐNG

Ngay nửa đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, do chính sách đồng hóa gắt gao và bóc lột hà khắc của nhà Đông Hán đối với người Việt tại Giao Chỉ, Hai Bà Trưng phát động khởi nghĩa chống lại nhà Đông Hán. Cuộc khởi nghĩa được sự hưởng ứng của nhiều đội quân và nhân dân các nơi thuộc Âu Lạc và hai bà đã lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam. Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương. 200 năm sau, bà Triệu Thị Trinh đã khảng khái tuyên bố với trăm họ rằng: Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người. Sau đó, chứng kiến cảnh quan lại nhà Đông Ngô bóc lột dân chúng dã man, tàn ác, Bà Triệu đã khởi binh chống lại. Khi ra trận, bà Triệu mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi và được tôn là Nhụy Kiều tướng quân. Và truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” được bắt nguồn từ đây.

Năm 544, sau khi khởi nghĩa đuổi quân đô hộ của nhà Lương do Tiêu Tư cầm đầu, rồi đánh lui cuộc phản công của nhà Lương và đánh đuổi vua Lâm Ấp ở phía Nam, Lý Bí đã tự xưng là Lý Nam Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân thể hiện mong muốn rằng xã tắc truyền đến muôn đời. Tiếp đó, mùa xuân năm 939, sau khi giành chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng vương, chấm dứt gần 1000 năm đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc.

Đến triều đại nhà Lý đã đánh tan 30 vạn quân xâm lược Tống (1075-1077), triều đại Trần ba lần đánh bại đế quốc Nguyên - Mông (1258, 1285, 1288), triều đại Lê 10 năm kháng chiến lật đổ ách thống trị của nhà Minh (1418-1427) giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đó là những triều đại tiêu biểu, đã viết nên những trang sử vàng chói lọi. Và những chiến công của các triều đại trên đây không phải tự nhiên mà có. Đây là kết quả từ công cuộc chuẩn bị lâu dài ngay từ thời bình, là tổng hợp các nhân tố và trong đó, giáo dục ý thức quốc phòng cho nhân dân mà các triều đại Lý, Trần, Lê đã thực hiện đóng vai trò rất quan trọng.

GIÁO DỤC TINH THẦN TRÁCH NHIỆM GIỮ NƯỚC

Lịch sử giữ nước của dân tộc ta đã để lại kinh nghiệm, đồng thời cũng khẳng định một vấn đề có tính quy luật là: Phải chuẩn bị ngay từ lúc đất nước chưa nguy để sẵn sàng đối phó với các cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, trong đó việc giáo dục ý thức quốc phòng là vấn đề quan trọng. Và từ chỗ ý thức rõ điều đó, các triều đại Lý, Trần, Lê luôn quan tâm đến việc giáo dục, xây dựng cho nhân dân, binh sĩ tinh thần cảnh giác trước âm mưu xâm lược của kẻ thù. Dưới thời nhà Lý, triều đình đã có nhiều chỉ dụ đối với các địa phương vùng biên ải phải nêu cao cảnh giác, tổ chức tuần phòng để nắm chắc tình hình biên ải và hồi báo cho triều đình. Nhờ đó, khi nhà Tống tập trung quân gần biên giới nước ta (năm 1075) đã bị Lý Thường Kiệt phát hiện, chủ động đánh trước, phá tan âm mưu xâm lược của địch. Bên cạnh đó, bằng nhiều nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục phong phú, sinh động và sáng tạo, như thơ, ca, truyền thuyết, văn hóa truyền miệng rất dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người cũng góp phần giáo dục, tuyên truyền trong nhân dân niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc, tinh thần quật cường, ý chí quyết tâm đánh giặc bảo vệ giang sơn xã tắc.

Các áng văn thơ thời Lý, Trần, Lê, như: bài thơ “Thần” - “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Tụng giá hoàn kinh sư” của Trần Quang Khải, “Phú Bạch Đằng giang” của Trương Hán Siêu, “Đại Cáo Bình Ngô” của Nguyễn Trãi,... đã có sức lan tỏa sâu, rộng trong nhân dân. Qua đó, làm cho người dân hiểu rõ, nếu để kẻ thù cướp nước, giày xéo quê hương thì không chỉ mất nước, mà còn mất cả tổ tiên, gia đình, nền văn hóa dân tộc; khi đó, người dân phải chịu cảnh sống nô lệ, lầm than, tủi nhục. Vì vậy, từ xa xưa, mỗi người đàn ông Việt Nam đều nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình mỗi khi bị kẻ thù xâm lăng, rằng: “Quốc gia hữu sự, thất phu hữu trách”. Và quả đúng như vậy, khi quốc gia có giặc xâm lăng thì chỉ có những kẻ thất phu mới không nhận thấy rõ trách nhiệm của mình. Đó là, mỗi khi Tổ quốc bị kẻ thù xâm lăng thì giữ nước là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người dân, “muôn người như một xem việc nước như việc nhà”, coi việc bảo vệ độc lập, chủ quyền là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của bản thân mình.

Ngày nay đất nước hòa bình, đồng bào các dân tộc Việt Nam đang hằng ngày ra sức phấn đấu vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, nhưng các thế lực thù địch, bọn phản động cả trong và ngoài nước chưa bao giờ ngừng nghỉ chống phá. Bởi mục tiêu nhất quán của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch trong sử dụng chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với cách mạng Việt Nam là thực hiện âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, lái nước ta theo con đường chủ nghĩa tư bản và cuối cùng là chúng ta phải lệ thuộc vào chúng... Để đạt được mục tiêu đó, các thế lực thù địch không từ bỏ bất kỳ thủ đoạn chống phá nào như sử dụng bạo lực phi vũ trang, bạo lực vũ trang, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội...

Vì vậy, việc phát huy truyền thống yêu nước, giáo dục về trách nhiệm giữ nước cho mọi người dân, nhất là đối với thế hệ trẻ là việc làm hết sức cần thiết. Một khi mọi công dân đều phát huy tốt truyền thống yêu nước thương nòi và nêu cao tinh thần trách nhiệm giữ nước thì mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động dù thâm hiểm đến đâu cũng sẽ sớm bị lột trần.

  • Từ khóa
2532

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu